Những câu chuyện giàu lên nhờ đất thường được rỉ tai nhau rất nhanh nhưng lại chẳng mấy ai hay chuyện bị chôn vốn một chỗ hoặc phải bán cắt lỗ, bởi những người mất tiền thường chỉ ngậm đắng nuốt cay, coi đó là bài học cho riêng mình. Thế nên đầu tư đất vẫn rất hấp dẫn những người có máu làm giàu dù chưa có kinh nghiệm hay thông tin gì trong tay.

Năm 2016, anh Tuân chỉ có 200 triệu đồng nhưng vẫn liều lĩnh vay tiền mua đất ở đường Bưng Ông Thoàn, quận 9, TP.HCM. Thời điểm đó, khu vực này còn khá vắng vẻ, dân cư thưa thớt, giá đất từ 17 – 18 triệu/m2. Anh Tuân mua mảnh đất 50m2 giá 900 triệu đồng và cất tạm ngôi nhà cấp 4 để ở. Tiền anh vay mượn chủ yếu của người quen nên không bị tính lãi, hai vợ chồng chỉ lo tích góp trả nợ dần. Anh Tuân cho biết, quá may mắn khi liều mua đất thời điểm đó, vì chỉ 1-2 năm sau, giá đất tăng chóng mặt. Hiện tại, giá đất khu này đã cán mốc 50 triệu/m2, nghĩa là mảnh đất của anh Tuân giờ có giá 2,5 tỷ, gần gấp 3 giá mua vào. Nếu không mua lúc đó, anh tin rằng mình sẽ phải ở trọ suốt đời.

Thực tế, không ít người mua đất cùng thời điểm với anh Tuân hoặc trước đó một vài năm giờ cũng lãi ròng tiền tỷ khi quận 9 lột xác về hạ tầng, giá đất tăng vọt, nhất là từ năm 2018.

Ngoài quận 9, những người mua đất một số huyện vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ cách đây mấy năm cũng “trúng lớn”. Không ít người chẳng phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, chỉ nghe đồn thổi hay mua theo đám đông mà vẫn có thể kiếm lời tiền tỷ.

Anh Quốc, một người dân ở quận 12 kể, giữa năm 2018, dù đã có nhà có đất nhưng bố mẹ anh vẫn cầm tiền đi mua đất ở Củ Chi “để dành”. Khi đó, anh Quốc ra sức ngăn cản, vì cho rằng Củ Chi là vùng “khỉ ho cò gáy” chờ bao giờ mới lên giá. Không hiểu bố mẹ anh được ai “rót mật vào tai” mà quyết tâm mua một lô đất giá 800 triệu. Giờ sau hơn 1 năm, đã có người đến trả miếng đất giá 2,5 tỷ mà ông bà chưa muốn bán. “Nói chung với kiến thức eo hẹp của tôi là hên xui, mình mua trước lúc các đại gia thổi đất lên nên mình trúng chứ sau khi thổi mình mua lời không bao nhiêu, có khi còn lỗ”, anh Quốc kết luận.

Nhiều người giàu lên từ đất thì cũng có không ít người vỡ nợ, mất tiền… vì đất!

Quả thực chuyện mua đất theo đám đông hay tin đồn của những nhà đầu tư tay ngang như bố mẹ anh Quốc đúng là chỉ dựa vào may rủi. Bởi cũng liều mua như nhau, nhưng không ít người lại bị chôn vốn hoặc phải chấp nhận bán lỗ.

Anh Trung, Hà Nội kể năm 2010 thấy mọi người đua nhau mua đất Đông Anh, anh cũng vay mượn khắp nơi mua một mảnh 500 triệu, chờ giá lên rồi bán. Không ngờ sau đó thị trường hết sốt, dân đầu tư rút sạch, anh Trung muốn thu hồi vốn mà rao bán mãi chẳng ai mua. Mới đây do bí tiền, anh bán lại mảnh đất được 300 triệu, “lãi” được một bài học.

Cũng năm 2010, anh Huân lên Sơn Tây mua một mảnh đất chờ thời, nhưng chờ mãi chẳng thấy thời cơ đến. Sau chừng ấy năm, giờ giá mảnh đất giảm còn một nửa. Anh Huân thở dài: “Đâu phải ai mua cũng lãi đâu!”

Cả anh Trung và anh Huân đều mất một khoản tiền lớn mua bài học với giá “chát” nên chẳng dám khoe với ai, chỉ âm thầm chịu trận và tự an ủi đất vẫn còn đó, chưa mất đi đâu. Thực tế, trong đợt sốt đất rồi thoái trào cách đây chục năm, không ít trường hợp mua đất những năm 2010 thậm chí mất cả nhà cửa, trắng tay vì cắm sổ đỏ mua đất, sau đó đất không bán được, nhà cũng mất luôn…

Tuy không cùng thời điểm nhưng những trường hợp mua đất kể trên có điểm chung là đều mua đất vùng ven và nằm trong nhóm những nhà đầu tư theo đám đông, một trong hai nhóm nhà đầu tư chính của thị trường. Trong khi những người may mắn mua trước thời điểm nóng sốt như anh Quốc và anh Tuân có cơ hội chốt lời hoặc mua được tài sản có giá trị đúng với giá trị thực thì những người mua vào lúc đỉnh sốt như anh Trung và anh Huân dễ bị chôn vốn hoặc phải bán cắt lỗ.