Do dính quy hoạch lộ giới hẻm, khi xây lại nhà, anh Hùng phải lùi vào 1m.
Dưới đây là chia sẻ của anh Hoàng Hùng, 49 tuổi, hiện sống tại TP HCM về thiệt thòi khi mua nhà trong hẻm của mình.
Năm 2013, vợ tôi nghỉ việc ở công ty liên doanh vì quá áp lực. Cô ấy muốn về nhà mở một quán bán hàng ăn sáng vì vợ tôi nấu ăn rất ngon. Chúng tôi bán nhà cũ trong hẻm nhiều xẹc, mua một ngôi nhà một trệt một lầu diện tích 56m2 tại một con hẻm xe hơi ở quận Bình Thạnh với giá 2,4 tỷ. Ngôi nhà này có hai mặt tiền, đường trước mặt là hẻm 8m, đường bên hông là hẻm 2m.
Lúc đó, chúng tôi hơi băn khoăn giữa ngôi nhà này – xây từ năm 2002 – với một ngôi nhà mới xây vẫn còn thơm mùi sơn tường cách đó 10m. Diện tích tương đương nhau, nhà kia cao hơn 1 tầng và chủ nhà đòi 3 tỷ.
Vợ chồng tôi quyết định lấy ngôi nhà cũ, thứ nhất, chúng tôi thích nhà 2 mặt tiền hơn; thứ hai, chúng tôi cần tiền làm ăn; thứ ba, nếu sau này nhà cũ quá, chúng tôi sẽ phá đi xây lại để được theo đúng ý mình. Lúc đó, chúng tôi không biết là con hẻm bên hông nhà đã được quy hoạch lộ giới vì trên giấy tờ nhà không thể hiện điều đó. Giấy tờ nhà đã được lập từ năm 2002.
Chúng tôi ở mấy năm, thấy nhà ổn và không có gì phải phàn nàn. Đến đầu năm nay, do nhu cầu mở rộng quán ăn và cũng muốn xây phòng trọ cho thuê, tôi quyết định phá nhà đi xây lại thành năm tầng. Vì xác định sẽ xây lại nhà nên chúng tôi phá sơ rồi mới đi xin giấy phép xây dựng. Tôi được mọi người tư vấn nên phá trước, nhìn cảnh nhà cửa không ở được thì chắc chắn cơ quan quản lý sẽ phải cấp phép xây dựng.
Có điều, khi chúng tôi làm giấy xin phép xây dựng, phường chỉ cấp phép cho chúng tôi xây nhà trên diện tích 44m2, chúng tôi phải lùi vào 1m để bảo đảm lộ giới của cái hẻm bên hông nhà, tương đương chúng tôi mất trắng 12m2.
Diện tích bị hụt khiến kế hoạch của chúng tôi phải thay đổi. Nhà thì phá rồi, có muốn không xây, quay lại hiện trạng ban đầu cũng không được. Mà xây mới, tự nhiên bị hao hụt mỗi tầng 12m2, tương đương một phòng trọ nhỏ.
Thú thực chỉ có mấy nhà phía sâu trong hẻm thì thích mở rộng hẻm, còn nhà tôi ở ngoài, việc mở rộng hẻm bên hông cũng không được lợi lộc gì. Tính ra, so với căn nhà cách đó 10m, chúng tôi đã mua ngôi nhà này đắt hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc một công ty môi giới và dịch vụ bất động sản tại TP HCM cho biết hiện ở TP HCM có rất nhiều con hẻm được quy hoạch lộ giới nhưng chưa thực hiện. Từ những năm 1990, nhiều quận huyện của thành phố đã bắt đầu quy hoạch lộ giới hẻm nhưng việc thực hiện được rất ít. Năm 2007, UBND TP.HCM có Quyết định 88 quy định lại về lộ giới hẻm. Theo đó, lộ giới áp dụng cho hẻm chính tối thiểu 6m, trường hợp đặc biệt có thể nhỏ hơn 6m nhưng không dưới 4,5 m. Lộ giới áp dụng cho hẻm nhánh và hẻm cụt dao động 3,5 – 6m. Khi có quyết định này, các quận huyện một lần nữa điều chỉnh lại lộ giới hẻm nhưng cho đến nay vẫn không triển khai được, hầu hết quy hoạch hẻm chỉ dừng lại ở mức cắm bảng lộ giới.
Muốn biết nhà có dính hẻm quy hoạch lộ giới hay không và lộ giới dự kiến là bao nhiêu mét, bạn chỉ cần nhìn cái bảng ghi số hẻm ở ngay đầu hẻm.
Thường những nhà trong hẻm dính quy hoạch lộ giới, khi muốn sửa chữa, đặc biệt là xây dựng lại sẽ được yêu cầu lùi vào để đảm bảo lộ giới dự kiến của hẻm như quy hoạch.
- Mua đất hơn 22 tỉ, mua xong chủ cũ không rời đi, không giao đất?
- Hòa Bình: Mô hình “nuôi trồng thập cẩm” khác người của anh Minh “hái ra tiền”, mỗi năm thu về hàng trăm triệu
- Những năm 1990, nhà nào có được bàn ủi than bằng đồng có Con Gà là "đại gia"
- Đất mang tiếng bán “cắt lỗ” nhưng vẫn lời 4-5 lần
- Tôi bị mua nhà đắt hơn 300 triệu đồng do mẹ vợ dặn “không được trả giá”