Không ít người mua rơi vào tình cảnh đợi chờ trong vô vọng khi mảnh đất đã xuống tiền luôn trong tình trạng ngấp nghé “sắp có sổ đỏ”. Lời hứa về mảnh đất đảm bảo sẽ có sổ đỏ và khoản lời lớn tăng giá từ người bán vẫn mông lung và vô vọng.

Câu chuyện của chị Ngọc Anh chia sẻ mới đây là ví dụ điển hình. Năm 2019, vợ chồng chị Ngọc Anh quyết định đầu tư vào bất động sản. Qua môi giới, chị được giới thiệu mảnh đất rộng 110m2, vuông vắn, đường ô tô đi vào.

Vị trí này ngay sát chợ và đường phố lớn. Điều khiến vợ chồng chị ngạc nhiên là mảnh đất này chỉ có giá 3,2 tỷ đồng thuộc khu vực Bắc Từ Liêm. Trên mảnh đất đã có dãy nhà cấp 4 đang cho thuê với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.

Khi so sánh với giá thị trường xung quanh, vợ chồng chị Ngọc Anh nhận thấy mảnh đất này có mức giá rẻ hơn một nửa.

“Lúc làm việc với chủ nhà, chúng tôi mới biết mảnh đất này chưa sổ đỏ. Nhưng chủ nhà cam kết rằng, mảnh đất này đầy đủ điều kiện làm sổ đỏ và đặc biệt, họ hoàn toàn có khả năng làm sổ đỏ. Nếu làm được sổ rồi, thì mảnh đất này phải có giá 10 tỷ đồng vì trung bình là khoảng 90 triệu đồng/m2. Mảnh đất này có vị trí 2 mặt tiền và có thể cắt thành 3 lô đất”, chị Ngọc Anh cho biết.

Khi đặt ra vấn đề tại sao chủ nhà không làm sổ đỏ rồi bán cho có lãi, phía môi giới và chủ nhà cho biết, họ đang nợ nần, cần tiền gấp nên không thể làm được sổ đỏ vì chi phí để cấp sổ khá tốn kém. Đó là lý do họ cần bán gấp.

“Chúng tôi khá lăn tăn. Nhưng nghe chủ nhà cam kết rằng sẽ đảm bảo hỗ trợ vợ chồng tôi làm sổ nên cuối cùng, chúng tôi quyết định xuống tiền”, chị Ngọc Anh nói.

Mua đất không sổ đỏ, đôi vợ chồng “ngậm đắng nuốt cay” vì lời hứa của chủ nhà: “Đất này nếu làm được sổ đỏ giá gấp 3 lần” - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ).

Thế nhưng, hơn 2 năm trôi qua, đến thời điểm hiện tại, mảnh đất của chị Ngọc Anh vẫn trong tình trạng “không sổ”, vẫn là căn nhà trọ cho thuê lụp xụp. Mỗi lần liên hệ với chủ nhà cũ, vợ chồng chị Ngọc Anh chỉ nhận được câu trả lời: “Phải đợi dịp mới làm được sổ”.

“Tôi không biết phải đợi đến bao giờ. Tôi còn tốn cả tiền để cám ơn chủ nhà, nhờ họ xúc tiến vụ làm sổ đỏ nhưng họ cứ khất hết lần này tới lần khác. Khi hỏi xung quanh hàng xóm, tôi mới biết thêm, làm sổ đỏ rất khó.

Cũng vì không phải đất có sổ đỏ nên gia đình tôi không thể xây được nhà để ở hay kinh doanh gì thêm. Ngay cả việc chuyển nhượng sang tên bán lại cũng chỉ làm bằng giấy tờ tay”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Tương tự như chị Ngọc Anh, anh Nguyễn Thanh Hưng (Xuân Canh, Hà Nội) từng rơi vào tình cảnh như vậy. Năm 2015, anh Hưng mua lại một căn nhà 3 tầng, rộng 45m2 tại Xuân Canh, Hà Nội với mức giá 1,3 tỷ đồng. Đây là căn nhà được người quen giới thiệu nên anh Hưng chỉ phải mua với mức giá “hữu nghị”. Thế nhưng, thực tế, căn nhà này lại không có sổ đỏ.

“Chủ nhà hứa với tôi là sẽ sớm làm sổ đỏ vì do người quen giới thiệu nên họ hứa chắc nịch. Nhưng hơn 1 năm sau, gia đình tôi nhắc đi, nhắc lại, họ vẫn “dậm chân tại chỗ”. Trong khi đó, tôi cũng đưa cho họ thêm gần 200 triệu đồng coi như chi phí để làm sổ đỏ nhưng rồi tiền thì mất hút mà sổ đỏ cũng mất tích”, anh Hưng chia sẻ.

May mắn hơn chị Ngọc Anh, đầu năm 2017, anh Hưng cuối cùng cũng làm được sổ đỏ cho căn nhà mà anh đang ở.

“Từ căn nhà 1,3 tỷ đồng, cộng thêm chi phí làm sổ đỏ cho chủ nhà cũ, thành căn nhà trị giá 1,6 tỷ đồng. Ở thời điểm năm 2015, một căn nhà 1,6 tỷ đồng rất có giá trị, ô tô đi vào, chứ không phải căn nhà 3 tầng nằm sâu trong ngõ như nhà tôi hiện tại.

Nhưng sau lần mua bán này, tôi rút kinh nghiệm, đã mua nhà hay đất bắt buộc phải có sổ đỏ. Không thể tin tưởng được vào lời hứa, chủ nhà sẽ hỗ trợ làm sổ”, anh Hưng nói.

Theo anh Nguyễn Ngọc Minh, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội, người mua nhà, đất cần phải lựa chọn sản phẩm có tính pháp lý rõ ràng.

“Chiêu thức của chủ nhà muốn bán đất không sổ đỏ là lời hứa chắc chắn sẽ làm được sổ. Họ đưa ra công thức như mối QH làm bằng chứng rằng, họ có thể làm được sổ. Nhiều người mua quá tin tưởng và kỳ vọng sau khi làm sổ đỏ, giá đất tăng cao nên vội vàng bỏ tiền ra mua mà không dành thời gian kiểm tra lại xem quy hoạch của khu vực đó, điều kiện và thủ tục làm sổ đỏ.

Hậu quả, tiền mất, nhưng sổ đỏ không làm được. Nếu đất thuộc quy hoạch, không sổ đỏ thì việc xây dựng công trình trên đất sẽ khó triển khai”, anh Minh nói.