Báo Đắk Lắk nhận được đơn kiến nghị của ông Quách Đức Hùng (SN 1968) và vợ là Nguyễn Thị Thu Thảo, trú thôn 2, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột phản ánh việc gia đình mình mua đất, dựng nhà và sinh sống hơn 20 năm nay thì bị chủ đất đòi lại vì họ cho rằng mảnh đất này chỉ cho ông Hùng mượn ở chứ không hề bán.
Theo nội dung trong đơn: Năm 1997, ông Hùng có mua của ông Bùi Văn Quý (đã mất vào năm 2012) và bà Quách Thị Yến (vợ ông Quý) ở thôn 1, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) một mảnh đất có diện tích 100 m2 (ngang 10 m, dài 10 m), giá chuyển nhượng là 2 chỉ vàng 97%. Khi chuyển nhượng hai bên có viết giấy tay, nhưng sau đó bị dính nước mưa nên không sử dụng được nữa. Sau khi thỏa thuận, ông Hùng cùng em trai mình là Quách Đức Cường đến nhà giao vàng trực tiếp cho bà Yến (khi giao nhận thì không viết giấy biên nhận). Sau đó ông Hùng dựng 1 căn nhà gỗ trên mảnh đất này, lấy vợ sinh sống ổn định từ đó đến nay. Ngày 17-7-1997, do nhu cầu vay vốn nên ông Hùng làm Giấy xác nhận quyền sử dụng đất đai, nhà ở và đã được chính quyền địa phương xác nhận. Đến ngày 18-7-1997, ông Quý cũng ký xác nhận có bán cho ông Hùng 100 m2 đất để làm nhà ở.
Ông Hùng dùng giấy xác nhận này để vay vốn tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Hòa Thắng. Đến năm 2017, gia đình ông Hùng thanh toán hết nợ và lấy giấy tờ ra để đi đăng ký quyền sử dụng đất. Lúc này, ông Hùng mới biết thửa đất mà gia đình mình đang ở đã bị bà Yến thế chấp tại ngân hàng. Ông Hùng làm đơn khởi kiện bà Yến. Sau đó, bà Yến có yêu cầu phản tố, kiện lại ông Hùng, yêu cầu phải tháo dỡ nhà và trả lại đất cho gia đình mình.
Tại Bản án số 85/2019/DS-ST ngày 8-10-2019 của TAND TP. Buôn Ma Thuột quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Yến; chấp nhận yêu cầu của ông Hùng về việc công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 18-7-1997. Gia đình bà Yến phải tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 18-7-1997, giao quyền sử dụng đất diện tích 100 m2 cho ông Hùng. Theo nhận định của Hội đồng xét xử, sau khi nhận chuyển nhượng (năm 1997), ông Hùng đã quản lý, sử dụng thửa đất trên công khai, không có tranh chấp, không bị chính quyền địa phương phạt vi phạm hành chính và ông Hùng đã xây một số công trình kiên cố trên thửa đất. Trong quá trình sử dụng, gia đình ông Quý, bà Yến không có ý kiến gì, giữa các bên không có tranh chấp, khiếu nại gì nên Tòa án đã áp dụng điểm b3, điểm b, tiểu mục 2.2 Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 10-4-2004 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 18-7-1997.
Không đồng ý với bản án này nên bà Yến đã làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh. Tại Bản án số 25/2020/DS-PT ngày 24-2-2020 của TAND tỉnh quyết định: Chấp nhận đơn kháng cáo của bà Yến; sửa bản án 85/2019/DS-ST ngày 8-10-2019 của TAND TP. Buôn Ma Thuột; chấp nhận đơn khởi kiện của bà Yến về việc buộc ông Hùng phải tháo dỡ công trình trên đất và trả lại đất cho bà Yến; không chấp nhận yêu cầu của ông Hùng về việc yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 18-7-1997.
Theo nhận định của bản án phúc thẩm, nội dung xác nhận ngày 18-7-1997 của ông Bùi Văn Quý không được coi là hợp đồng chuyển nhượng. Bởi lẽ, bà Yến và các con của bà không ký và không biết việc chuyển nhượng này; giấy biên nhận ông Quý viết không thể hiện 100 m2 đất này vị trí ở đâu, tứ cận, ranh giới, giá trị chuyển nhượng là bao nhiêu; việc chuyển nhượng đất trên cũng không được công chứng, chứng thực là không đảm bảo về hình thức của hợp đồng chuyển nhượng. Bên cạnh đó, bà Yến không thừa nhận việc hai anh em ông Hùng đã giao 2 chỉ vàng cho mình; ông Hùng không cung cấp được chứng cứ mình đã giao vàng nên không có đủ căn cứ để xác định bà Yến biết và nhận số vàng từ việc chuyển nhượng đất của ông Hùng.
Không đồng tình với phán quyết của HĐXX phúc thẩm, ông Hùng đã làm đơn gửi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với Bản án số 25/2020/DS-PT ngày 24-2-2020 của TAND tỉnh.
Ông Hùng than thở: “Do điều kiện kinh tế khó khăn, bản thân ít hiểu biết pháp luật nên chúng tôi mua đất từ năm 1997 đến nay mà vẫn không thể tách quyền sử dụng đất được. Chúng tôi đã mua đất, trả tiền (2 chỉ vàng) trực tiếp cho bà Yến. Từ đó đến nay, chúng tôi sinh sống ổn định, không xảy ra tranh chấp kiện tụng với ai, hằng năm đều đóng thuế sử dụng đất đầy đủ… Vậy mà tòa án xử như vậy thì quá bất công. Vì bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, sắp tới nếu bị cưỡng chế phải tháo dỡ nhà, trả lại đất thì chúng tôi biết đi đâu về đâu?”.
- Hà Nội đốc thúc thanh tra đoạn Vành đai 2,5 xây hơn 20 năm vẫn chưa xong
- 5 điều nâng cao khí chất của phụ nữ, ngày càng tăng chứ không giảm
- 9X thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ loài bé tí không cần cho ăn, nhả ra thứ đặc sản bán 2 triệu đồng/lít
- Tại sao tôi không "cố đấm ăn xôi" ở nhà hẻm 7 tỷ đồng?
- Thanh Bùi nộp tiền khắc phục hậu quả cho Trương Huệ Vân, thái độ khi biết vợ ngồi tù 17 năm thế nào?