Thấy cảnh bản làng còn nghèo khó, anh Trương Duy Luých đã bỏ công sức đi tìm hiểu các mô hình kinh tế rồi về chia sẻ, giúp dân địa phương cùng thoát nghèo…
Người tiên phong nơi bản làng gian khó
Xóm Ráng, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) có 54 hộ với 100% đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những địa bàn khó khăn nhất của xã Nghĩa Đức.
Những năm qua, mặc dù cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nâng cấp, nhưng đời sống kinh tế của người dân vẫn khó khăn bởi tập tục trồng trọt, chăn nuôi còn lạc hậu.
Sinh ra và lớn lên tại xóm nghèo của xã Nghĩa Đức, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Trương Duy Luých (27 tuổi) trăn trở nhất là làm thế nào để vươn lên thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình.
Nghĩ vậy, nhưng để làm được, phải có tiền. Để có vốn đầu tư sản xuất, anh Luých phải mất 5 năm “Nam tiến” làm thuê đủ nghề. Đến năm 2016, sau khi tích lũy được ít vốn, anh quyết định về quê lập nghiệp.
Trước đây, cả vùng đất này là đầm lầy bỏ hoang, nhận thấy, nhu cầu của thị trường về con ốc bươu rất lớn, anh Luých mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, nạo vét, đắp bờ, đầu tư nuôi loại ốc đặc sản này. Nuôi ốc bươu không tốn nhiều công sức, tiền vốn. Thời gian nuôi từ khi ốc đẻ trứng đến khi xuất bán khoảng 4 tháng.
Thức ăn của ốc bươu chủ yếu là những thứ có sẵn quanh nhà như: Lá sắn, xơ mít, bèo, lá chuối… Hiện gia đình anh Luých có 3 ao nuôi ốc, với diện tích hơn 7 sào, mỗi năm thu nhập từ ốc giống và ốc thịt trên dưới 200 triệu đồng.
Không chỉ mạnh dạn trong chăn nuôi, trồng trọt, anh Trương Duy Luých cũng là người đầu tiên đưa giống mía mới – KK3 về xóm, rồi hướng dẫn cho bà con, đoàn viên thanh niên cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Nhân rộng mô hình, giúp nhau cùng phát triển
Những mô hình kinh tế mới của anh Luých không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn là tấm gương về sự chịu khó, quyết tâm làm giàu bằng chính khả năng, sức lao động trên mảnh đất quê hương.
Việc thiếu kiến thức chuyên môn trong trồng trọt, chăn nuôi nên người dân xóm Ráng chưa “bước ra” khỏi nghèo khó. Để có những đồi mía, vườn cam xanh tốt, trĩu quả như ngày nay, anh Luých đã phải mạnh dạn, tiên phong “miệng nói, tay làm” để bà con tin và làm theo.
Không chỉ giỏi trong việc phát triển kinh tế, anh Trương Duy Luých còn là một Bí thư chi Đoàn năng nổ, nhiệt tình với các phong trào của Đoàn và địa phương phát động. Đặc biệt, trong việc tuyên truyền, vận động, đưa các chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Vận động bà con trong xóm không sinh con thứ ba, không sử dụng các chất ma túy, không sử dụng kích điện, thuốc nổ đánh bắt cá…
Từ cách tuyên truyền, vận động cùng với mô hình thiết thực của anh Trương Duy Luých, đến nay, ở Nghĩa Đức đã hình thành những vùng chuyên canh cây mía, cây cam và cũng đã có nhiều mô hình cây ăn quả mới cho giá trị kinh tế cao.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm từ 22 hộ năm 2016 xuống còn 1 hộ vào năm 2022, nhiều hộ xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền.
- Ảnh đẹp "đời thường" về miền Bắc những năm 70 thế kỷ trước
- Người dân các tỉnh đổ về Hà Nội mua vàng từ sáng sớm: Nghi vấn thuê người xếp hàng, đẩy giá?
- Phạm lỗi chạy xe quá tốc độ, tài xế cần lưu ý điều gì?
- Muốn biết đàn ông có ngoại tình không, phụ nữ kiểm tra kỹ 3 nơi này là thấy, cái đầu tiên rất chính xác
- Trước khi trẻ lên 3 tuổi, cha mẹ cần chú trọng 4 khía cạnh này để con thông minh hơn