Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
10621 lượt xem

Nhói lòng bé trai 2 tuổi đói khát nép mình người cha nghèo suy thận như muốn san sẻ nỗi đau

Mới 2 tuổi thôi nhưng Trọng ngoan lắm, như thể đã hiểu được nỗi đau của bố nên cháu không hề quấy khóc.

Người bố nghèo bị suy tim, suy thận giai đoạn cuối, mẹ sức khỏe yếu. Mỗi lần bố đi viện chạy thận, đứa trẻ gần 2 tuổi lại ngoan ngoãn bám theo mẹ như thể đã hiểu chuyện khiến nhiều người càng thêm thương xót.

Trong căn nhà nhỏ, xiêu vẹo như túp lều ở thôn Phú Hồ, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, anh Lê Khắc Long (46 tuổi) nằm thở hổn hển vì chứng suy tim, suy thận nặng. Vì quá mệt, anh Long phải thở bằng bình ô xi. Ngồi gần đó là bé Lê Khắc Trọng (22 tháng tuổi) với khuôn mặt buồn rầu, nép mình vào người bố như thể đã hiểu chuyện. Đứa trẻ mới gần 2 tuổi thôi nhưng mỗi lúc bố lên cơn đau, mỗi lúc đói Trọng cũng không hề khóc, chỉ ngoan ngoãn rúc vào bố như “biết thân biết phận” khiến nhiều người chứng kiến xót lòng.

Anh Long kết hôn với vợ là chị Sằm Thị Ngơi (38 tuổi, dân tộc Tày, Bắc Kạn), sinh được cháu Lê Khắc Trọng. Số phận của người đàn ông có con ở tuổi 41 thật xót xa.

Hơn một năm nay, anh Long bị suy tim nặng, suy thận giai đoạn cuối, toàn bộ tài sản trong gia đình tích góp được cũng tiêu tan vì chứng bệnh hiểm nghèo. Cuộc sống đã rơi vào ngõ cụt, khi trong nhà không có tiền để tiếp tục chạy chữa, mọi người đành đưa anh về nhà nằm chờ chết.

Không đành lòng chứng kiến cảnh chồng rơi vào nguy kịch, chị Ngơi lại gạt nước mắt, bế con rồi dìu anh xuống bệnh viện tỉnh để tiếp tục chạy thận. Để trang trải tiền thuê trọ mỗi tháng 1 triệu đồng, tiền sữa cho con, người đàn bà sức khỏe yếu xin đi rửa bát thuê gần bệnh viện nhặt nhạnh từng đồng. Nay chị sức cùng lực kiệt, chặng đường tiếp theo không biết phải làm sao để cứu chồng, chăm con.

Đáng thương hơn là bé Lê Khắc Trọng, đứa con đầu lòng của vợ chồng anh Long và chị Ngơi. Trọng chỉ mới gần 2 tuổi thôi nhưng em tỏ ra là đứa trẻ rất ngoan ngoãn. Mỗi lúc bố đau, Trọng lại sà đến bên bố, nép mình vào người bố. Cuộc sống của Trọng từ khi bố lâm bệnh nặng, bữa đói bữa no nhưng em không hề quấy khóc. Từng cử chỉ, thái độ của Trọng như càng chạm thêm vào nỗi bất lực trước cửa ải tử thần của người bố nghèo tội nghiệp.

Anh Long sinh ra trong gia đình nghèo ở Hà Tĩnh. Năm 22 tuổi, anh rời quê hương vào miền Nam lập nghiệp. Xa quê chăm chỉ làm ăn nhưng số phận không may mắn khi sức khỏe anh Long yếu, thường xuyên ngất xỉu, cơ thể tím tái nên tuổi nhiều nhưng anh Long vẫn không tìm được người yêu thương.

Mãi cho đến năm 41 tuổi, anh quen biết và kết hôn với chị Sằm Thị Ngơi, một người phụ nữ dân tộc Tày ở Bắc Kạn cũng có tuổi thơ với ký ức buồn. Ngơi sinh ra trong gia đình có hai anh em, mồ côi bố khi chị vừa lên 10 tuổi, anh trai chị lại mắc bệnh tâm thần.

Cuộc sống ở quê quá khổ cực nên chị rời quê vào Nam làm ăn và nên duyên với anh Long. Hoàn cảnh quá túng khổ, lại trùng thời điểm anh Long mắc bệnh nặng nên hai vợ chồng không tổ chức lễ cưới, chỉ đăng ký kết hôn.

Năm 2018, khi chị Ngơi mang thai đứa con đầu lòng được 3 tháng thì anh Long đổ bệnh nặng, cứ mỗi lần làm việc nặng anh lại khó thở, ngất xỉu, tím tái nên không thể làm việc. Gần 1 năm nay, anh Long cùng vợ con khăn gói về Hà Tĩnh dựng túp lều tạm cạnh nhà bố đẻ làm chốn nương thân.

Ở quê nhà, những lúc sức khỏe đỡ hơn thì anh Long lại chăm chỉ làm thuê, kiếm thêm tiền phụ giúp vợ chăm con. Thời gian gần đây, sức khỏe anh xuống dốc trầm trọng. Gom góp, vay được chút tiền, hai vợ chồng bồng theo con xuống bệnh viện thăm khám. Bác sĩ kết luận anh Long bị suy tim, suy thận nặng.

Nằm trên giường với hơi thở yếu ớt, anh Long trải lòng: “Em không biết còn sống được bao lâu nữa, vì em thấy khó thở và mệt mỏi vô cùng. Từ ngày có bé Trọng, em thực sự sợ chết, sợ con trai sẽ bơ vơ. Mới 2 tuổi thôi nhưng Trọng ngoan lắm, như thể đã hiểu được nỗi đau của bố nên cháu không hề quấy khóc. Nghĩ đến thôi là em thấy thương con đứt ruột. Mong mọi người giúp đỡ em, để em có thể khỏe lại, có thể sống lâu hơn để ở cạnh bảo vệ, nuôi nấng con”.

“Tụi em xuống đây thuê trọ để tiện cho việc chữa bệnh của chồng. Mỗi tháng đóng tiền trọ hơn 1 triệu đồng, tiền đó là em đi rửa bát thuê để về trả trọ. Những lúc em đi làm, thì hai bố con ở nhà với nhau, hoặc anh Long sẽ bế cháu đi lên bệnh viện để chạy thận. Em thấy thương chồng, thương con lắm nhưng không biết phải làm sao”, chị Ngơi tâm sự.

Ông Bùi Xuân Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết, anh Long kết hôn với chị Ngơi là người dân tộc thiểu số.

“Gần một năm nay, anh Long bị bệnh nặng nên phải về quê để chữa bệnh. Gia cảnh hết sức khó khăn, anh Long dựng tạm túp nhà nhỏ gần bố đẻ để ở, nhưng người bố cũng nghèo khổ. Rất mong các nhà hảo tâm gần xa, giúp đỡ, ủng hộ để anh Long có thêm kinh phí chạy chữa”, ông Thế nói.

Danh mục: Cha

Bài viết cùng chủ đề: