Nhiều gia đình có “của ăn của để” sẵn sàng bỏ tiền tỷ mua nhà cho con khi học đại học xa nhà, thay vì phải thuê trọ. Mặc dù không mang mục đích đầu tư nhưng một số gia đình bất ngờ hời tiền tỷ sau vài năm mua; bên cạnh đó vẫn có người trầy trật không bán hòa vốn nổi căn nhà…
Năm 2018, con trai chị Nguyễn Thùy Linh (Nam Định) đỗ vào một trường đại học tại địa bàn quận Cầu Giấy. Ban đầu, gia đình chị không có ý định sẽ mua nhà ngay cho con mà sẽ đi thuê. Tuy nhiên, sau thời gian đi tìm thuê trọ chị thấy giá thuê khi đó khá cao.
“Một phòng trọ tại Cầu Giấy diện tích khoảng hơn 20m2 giá thuê tầm 3 – 3,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm các chi phí như tiền điện, tiền vệ sinh và các phụ phí khác khoảng 1,5 – 2 triệu đồng. Như vậy, trong 4 năm con ăn học có thể mất khoảng 200 – 240 triệu đồng, còn nếu trường hợp chủ nhà tăng giá thuê thì có thể hơn”, chị Linh tính toán.
Nhiều phụ huynh “tậu nhà” khi có con học đại học, bất ngờ lãi tiền tỷ sau vài năm
Chị Linh cho rằng, Hà Nội đất chật người đông, giá thuê và mua bán nhà đều liên tục tăng cao. Trong khi đó, gia đình chị có một khoản tiền nhàn rỗi đang gửi tại ngân hàng, tuy nhiên lãi lời không nhiều, nên chị bàn bạc với chồng tìm mua nhà Hà Nội cho con đi học.
Sau 2 tháng tìm kiếm, gia đình chị Linh chốt mua căn hộ 68m2 tại một dự án trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm với tổng số tiền 1,95 tỷ đồng, căn hộ cách trường con chị học 1,5km.
Sau khi tốt nghiệp đại học, con trai của chị lại may mắn giành được suất học bổng du học tại nước ngoài. Do không có nhu cầu sử dụng, đầu năm 2023 chị Linh tham khảo thị trường và rao bán căn hộ trên. Chỉ sau hơn 2 tuần, căn hộ đã có người mua với tổng số tiền 2,65 tỷ đồng.
“Khi mua, vợ chồng tôi chỉ nghĩ đơn giản giúp con có chỗ ở yên ổn là tốt rồi, ai ngờ sau 4 năm sử dụng căn hộ cũ vẫn tăng giá mạnh, chênh tới hơn nửa tỷ đồng” – chị Linh thông tin.
Tương tự, anh Khoa (quê Vĩnh Phúc) cũng phấn khởi chia sẻ về câu chuyện mua nhà cho con học mà bất ngờ lời tiền tỷ chỉ sau hơn 2 năm.
Những căn nhà có diện tích nhỏ, gần trường đại học luôn dễ thanh khoản và có tỷ lệ tăng giá khá đều
Anh Khoa cho hay, cuối năm 2020 khi con nhập học đại học, anh đã mua nhà riêng 4 tầng có diện tích 30m2 ở khu vực Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) với mức giá 2,2 tỷ đồng, tương đương 73 triệu đồng/m2. Đầu năm nay, gia đình anh có nhu cầu tìm mua nhà có diện tích rộng hơn nên nhờ môi giới rao bán.
“Môi giới rao bán giúp tôi với mức giá 3,3 tỷ đồng và đã nhanh chóng có người chốt mua”, anh Khoa nói.
Không chỉ để ở mà nhiều gia đình còn tận dụng các phòng không ở đến cho thuê lại có thêm khoản thu nhập cho con ăn học.
Chị Trần Thị Minh (Quảng Ninh) cho hay, chị mua căn nhà 5 tầng hơn 3 tỷ đồng tại Hà Đông cách đây 5 năm. Ngoài 2 phòng dành cho con cháu ở, chị cho thuê lại 3 phòng còn trống với mức giá 2,5 triệu đồng/phòng. Việc cho thuê lại giúp chị có thêm thu nhập để chi trả học phí cho con. Sau gần 5 năm, ngoài tiền thuê nhà hàng tháng, nay có người trả cao hơn 1,7 tỷ đồng.
Thực tế, những năm qua giá nhà tại Hà Nội liên tục tăng cao khiến nhiều người khi bán cũng tỏ ra bất ngờ, đặc biệt là giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những người do không tìm hiểu kỹ về thông tin pháp lý trước khi mua nên đã mua phải nhà chưa có đầy đủ sổ hồng hoặc nhà nằm trong diện quy hoạch.
Chia sẻ trên một trang diễn đàn về nhà đất nội đô mới đây, tài khoản Trung Phạm cho hay: “Tôi trầy trật không bán hòa vốn nổi căn nhà từng mua cho con học đại học.”
Người mua cần tìm hiểu kỹ về các vấn đề pháp lý, quy hoạch treo,… trước khi mua
Theo thông tin từ tài khoản này chia sẻ, được biết khi con đậu đại học ở Hà Nội, anh và vợ đã lặn lội từ Yên Bái tìm mua nhà cho con trước khi nhập học. Đó là một căn hộ chung cư trên quận Hoàng Mai, cách trường đại học 2,5 km. Vợ anh rất thích vì căn nhà đạt cả hai tiêu chí là là có nơi ở cho con và sẽ có cơ hội sinh lời.
“Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi con tôi ra trường cách đây một năm. Cơ quan nơi con làm việc thuộc quận Bắc Từ Liêm, mỗi ngày đi – về hơn 30km, quá xa chỗ ở, nên con phải cho thuê lại căn nhà đó và đi thuê chỗ khác gần nơi công tác hơn.
Nhận thấy căn nhà đã không còn phù hợp với nhu cầu của con, tôi đã quyết định rao bán. Tuy nhiên, do căn hộ trong diện chưa có sổ hồng nên rất ít khách quan tâm, dù giá rẻ ngang thời điểm tôi mua hơn 5 năm trước”.
Có thể nói, việc các bậc phụ huynh có điều kiện mua nhà cho con theo học tại Hà Nội đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, lựa chọn mua chung cư hay nhà thổ cư còn phụ thuộc vào túi tiền và nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình. Ngoài việc đảm bảo “nơi ăn chốn ở” cho con, nếu biết lựa chọn đúng đây cũng là cách để đầu tư và giữ tiền.
“Tất nhiên, để đảm bảo an toàn, người mua cần kiểm tra kỹ các thông tin về pháp lý trước khi mua, như nhà có tranh chấp hay không, quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng) có đúng và đầy đủ chưa, hoặc nhà nằm trong diện quy hoạch hay không,…” – chị Hiền, một nhân viên môi giới BĐS lưu ý.
- Cô gái Bến Tre được mẹ chồng Nhật “cưng chiều”: Mua hẳn mảnh đất rộng 1.400m2 cho con dâu làm vườn
- Người đàn ông thích ôm một người phụ nữ khi ngủ, anh ta thường nghĩ điều gì?
- Muốn “chuyện ấy” bùng cháy, nàng hãy thay mới ngay những món đồ nội y cũ rích và bắt đầu cuộc chơi với nó
- Hà Tĩnh: Hơn 30 năm bán rau, cụ bà U80 xây “biệt thự” 60 tỷ hoành tráng rộng 5000 m2 lộng lẫy nguy nga giữa làng quê
- Nhiều tài xế phản đối thu phí ở trạm phụ BOT cầu Rạch Miễu vì cho rằng xe chưa đi qua đoạn dự án nâng cấp quốc lộ 60