Trẻ em là một tờ giấy trắng, cha mẹ vẽ sai bất kỳ một nét nhỏ nào cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Ngay cả một lời khen thì chúng ta cũng phải biết khen sao cho đúng cách, tuyệt đối không nên tuỳ tiện.

Từ góc độ tâm lý giáo dục, nhiều nhà giáo dục đã đưa ra lời khuyên cha mẹ nên khen ngợi và khuyến khích con cái nhiều hơn. Điều này có lợi hơn cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Tuy nhiên, mặc dù khen thưởng là điều nên làm, nhưng chúng ta cũng phải chú ý đến cách khen nào là đúng, cách khen nào là sai. Theo tâm lý học, khen ngợi trẻ theo 3 cách sau đây có khả năng hủy hoại tương lai của trẻ.

1. Khen con mà không phân biệt đúng sai: Khen mù quáng!

Một số cha mẹ thường có sự nhầm lẫn về cách giáo dục này, họ nghĩ chỉ cần khen nhiều là sẽ tạo được sự tích cực cho trẻ. Nhưng cách khen ngợi mù quáng, bất phân thị phi sẽ chỉ càng làm t*** hình tồi tệ hơn mà thôi.

Nếu cha mẹ cỗ vũ và khen ngợi con cái của họ bất kể chúng đúng hay sai, trẻ sẽ không bao giờ nhận thức được vấn đề của chính mình. Dần dần về sau, chúng cũng sẽ rất khó để đối mặt với những thiếu sót của mình.

Nên khích lệ con, nhưng áp dụng 3 kiểu khen này dễ khiến trẻ trở nên hư hỏng: Cha mẹ phải cẩn thận! – Ảnh 1.
Ảnh minh hoạ

Trẻ em chính là vị khách xa lạ đối với thế giới này, có nhiều thứ ngoài xã hội chúng vẫn còn chưa thể tự nhận biết được đúng sai. Vì thế mà sự hướng dẫn của cha mẹ là rất quan trọng, nó như là kim chỉ nam giúp trẻ bước đi vào con đường đúng đắn khi mới vào đời. Khen ngợi con mù quáng là đồng nghĩa với việc dạy con đi sai đường. Khi con làm sai thì phụ huynh nhất định phải cứng rắn dạy dỗ, không nên dung túng.

2. Đề cao vật chất khi khen thưởng

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng khen ngợi bằng lời nói không thiết thực, rất khó có thể thực sự tạo được động lực cho con cái. Kết quả là nhiều bậc cha mẹ bắt đầu khen ngợi con cái bằng những phần thưởng vật chất.

Nên khích lệ con, nhưng áp dụng 3 kiểu khen này dễ khiến trẻ trở nên hư hỏng: Cha mẹ phải cẩn thận! – Ảnh 2.
Ảnh minh hoạ

Thật ra, ở một mức độ nhất định, việc dùng phần thưởng vật chất để khen ngợi đúng là có thể tạo động lực cho con cái. Nhưng loại động lực này rất ngắn ngủi. Khi trẻ nhận được phần thưởng vật chất, trẻ sẽ không thể hiểu được ý nghĩa thật sự của cuộc thi hay sự nỗ lực học tập mà mình bỏ ra. Từ đó, trẻ sẽ trở nên thực dụng hơn, làm gì cũng chỉ nghĩ đến vật chất mà bỏ qua những phần thưởng tinh thần quan trọng khác. Chúng sẽ ngày càng có tham vọng nhiều hơn và khó cảm thấy hài lòng, cũng như đạt được hạnh phúc trong cuộc sống.

Do đó, món quà vật chất dành tặng trẻ chỉ nên là món quà khích lệ, chứ không nên dạy trẻ đề cao giá trị vật chất, bởi lớn lên rất có thể trẻ sẽ trở thành những người thực dụng.

3. Khen ngợi có điều kiện

Người ta thường nói rằng cha mẹ yêu thương con cái vô điều kiện. Nhưng cha mẹ có thực sự yêu thương con cái vô điều kiện không?

Thực tế, có rất nhiều trẻ em vẫn đang phải nhận lấy tình yêu có điều kiện từ cha mẹ. Khi đạt được điểm cao trong bài kiểm tra thì cha mẹ mới dịu dàng với chúng. Khi ngoan ngoãn vâng lời, các em mới có thể nhận được lời khen từ phụ huynh. Có thể thấy rằng tình yêu thương của nhiều bậc cha mẹ là có điều kiện.

Biểu hiện rõ ràng nhất là trẻ em được khen ngợi khi chúng đáp ứng một trong những yêu cầu của cha mẹ. Đối với một số cha mẹ, có thể họ nghĩ rằng mình đang áp dụng phương pháp giáo dục khen ngợi, nhưng họ lại không biết mình đã áp dụng sai cách.

Trẻ em lớn lên trong môi trường này thường không có cảm giác an toàn. Vì chỉ khi trẻ thỏa mãn được yêu cầu của cha mẹ thì mới được họ khen ngợi, điều này khiến chúng sẽ luôn thấp thỏm lo sợ một ngày chúng không đáp ứng được yêu cầu nữa, sẽ bị cha mẹ ghẻ lạnh. Từ đó tạo ra cảm giác thất vọng và mất mát ở đứa trẻ, khi tin rằng chúng là người không xứng đáng được yêu thương.

Do đó, khi cha mẹ cỗ vũ hay khen ngợi con cái, đừng chỉ nên chọn những lúc trẻ đạt được kết quả xuất sắc. Có những lần trẻ đã làm việc chăm chỉ, nhưng có thể không đạt được kết quả tốt như mong muốn, thì cha mẹ vẫn nên khen ngợi, khích lệ con.

Nói chung, việc khen ngợi không đơn giản như các bậc cha mẹ hay nghĩ, hãy chắc chắn rằng bạn không mắc phải 3 lỗi cơ bản trên khi áp dụng phương pháp giáo dục khen ngợi này đối với con mình nhé!