Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
88 lượt xem

Nghề tỉa lá cắt cành vất đi, tưởng trò nghịch dại ai ngờ có thu nhập 30 triệu đồng/tháng

Khi nhắc đến người chơi và kinh doanh bonsai, có thể bạn nghĩ đến một thế hệ… lớn tuổi. Nhưng không, hiện nay, nhiều bạn trẻ đã và đang bán loại cây này thành công và có thu nhập “khủng”.

Nghỉ làm công nhân về kinh doanh bonsai

Năm 2021, Nguyễn Trọng Tú, 20 tuổi, ngụ tại Đồng Xoài (Bình Phước) đã nghỉ làm công nhân tại một công ty chuyên giày da để về nhà và tập trung làm kinh doanh bonsai mini, siêu mini.

“Hồi đó, tôi hay đi giao lưu bonsai mini với mấy anh, em có cùng đam mê và bản thân cảm thấy rất vui khi có những hoạt động này trong cuộc sống. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định đầu tư vào chúng. Với tôi, không có gì thành công hơn khi tôi tạo ra tài chính từ đam mê của mình”, Tú bộc bạch.

Lấy số tiền dành dụm được khi làm công nhân, chàng trai 20 tuổi đã mang đi mua phôi kiểng chất lượng nhất về trồng. Trọng Tú chia sẻ ngay từ nhỏ bản thân đã tiếp xúc với nghề trồng cây kiểng như cách tạo dáng, chăm sóc, ghép cành cây ra sao… Dù vậy, thời gian đầu trồng bonsai, chàng trai 20 tuổi gặp không ít khó khăn.

“Do chưa có kinh nghiệm nhiều nên tôi hay để cây chết, tỷ lệ phôi lên thành phẩm rất thấp, đồng thời tôi chưa biết làm sao để tạo ra chất trồng cho bonsai một cách phù hợp cho từng loại cây. Tôi phải liên tục học hỏi từ các anh, chị đi trước và kiến thức trồng kiểng trên mạng xã hội”, Tú nói.

Tú cho hay muốn bonsai có tỷ lệ sống cao thì người trồng cần xử lý bộ rễ thừa, bị hư, cắt những cành không cần thiết. Chọn giá thể (đất) trồng cây thật tơi xốp, thoát nước tốt. Khi kiểng đã phát triển mạnh thì chúng ta cho phân theo định kỳ.

“Để có một bonsai đẹp tôi thường hay gieo hạt, chiết, giâm cành… rồi uốn nắn, định hình bằng dây nhôm theo ý tưởng bản thân khi nó còn rất nhỏ. Lúc kiểng phát triển một thời gian, tuỳ vào độ to, lớn mong muốn của mình thì tôi đưa nó lên chậu rồi bắt đầu công đoạn tạo tác uốn tán và các cành, chăm sóc tỉ mỉ hơn”, anh chàng 20 tuổi hướng dẫn thêm.

Sau gần 2 năm miệt mài vun vén vườn kiểng tại gia, hiện tại Trọng Tú sở hữu gần 1.000 bonsai từ cây phôi, thành phẩm mini, siêu mini như linh sam, hồng ngọc mai, mai chiếu thủy, sam hương… “Hiện tại, giá bonsai bên tôi trung bình từ vài chục ngàn đồng đến hàng triệu đồng/cây. Để tăng giá trị sản phẩm của mình, tôi còn kết hợp thêm những bức tượng, đá… để làm tiểu cảnh cho bonsai. Trung bình mỗi tháng doanh thu bonsai của tôi đạt trên dưới 30 triệu đồng”, Trọng Tú bộc bạch.

Cũng theo Tú, để tạo ra một bonsai tốt thì người trồng phải trải qua thời gian từ 1,5 năm trở lên mới có 1 tác phẩm đẹp. “Bonsai càng nuôi lâu năm, chúng càng có giá trị cao. Việc tạo hình dáng cho nó đòi hỏi rất tỉ mỉ vì mỗi cây sẽ phù hợp với mỗi dáng thế khác nhau, tùy thuộc vào mắt thẩm mĩ của người chơi”, Tú nói.

Chàng trai 20 tuổi cho biết bonsai sẽ yếu đi nếu nó bị dư hoặc thiếu nước. Mỗi tháng, Tú còn bón phân theo định kỳ cho kiểng và mỗi loại cây đều có một loại phân thích hợp.

Mở vườn, tự làm chủ

Năm 2015, Văn Trọng Hoàn (25 tuổi, trú tại đường XTT 32, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM) đi bộ đội, trong môi trường quân ngũ, anh chàng may mắn được chỉ huy phân công thêm các công việc liên quan đến cắt tỉa cây cảnh.

Năm 2017, chàng trai 25 tuổi này xuất ngũ. Hoàn tiếp tục đi làm thiết kế cảnh quan nhà phố, song song với việc học trồng và nuôi bonsai tại các nhà vườn lành nghề.

“Lúc đó, có một người anh đã hỗ trợ, tìm những nhà vườn cho tôi để tập tành cắt tỉa, uốn kẽm tạo dáng cây. Tôi thấy rằng được chạm, thực hành trên kiểng càng nhiều thì tay nghề dễ lên lắm. Với nghề làm bonsai, nếu không có thực tiễn mà chỉ giỏi lý thuyết thì khi thực hành sẽ không làm được đâu”, anh nói.

“Giai đoạn đầu tôi chỉ được học ‘nhổ cỏ tưới cây’. Quan trọng là cách chăm sóc bonsai làm sao để cho nó sống rồi mới đến các bước tiếp theo”, Hoàn chia sẻ thêm.

Sau khi học được một thời gian, Hoàn bắt đầu mua phôi cũng như sưu tầm thêm các dòng bonsai về nhà làm, rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội để bán hàng. “Khi tiêu thụ được vài cây kiểng, tôi vui lắm, tự nhiên thấy niềm đam mê với bonsai nhiều hơn”, anh bộc bạch.

Theo Hoàn một cây bonsai đẹp không đơn giản cắt tỉa là nó ra dáng. Mà phải trải qua quá trình dài, có những cây phải cắt gần như hết cành chỉ chừa lại một khúc rồi nuôi dưỡng, chờ mầm mới rồi lại nuôi tiếp.

Hoàn cho biết: “Để có một cây đẹp phải trải qua 4-5 lần cắt, tương đương mất 3-4 năm là ít nhất. Có những cây kiểng già, đẹp thì mất thời gian nhiều hơn. Phải chọn cành, bẻ đi hướng nào cho đẹp nữa… rất nhiều kỹ thuật”, Hoàn nói.

Cảm thấy tay nghề thuần thục, có vốn liếng đầy đủ. Đầu năm 2022, Hoàn quyết bỏ hết công việc và mở vườn, tự làm chủ… Tại mảnh đất 200 m2 của gia đình, chàng trai 25 tuổi kinh doanh đa dạng dòng bonsai như mai chiếu thủy, linh sam, hồng ngọc mai… với giá từ vài chục ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng.

“Trước đây khu này là đất công nghiệp, phải cải tạo lại rất nhiều. Hầu như bán được cây nào là đổ tiền lời vô mua đá làm nền hết”, anh chàng chia sẻ.

Đôi tay rám nắng vì phải liên tục đứng ngoài vườn chăm sóc cây cảnh, nhưng với Hoàn được tỉa tót, chăm những cây bonsai là niềm hạnh phúc vô tận với bản thân.

“Vườn của tôi không có làm mái che vì nếu trồng bonsai để lộ thiên thì quá trình quang hợp cho cây rất tốt. Với tôi, mỗi người có kinh nghiệm cách chăm sóc khác nhau. Bonsai không có chất trồng tốt nhất mà là tối ưu nhất. Còn đất trồng chỉ là phần trung gian giúp cây đứng vững, quan trọng phải khô thoáng từ đó sẽ giúp cây không bị nhiễm khuẩn”, Hoàn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.

Trước đây anh từng kinh doanh trực tuyến nên đã có một lượng khách nhất định. Tuy nhiên, từ khi mở vườn tại gia, giúp mọi người được trải nghiệm thực tế hơn, nhờ vậy mà nguồn bonsai bán ra nhiều lên.

“Để thu hút khách hàng cũng như có lượng bán ổn định thì trước tiên phải có cây đẹp tại vườn. Tạo điều kiện cho người mua nhiều hơn, có nghĩa bán không lấy lợi nhuận quá nhiều. Bên cạnh đó, anh em đến vườn sẽ được chủ vườn hỗ trợ hết mình như cách làm dáng, chăm sóc, thảo luận với nhau về cách chọn ra bộ đế đẹp cho kiểng…”, Hoàn chia sẻ.

Hoàn nói: “So với tiền làm công trình thì thu nhập khi mở vườn ngang hoặc hơn, nhưng làm những điều mình yêu thích thì thật sự rất hạnh phúc. Có những cây phôi khi lấy giá chỉ vài chục đến trăm ngàn đồng nhưng mất 1 – 2 năm người ta đã trả lên 6 – 7 triệu đồng. Đồng nghĩa mình phải bỏ tâm sức, kỹ thuật thì giá trị càng cao. Một tháng trung bình tôi kiếm được hai mươi mấy đến ba chục triệu đồng từ việc kinh doanh kiểng”.

Rồi anh Hoàn tâm sự: “Từ khi mở vườn hầu như thời gian tôi đều dành cho cây bonsai, ít khi đi chơi. Vườn càng có số lượng lớn thì phải làm liên tục vì mỗi cây sẽ có một thời gian sinh trưởng nhất định, nếu không chăm sóc đúng quy trình thì nó dễ bị ù cành, mất cân đối. Làm sớm thì nhỏ cây, làm trễ thì không cân đối”.

Bài viết cùng chủ đề: