Ở trên núi, vấn đề vẫn tồn tại, và chúng chẳng qua chỉ xuất hiện dưới một hình thức khác.

Chuyển vào núi sống, hòa mình với thiên nhiên dường như trở thành một cuộc sống đáng mơ ước đối với nhiều người trong hai năm trở lại đây.

Không ít người đã hiện thực hóa được ước mơ đó, nhưng cũng không ít người nhận ra được rằng “trốn tránh” thì ra không đơn giản như vậy.

Ngay cả khi không còn ở giữa thành phố xô bồ, mỗi ngày cũng vẫn có rất nhiều thứ nhỏ nhặt phải đối mặt: giá nhà ngày càng cao, côn trùng muỗi kiến, điện nước bất tiện… tất cả phá tan trí tưởng tượng lãng mạn của nhiều người.

“Họ chẳng qua cũng chỉ là chuyển cuộc sống ở thành phố lên núi mà thôi”

Sau khi tốt nghiệp, Trần Húc (Trung Quốc) làm việc tại một tập đoàn trong hai năm, sau đó, anh xin nghỉ việc để về Tây An, nơi anh sẽ đến núi Chung Nam (một địa điểm được nhiều người trẻ chọn để sống “ẩn dật”) mỗi tuần để thư giãn.

Anh trồng rất nhiều cây cảnh ở nhà, lâu dần muốn chuyển những cây cảnh đó đến một nơi rộng rãi hơn, vì vậy đã quyết định thuê một khoảng vườn nhỏ trên núi để trồng cây và sống ở đó.

Sau đó, Trần Húc nhận thấy ngày càng có nhiều người trẻ lên núi, hàng xóm của anh cũng không ngừng thay đổi. Những người này đều có những đặc điểm giống nhau: còn khá trẻ, không thích giao du đông người, và cũng không ở lâu.

“Họ chẳng qua cũng chỉ là chuyển cuộc sống ở thành phố lên núi mà thôi.”

Ở gần nơi Trần Húc sống có một nhóm người, anh đã tiếp xúc với họ vài lần, thấy họ cũng không có quá nhiều việc để làm, chỉ ăn lẩu uống rượu trong sân, lúc nào cũng rất náo nhiệt. Nhưng sự náo nhiệt không kéo dài được một tháng.

Ngoài ra còn có một số 9X khác, một số thuê một ngôi nhà khá cũ, một số sống luôn trong các hang động. Ban ngày, họ sẽ xuống chân núi để xin wifi của nhà trọ, tải tiểu thuyết và phim đủ để xem trong một tuần, sau đó quay trở lại lên núi “bế quan”.

Có một bà mẹ đơn thân vừa ly hôn, có lẽ vì quá thất vọng với cuộc sống, cô ấy đã đi tàu hỏa hàng nghìn dặm từ Quảng Tây đến núi Chung Nam cùng với cậu con trai 5 tuổi của mình.

Sống trên núi nên việc học hành của con cái phải do cô tự dạy. Quan niệm giáo dục ban đầu của người mẹ như sau: dạy con cách trồng rau, quan sát, đếm côn trùng trong sân… Đưa con ra khỏi đường đua của việc học hành căng thẳng, học hỏi và phát triển một cách gần gũi thiên nhiên.

Bản thân cô ấy cũng giảm mức chi tiêu, sống một cuộc sống đơn giản, yên bình. Tưởng tượng luôn tốt đẹp, nhưng cuộc sống này chỉ kéo dài vài tháng.

Sau đó, cô ấy vẫn rời khỏi núi Chung Nam.

Cũng có những người gặp thất bại trong kinh doanh, bị lừa, bệnh tật… nghe nói núi Chung Nam là một nơi tốt, họ lên núi, sống trong một ngôi chùa, nghĩ rằng có thể “ngộ” ra điều gì đó khác biệt bằng cách hòa mình vào bầu không khí yên tĩnh trên núi.

Nhưng sống ở đây cũng chẳng đủ để họ “đắc đạo”, chẳng ngộ ra được điều gì cả, hoạt động hàng ngày chỉ có ăn và ngủ. Dần dần, họ cảm thấy nhàm chán và cũng rời đi.

Trần Húc thường trò chuyện với bạn bè về những gì đang xảy ra ở đây, anh nhận thấy 90% những người đến sống ở núi Chung Nam không thể ở đây được tới nửa năm, với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ở trên núi, vấn đề vẫn tồn tại, chúng chẳng qua chỉ xuất hiện dưới một hình thức khác

Lâm Kiệt ban đầu muốn đến núi Chung Nam để thoát khỏi sự lo lắng ở thành phố lớn – những rắc rối về công việc, hôn nhân và các mối QH phức tạp.

Không ngờ rằng, ở trên núi, vấn đề vẫn tồn tại, và chúng chẳng qua chỉ xuất hiện dưới một hình thức khác.

Trước khi nghỉ việc, Lâm Kiệt làm việc tại một công ty tài chính ở Thượng Hải. Từ nhỏ đến lớn, cô luôn là học sinh đứng đầu lớp, cuộc sống của cô hoàn hảo đến từng thang điểm. Từ thức dậy ăn gì, đến thi vào đại học và đi làm, bước nào cũng đều đã được lên kế hoạch. Hầu hết những kế hoạch này đều do bố mẹ cô sắp đặt, còn cô thì âm thầm chấp nhận nó.

Sau khi đi làm, nhiều thứ bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Lâm Kiệt, cô nhận ra rằng không thể làm hài lòng tất cả mọi người và thường xuyên cảm thấy thất vọng, chán nản. Sau đó, cộng với việc chia tay người bạn trai đã yêu 4 năm, Lâm Kiệt hoài nghi bản thân, lẽ nào, cô thực ra không hề giỏi giang như người khác nghĩ?

Liệu cô có thể chấp nhận bản thân mình nếu cô đi chệch khỏi thước đo đã được thiết lập không? Lâm Kiệt rơi vào tình trạng nghi ngờ bản thân nghiêm trọng.

Cô muốn thoát ra khỏi những tiêu chuẩn của xã hội, đến với một môi trường đơn giản hơn, thoát khỏi những lo lắng và những vấn đề vô tận của cuộc sống cơm áo gạo tiền. Không nói cho bố mẹ và bạn bè xung quanh biết, cô đã tự tìm hiểu rất nhiều thông tin về núi Chung Nam, và quyết định lên đó một mình.

Khoảng thời gian lúc cô mới lên núi là vào mùa xuân, trong phòng không có máy sưởi. Vào đêm đầu tiên, cô phải đi ngủ trong bộ quần áo dày cộp của mình.

Ban đầu, Lâm Kiệt nghĩ rằng mình sẽ chỉ phải đối mặt với những mối QH phức tạp giữa các cá nhân ở nơi làm việc, nhưng sau khi đến núi Chung Nam, cô nhận ra rằng các mối QH cần xử lý ở đây phức tạp hơn nhiều.

Vào ngày đầu tiên, khi Lâm Kiệt mới dọn đến, hàng xóm trong làng đã tìm đến bắt chuyện với cô, họ thậm chí còn không gõ cửa, nhìn cô chằm chằm qua các cánh cửa. Dân làng quanh năm sống trên núi và xa lạ với thế giới bên ngoài, vì vậy mỗi khi có người trẻ mới dọn đến, họ đều rất tò mò.

Ở vùng nông thôn Trung Quốc, vì đã sống ở đây qua nhiều thế hệ, mọi người giống như một xã hội thu nhỏ, tình làng nghĩa xóm rất được đề cao. Và vì đó là một xã hội nhỏ, có tính kết nối cao hơn nên sẽ rất khó để những người mới tới có thể hòa nhập nhanh chóng.

Trong núi có rất nhiều hẻm, dân làng canh giữ đường ra vào núi, một số con đường nhỏ thường bị phong tỏa. Đến chưa được vài ngày đã có người nói với cô rằng: “Thỉnh thoảng vẫn phải hỏi han tạo mối QH với những người đó, như vậy lên xuống núi sẽ thuận lợi hơn.”

Lâm Kiệt không quá để ý điều này, cô chỉ muốn sống một cuộc sống nhàn nhã và không muốn tiếp xúc quá nhiều với thế giới bên ngoài.

Một ngày nọ, cô thấy kính cửa sổ của mình bị nứt, còn những người thợ thay cửa sổ lại gặp sự cố khi họ lên núi. Những người canh ở khu vực chân núi không biết Lâm Kiệt vì vậy họ nhất định không cho thợ sửa chữa lên núi, phải mất rất lâu, sự việc mới được giải quyết. Sau này cô mới biết, nếu trước đó biết tạo mối QH, phiền phức đã bớt đi được rất nhiều.

Mặc dù nói lên đây vì một cuộc sống yên bình, nhưng Lâm Kiệt phát hiện cô ngày càng bồn chồn hơn.

Cuộc sống vốn dĩ phải làm thêm giờ đến sáng sớm đột ngột kết thúc, cô hoàn toàn không thích ứng được. Hàng ngày phải lo đi lấy nước, nấu ăn, buồn phiền về chuyện không biết phải giao tiếp với hàng xóm ra sao, và thỉnh thoảng lo lắng về chuột, rắn và côn trùng trong sân.

Hóa ra tưởng tượng về một cuộc sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên lại chẳng lãng mạn chút nào. “Khi bạn buông bỏ những nhiệm vụ công việc vốn đã là thói quen hàng ngày, bạn phải đối mặt với vô vàn những điều vụn vặt khác của cuộc sống, nếu bạn dừng lại, bạn có thể sẽ không có thức ăn và nước uống ngày hôm đó.”

3 tháng sau, Lâm Kiệt rời khỏi núi Chung Nam…

Người ta nói rằng cuộc sống không chỉ có những hối hả và bận rộn, nó còn có sự lãng mạn và những nơi xa xôi, câu này khiến nhiều người từ bỏ cuộc sống hiện tại của họ để tìm tới “những nơi xa xôi” mà mình hằng ước ao.

Đi “xa” để theo đuổi một cuộc sống mới, nhưng đã bao giờ bạn dừng lại để thực sự suy nghĩ xem, thứ “hối hả” là cuộc sống bên ngoài kia, hay là nội tâm bên trong bạn? Nếu chính bản thân không tìm được sự bình yên từ chính bên trong, vậy thì “đi thật xa” có phải là đáp án cho tất cả mọi vấn đề của cuộc sống?