Đều đặn mua bảo hiểm bắt buộc TNDS suốt hơn 10 năm qua, nhưng tôi thật sự không hiểu tại sao đây lại là quy định bắt buộc. Mỗi năm bỏ ra mấy chục nghìn mua bảo hiểm tôi không tiếc, nhưng thấy ức chế.
Khi còn là sinh viên, có lần tôi đã được các anh CSGT gọi lại để kiểm tra hành chính. Không vượt đèn đỏ, gương chiếu hậu, mũ bảo hiểm cẩn thận, bằng lái và giấy đăng ký xe đầy đủ… nhưng tôi vẫn bị xử phạt chỉ vì bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) đã quá hạn.
Nhận phiếu phạt 150.000 đồng chỉ vì một giấy chứng nhận có mức phí chỉ vài chục nghìn, tôi có phần ấm ức dù biết là mình sai. Cũng bởi vậy mà từ đó về sau, năm nào tôi cũng mua bảo hiểm để đủ điều kiện tham gia giao thông chứ thật sự không kỳ vọng gì về quyền lợi bảo hiểm. Và tôi nghĩ đa số chủ xe máy cũng có tâm lý giống mình.
Tôi nhớ rằng Bộ Tài chính đã hơn một lần đề cập đến việc nhiều nước áp dụng bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ ô tô, mô tô, xe máy, như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore… Tôi cũng hiểu quy định này là nhằm bảo vệ quyền lợi của bên thứ 3 khi xảy ra tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết. Tôi không biết thực tế áp dụng tại các nước ra sao, chứ tại Việt Nam, thủ tục giấy tờ rất phức tạp, trong khi số tiền bồi thường không đáng kể. Nếu thủ tục chi trả tiền bồi thường được đơn giản hóa, thuận tiện, phù hợp với thực tiễn thì tôi nghĩ người dân sẽ thấy vui vẻ, thoải mái khi mua bảo hiểm bắt buộc TNDS.
Mức phí 66.000 đồng/năm/xe máy như hiện nay tôi thấy không phải là quá cao, nhưng thật sự tờ giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS không có giá trị sử dụng nên không nhận được sự đồng tình của mọi người, thậm chí có thể tạo ra tâm lý ức chế.
Trong hơn 10 năm tham gia giao thông bằng xe máy, tôi cũng đã có lần không may va chạm với người khác nhưng đều tự bỏ tiền túi ra chi trả, bồi thường. Lẽ ra bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc sẽ cùng tôi giải quyết, chia sẻ rủi ro này nhưng thực tế tôi đều tự xử lý hết, toàn toàn bằng tiền cá nhân.
Trong lúc đó, tôi chẳng còn nhớ gì đến cái bảo hiểm, tới quyền lợi chính đáng của mình. Và thú thực cũng bởi một lý do khác là “được vạ thì má đã sưng”.
Hiện nay, thủ tục đòi quyền lợi bảo hiểm khá phức tạp và mất thời gian – phải có đầy đủ hồ sơ về tai nạn, bao gồm việc xin hồ sơ tai nạn từ cảnh sát giao thông, mở tờ khai, khai báo tai nạn, lập hồ sơ về mức độ thiệt hại… Tuy nhiên, trên thực tế, với số lượng xe máy nhiều như ở Việt Nam, việc gọi công an và gọi điện tới tổng đài doanh nghiệp bảo hiểm tới giải quyết các vụ tai nạn nhỏ không đơn giản, vì máy liên tục bận, hoặc có gọi được nhưng công an và giám định viên không đến, hoặc không đến kịp.
Lúc này, chủ xe lại có trách nhiệm chứng minh mình đã làm đầy đủ nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp và công an hoặc chính quyền địa phương.
Thêm vào đó, trong nhiều trường hợp, nhân viên bảo hiểm không đủ chuyên môn để xác định xe nào có lỗi gây ra tai nạn.
Còn một vấn đề nữa là sau khi xảy ra tai nạn, người dân thường mang xe đi sửa chữa tại các cửa hàng bên ngoài để tiết kiệm chi phí, chứ không phải là các gara lớn, có đầy đủ hóa đơn hợp lệ để tính mức bồi thường.
Dựa trên thực tế đó, tôi cho rằng việc mua bảo hiểm xe máy nên để người dân tự nguyện, chứ không phải là bắt buộc như hiện nay.
Bạn đọc Phúc Anh (Dân trí)
- Về quê sau 2 năm học ở Nhật Bản, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề chăn nuôi cá lồng, lợn rừng, gà đông tảo, gà chọi…
- “Tiểu lý phi đao” giữa phố Hà Nội
- 4 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang quá nghiêm khắc với con cái
- Đất đấu giá Mê Linh chốt hơn 50 triệu/m2, còn hàng trăm thửa đón đầu Vành đai 4
- Bí quyết trồng dưa kiểu mới giúp ra quả la liệt, thu tiền tỷ mỗi vụ của một làng ở Nghệ An