Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
1013 lượt xem

Nam Định: Ông chủ chuỗi trại nuôi kết hợp 3 con đặc sản chia sẻ bí quyết bỏ túi 6 tỷ đồng/năm

Hiện nay, ông Chúc được xem là người đầu tiên nuôi don đặc sản ở miền Tây Nam bộ

Nhận thấy nhu cầu thị trường đối với các loài đặc sản rất lớn, ông Nguyễn Văn Chúc (50 tuổi, quê Nam Định) đã lập trang trại ở khắp Bắc – Trung – Nam. Những con vật có giá trị kinh tế cao như: chồn, dúi, don được nuôi kết hợp với quy mô hàng nghìn con. Hiệu quả từ trại nuôi con đặc sản đã đem lại lợi nhuận từ 5 đến 6 tỷ đồng mỗi năm.

Nhìn thấy cơ hội từ con chồn, dúi, don

Trước khi nuôi các con đặc sản độc lạ nói trên, ông Chúc có nhiều năm làm trong nghề xây dựng. Công việc này cho ông cơ hội đặt chân đến nhiều vùng miền và được thưởng thức nhiều món ăn ngon, lạ. Đặc biệt, trong một lần đi công tác ở Tây Bắc ông Chúc được thưởng thức món thịt dúi, don thơm ngon. Sau đó, khi ông đến xây nhà cho một người bạn thì biết đến mô hình nuôi động vật hoang dã rồi mê luôn ý tưởng nuôi loài đặc sản nảy sinh từ đó.

Qua thời gian khảo sát và tìm hiểu tài liệu về các động vật hoang dã như con dúi, don, chồn, ông Chúc quyết định mua 10 cặp dúi giống về nuôi thử nghiệm.

Công việc xây dựng tuy thu nhập cao nhưng không ổn định, phải nay đây mai đó, khi thấy mô hình nuôi động vật hoang dã có thể giúp cải thiện kinh tế gia đình nên ông Chúc đã quyết bỏ nghề để chuyên tâm chăn nuôi.

Ông Chúc tự mày mò, tìm hiểu kỹ thuật nuôi dúi, don, chồn mốc từ người quen và tra cứu thêm nhiều thông tin liên quan trên mạng Internet. Sau khoảng 1 năm, đàn dúi của ông Chúc phát triển tốt, bắt đầu sinh sản. Lúc này, người đàn ông này quyết định mua thêm con chồn mốc, con don giống về nuôi.

Hiện ông là chủ chuỗi trang trại chăn nuôi đặc sản khắp cả nước, điển hình là trang trại đặt tại Hà Nội, Nghệ An, Cần Thơ đang nuôi kết hợp 3 loài đặc sản núi rừng gồm don, dúi và chồn mốc. Riêng quy mô trang trại tại Cần Thơ rộng 1.000m2, được chia làm 3 khu gồm: khu nuôi dúi, khu nuôi chồn và khu nuôi don. Tổng đàn dúi, don, chồn mốc tại đây là khoảng 1.000 con.

“Trại nuôi của tôi ở Cần Thơ hiện có 80 con don, 100 con chồn hương, 120 con dúi bố mẹ và trên 1.000 con con. Giống dúi được chọn nuôi là dúi má đào Thái và dúi mốc. Việc chăn nuôi ở đây rất thuận lợi, từ khí hậu cho đến nguồn thức ăn”, ông Chúc cho biết.

Chồn, dúi, don dễ nuôi, thức ăn đơn giản

Hiện nay, ông Chúc được xem là người đầu tiên nuôi don đặc sản ở miền Tây Nam bộ. Theo anh Chúc, don, dúi, chồn mốc là loài vật dễ nuôi, có sức đề kháng mạnh, ít bệnh. Mỗi ngày cho chúng ăn 2 bữa, chủ yếu là rau, củ, tre, nứa, bí… Riêng don và chồn buổi tối cho ăn thêm cháo cá, cháo gà. Nguồn thức ăn phải sạch, không phân thuốc, tránh thức ăn ôi thiu, hư hỏng.

Trang trại nuôi động vật hoang dã của ông Chúc đều do anh em trong nhà chăm sóc. Mỗi ngày, vào buổi sáng, họ dành khoảng 1 tiếng cho đàn dúi, don, chồn mốc ăn và 1 tiếng vào buổi chiều để dọn dẹp chuồng trại.

Theo ông Chúc, nguồn thức ăn của con dúi rất đơn giản, gồm: tre, mía và bắp. Mỗi năm, 1 con dúi mẹ đem về nguồn thu cho tôi khoảng 6 triệu đồng. Còn chồn mốc nuôi rất dễ, thức ăn chủ yếu là chuối chín. Tương tự, con don nó ăn chuối chín, khoai lang, bắp cải,…

Con don, dúi và chồn mốc nuôi khoảng 1 năm là bắt đầu sinh sản. Dúi sinh sản 3 lần/năm; don và chồn mốc mỗi năm đẻ 2 lứa.

“Chồn mốc nuôi khoảng 1 năm là có thể bán thương phẩm, khi đó chúng đạt trọng lượng 7-8 kg/con; giá bán từ 1,8-2 triệu đồng/kg. Về sinh sản, chồn mốc để từ 3-5 con/lứa. Ưu điểm của chồn mốc so với chồn hương là chúng dễ nuôi, trọng lượng lớn hơn, có thể đạt tới 15kg. Còn nhược điểm là chất lượng thịt của chồn mốc không bằng chồn hương”, ông Chúc nói.

Con dúi mốc và má đào nuôi khoảng 1 năm đạt trọng lượng từ 3-5 kg/con. Dúi mốc có giá từ 500.000-600.00 đồng/kg; còn dúi má đào từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Còn con don thuộc họ nhím, mình nuôi khoảng 1 năm thì chúng đạt trọng lượng khoảng 5kg, giá bán từ 1,4-1,6 triệu đồng/kg. Chuồng nuôi phải đảm bảo vừa đủ ánh sáng “không quá tối, cũng không quá sáng” thì dúi, don, chồn sẽ phát triển tốt.

Theo ông Chúc, con don, dúi, chồn mốc là loài dễ nuôi, dễ chăm nhất, sức đề kháng mạnh, ít bệnh. Riêng con don, chồn buổi tối được cho ăn thêm cháo cá, cháo gà.

“Về chuồng trại có thể quây lưới để nuôi con don và chồn. Riêng chuồng nuôi con don phải làm mô phỏng hang hốc để chúng chui vào ngủ và sinh sản”, ông Chúc nói.

Từ một người làm nghề xây dựng, với sự chịu khó, ham học hỏi và khát vọng làm giàu, ông Chúc đã thành công với mô hình nuôi động vật hoang dã. Với 3 trang trại nuôi con đặc sản, mỗi năm trừ hết chi phí anh Chúc thu về từ 5-6 tỷ đồng. Trong đó, riêng trang trại tại TP. Cần Thơ anh thu về hơn 1,5 tỷ đồng.

Dúi, don, chồn là động vật hoang dã, người dân muốn nuôi phải xin phép kiểm lâm sở tại, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của con vật. “Để nuôi các loại động vật hoang dã được xem là con đặc sản, tôi đã đăng ký giấy phép chăn nuôi động vật rừng đầy đủ. Con giống tại trại đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, ông Chúc thông tin thêm./.

Bài viết cùng chủ đề: