Giống măng đang rất được ưa chuộng bởi không chỉ tốt cho sức khỏe mà có vị ngọt thanh, lành tính – măng loi. Huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn giống măng này.
Là loại măng cùng họ với măng tre, măng loi chỉ mọc ở vùng cao, khí hậu lạnh. Măng loi phát triển nhanh và mọc thành từng cụm dày có thân nhỏ, ngọn măng dài, có lá nhọn và vỏ bóng. Với hương vị đặc trưng thanh ngọt, lành tính nên được nhiều người ưa chuộng, giúp cho bà con nơi đây kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Đỉnh núi Pù Loi thuộc xã Tiên Kỳ, Đồng Văn và Tân Hợp của huyện Tân Kỳ được thiên nhiên ban tặng cho loại măng loi h.i.ế.m có trên đất Nghệ An này. Tầm tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, măng loi lên mặt đất, bà con lên rừng thu hái.
Vì nằm ở trên núi cao nên để hái được măng rừng, người dân phải thức dậy từ 3h sáng, leo núi để hái măng. Hơn 15 năm nay, cứ đến mùa măng là vợ chồng ông Vi Văn Ngoan và vợ là bà Huấn Thị Tuyết ở bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ bám rừng thu hái măng.
“Năm nay, mưa nhiều nên măng đầu mùa rất dễ kiếm. Từ chân núi lên đ*** núi phải mất hơn 2 giờ đi bộ, hôm nào được nhiều khoảng 60-70 kg, ngày ít hơn cũng được 20 kg. Sản phẩm này rất đắt khách, có hôm còn chẳng đủ để bán. Tuy có vất vả, nhưng bù lại mỗi lần đi hái về tôi bán được hơn 700.000 đồng tiền măng, giúp gia đình có thêm thu nhập”, ông Vi Văn Ngoan cho biết.
Một tiểu thương bán măng loi tại huyện Tân Kỳ, bà Vi Thị Bích, bản Chiềng cho biết, thời điểm này bà cùng một số người thu mua măng loi ở xã Tiên Kỳ về nhập cho các đầu mối tiêu thụ. Hiện mỗi ngày bà bán giao động từ 20 – 50kg măng loi. Vào mùa vụ chính, có ngày bán được gần 1,5 tạ, thu lãi từ hơn 1 triệu đồng/ngày. Nhiều hôm “cháy hàng” không có để bán, bởi đây là giống măng rừng nên khó tìm, phụ thuộc vào người đi hái măng kiếm được nhiều hay ít.
Trong măng loi có chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và khoáng chất, chất xơ, có lợi cho tim và đường ruột. Măng có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch, chống ung thư, giúp giảm cân… nên được rất nhiều người tin dùng và ưa chuộng.
Hiện nay, diện tích rừng măng Loi tự nhiên ước đạt 80 – 100 ha; trong đó, diện tích hiện còn cho khai thác ước đạt 45 – 50 ha. Thời vụ khai thác bắt đầu vào tháng 8 hàng năm (thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Tiên Kỳ) và kết thúc vụ khai thác vào tháng 12 hàng năm.
Vào mùa hái măng Loi, bà con dân tộc Thổ, Thái vào rừng khai thác tự nhiên vì mục đích thương mại (do có giá trị kinh tế cao giá bán tại chân núi cho các thương lái từ 40 – 50 nghìn đồng/kg măng tươi), thời điểm khan hiếm măng thì giá tăng cao hơn, hình thức khai thác mang tính hủy diệt. Sản lượng ước đạt 18 – 20 tấn măng tươi, giá trị ước đạt 1 – 1,2 tỷ đồng/vụ khai thác.
Theo lãnh đạo xã Tiên Kỳ, hiệu quả kinh tế từ cây măng Loi cao hơn nhiều so với các cây rừng trồng khác trên diện tích đất rừng. Chính vì vây, đứng trước nhu cầu của thị trường, giá trị thu được từ bán măng Loi cho nên người dân vào rừng khai thác tự nhiện vì mục đích thương mại, mang tính hủy diệt, nhiều diên tích rừng măng Loi cho thu hoạch đến nay đã có xu hướng cạn kiệt, diện tích cho thu hoạch đang dần bị thu hẹp.
“Để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên này, chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ triển khai tuyên truyền đến người dân về cách thu hái (khi thu hái, mỗi bụi măng như vậy phải chừa lại 1-2 mầm để nó phát triển thành cây, thành bụi) chứ không hái triệt để cả gốc”, ông La Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết.