Do những sai lầm nhỏ trong cuộc sống của phụ huynh mà con trở nên nhút nhát, kém tự tin.
Có một câu chuyện như sau: Đứa trẻ đang thơ thẩn chơi một mình ở góc sân thì có một bạn đến làm quen, ngỏ ý chơi cùng. Người bạn ấy nói: “Bạn có thể làm bạn với mình được không? Chúng ta cùng chơi trò này nhé!”. Nhưng đứa trẻ đã vội chau mày, ngượng ngùng đáp lời: “Mình không biết, để mình về hỏi mẹ đã”.
Trẻ gặp gỡ, kết bạn là điều tự nhiên. Vậy mà nhiều đứa trẻ kém tự tin, ngại giao tiếp, muốn có bạn nhưng phải nhờ sự trợ giúp từ mẹ. Thế giới của chúng chỉ quanh quẩn bên người thân. Chúng chưa sẵn sàng cho những mối QH mới ngoài cuộc sống.
Đối với những đứa trẻ thiếu tự tin như vậy, chắc hẳn bậc làm cha làm mẹ có chút lo lắng, hoang mang. Vì khi trẻ ra ngoài xã hội sẽ khó có thể chịu được áp lực, thu hẹp mọi mối QH, thậm chí là bị người khác quay lưng. Khi con có những biểu hiện của sự thiếu tự tin, cha mẹ đừng vội hoảng sợ, hãy áp dụng ngay những cách dưới đây.
1. Ngừng so sánh con với người khác
Những đứa trẻ đều không thích việc bị so sánh mình với bạn bè nhưng chúng khó nói ra hoặc không biết cách phản bác lại. Khi cha mẹ thường xuyên so sánh sẽ khiến trẻ cảm thấy buồn bã, trống vắng trong lòng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy mặc cảm, tự ti.
Cha mẹ nào thường làm việc này thì cần sửa sai kịp thời. Hãy trau dồi cho con sự tự tin, mạnh mẽ, không nên đả kích con. Mỗi đứa trẻ đều có những điểm sáng riêng. Việc cha mẹ cần làm là tìm ra điểm sáng của con và giúp con phát huy.
2. Khuyến khích tinh thần khám phá của trẻ
Nhiều bậc cha mẹ không muốn cho con khám phá, hạn chế con vận động vì sợ bị bẩn quần áo, có nguy cơ chấn thương. Họ thường nói ra một cách vô thức: “Đừng chạm vào”, “Đừng di chuyển nó”, “Đừng làm như vậy nữa”,… Thực tế, cha mẹ không biết rằng con sẽ phát triển vượt bậc khi chúng được khám phá.
Nếu nhận được sự khuyến khích, trẻ sẽ tự tin khám phá mọi điều xung quanh. Cách này giúp trẻ phát triển mọi mặt về cả thể chất lẫn trí tuệ. Hơn thế, khám phá giúp trẻ trở nên năng động, hoạt bát, tự tin hơn rất nhiều so với việc cả ngày chỉ ngồi yên một chỗ.
3. Đừng cười nhạo con
Đôi khi cha mẹ thấy con làm những chuyện vui sẽ bật cười sảng khoái, thậm chí là trêu chọc trẻ. Nhưng những đứa trẻ không phân biệt được đâu là chuyện vui, đâu là việc cười châm chọc. Khi cha mẹ cười, có thể trẻ sẽ cảm thấy rất xấu hổ, không dám thực hiện điều đó nữa. Từ đấy, trẻ sẽ luôn cảm thấy tự ti, ngại ngùng, cân nhắc quá kỹ trước mọi việc.
Vì vậy, khi thấy con làm điều gì đó có vẻ buồn cười, cha mẹ cũng nên kiềm chế cảm xúc, đừng cười trước mặt con. Cha mẹ có thể đợi khi trẻ hiểu sự việc mới nói những lời bông đùa.
4. Thực hiện các yêu cầu của con một cách nghiêm túc
Có nhiều bậc cha mẹ không coi trọng những yêu cầu của con cái. Khi con cần sự giúp đỡ, cha mẹ thường làm một cách chiếu lệ, làm cho xong mà không thực hiện chỉn chu. Điều này khiến trẻ cảm thấy thất vọng, chán nản vì không được người lớn coi trọng.
Vì vậy, trước những yêu cầu của con, cha mẹ cần thực hiện nghiêm túc, cẩn thận. Nếu đó là yêu cầu không hợp lý, cha mẹ phải trao đổi lại với con để trẻ hiểu được nguyên nhân không thực hiện.
5. Luôn luôn tôn trọng con
Cách để làm cho con tự tin là đối xử với chúng như những người lớn và phải tôn trọng chúng. Nếu chúng ta không tôn trọng con mình thì làm sao có thể yêu cầu người khác phải tôn trọng? Cha mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, hãy thể hiện sự tôn trọng con qua những lời nói, hành động.
Đôi khi cha mẹ cũng nên tỏ ra yếu đuối trước mặt con, hãy cho con biết rằng mình không được việc này và cần sự giúp đỡ. Chẳng hạn như: “Hôm nay mẹ mệt quá, con giúp mẹ trông em nhé!”, “Mẹ không am hiểu về các loại cá, con giúp mẹ cho chúng ăn và vệ sinh bể nhé!”,… Nghe những lời như vậy, trẻ sẽ cảm thấy hào hứng, muốn được thể hiện bản thân để giúp đỡ người khác. Từ đó, sự tự tin trong trẻ sẽ tăng lên nhiều phần.