Để con trai trở thành một người đàn ông tốt, cha mẹ nên dạy con biết chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm, tôn trọng người khác và luôn tử tế trong mọi trường hợp.
Khi phạm sai lầm, con phải chịu trách nhiệm
Khi đứa trẻ mắc lỗi, nếu không nghiêm khắc ngay từ đầu với lỗi lầm đó, con bạn chắc chắn sẽ lặp lại lỗi lầm này thêm ít nhất lần nữa, thậm chí lặp đi lặp lại.
Vậy cha mẹ phải làm gì để con không tái phạm nữa? Chỉ có duy nhất một cách là bắt con phải chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm, chứ không chỉ là phạt hay nhắc nhở.
Cậu bé Tiểu Lý được mẹ dạy cho bài học chịu trách nhiệm bằng cách bắt nhặt rác ở trường.
Trường hợp cậu bé Tiểu Lý, 8 tuổi, bị mẹ phạt đi nhặt rác vì phạm lỗi ở trường, là một gợi ý hay cho các bậc cha mẹ về cách dạy con chịu trách nhiệm. Tiểu Lý nổi tiếng nghịch ngợm và liên tục làm hỏng tài sản của nhà trường. Mẹ Lý nghĩ, nếu chỉ nhắc nhở hay phạt, lần sau con cô sẽ quên ngay vì trẻ con dễ quên và cô đã bắt con chịu trách nhiệm bằng cách đi nhặt rác. “Nhà trường yêu cầu mẹ bồi thường, nhưng mẹ không thể giúp con, nên con sẽ phải chịu trách nhiệm cho những rắc rối mà con gây ra” – mẹ nói với Tiểu Lý.
Kết quả là, ngày hôm sau, cậu bé Tiểu Lý phải mang theo một chiếc bao tải khi đến trường và sau giờ học, cậu phải ở lại nhặt rác. Còn mẹ của cậu thì âm thầm theo sát để xem con có thực hiện không và cũng để đảm bảo an toàn của con.
Đừng nghĩ con bạn còn nhỏ mà chưa biết chịu trách nhiệm về hậu quả mà chúng gây ra. Nếu một sai lầm nhỏ mà không nghiêm khắc sửa cho con sẽ tích lũy dần thành những việc làm xấu. Các bậc cha mẹ nên nhớ, ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải cho con hiểu và dạy con biết chịu trách nhiệm.
Luôn tôn trọng người khác
Một video từng gây phẫn nộ cho nhiều người xem khi quay cảnh một cậu bé chừng 10 tuổi đi cùng mẹ trên vỉa hè và đứa trẻ vừa đi vừa ném giấy xuống đất. Cạnh đó một người công nhân vệ sinh đang quét dọn đường phố và người này nhắc nhở cậu bé hãy ném giấy vào thùng rác. Thật bất ngờ khi đứa trẻ phản ứng: “Tôi thích ném đó, không phải ông là người dọn dẹp sao? Đó là việc của ông mà”. Nói rồi, cậu bé xé mảnh giấy nhỏ thêm rồi vứt tung ra vỉa hè.
Đối với con trai, kiến thức là bước đệm để vào đời, nhưng biết cách tôn trọng người khác mới là tấm hộ chiếu để các bé đi xa hơn trong tương lai.
Cha mẹ nên dạy cho con hiểu, trong cuộc sống, mỗi công việc, mỗi con người đều đáng trân trọng nếu họ là những người thiện, làm việc tốt. Khi các con hiểu được giá trị của bản thân và tôn trọng giá trị của người khác thì các bé sẽ nhìn thế giới với một trái tim bình đẳng.
Trong mọi trường hợp, hãy tử tế
Một cậu bé 8 tuổi ở Anh thường xuyên bị bạn bè chế giễu vì mái tóc dài. Rồi một ngày cậu bé cắt tóc và cẩn thận gói bím tóc của mình vào một cái túi, sau đó yêu cầu cha quyên góp cho một tổ chức phúc lợi công cộng. Hóa ra, khi nhìn thấy trên tivi các bạn nhỏ bị ung thư bị rụng tóc, cậu bé đã rất buồn và nghĩ ra cách này với mong muốn giúp các bạn vui hơn.
Một cậu bé có lòng trắc ẩn và biết cảm thông với nỗi đau của đồng loại chắc chắn sẽ là một người tốt khi lớn lên.
Nhà tâm lý học Claire cho rằng, dạy cho trẻ hành vi tốt là giáo dục chúng trở nên tử tế, biết quan tâm tới người khác và tôn trọng mọi người.
Một chàng trai dám chịu trách nhiệm, biết cách tôn trọng người khác, luôn đối xử tử tế với mọi người thì dù cuộc sống sau này có trải qua chuyện gì, chắc chắn cậu sẽ luôn có cái nhìn tích cực, mạnh mẽ tự tin và nhiệt tình.