Đây là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh nhận được từ con cái. Vậy làm sao để trả lời thật khéo léo?

“Mẹ/Bố ơi, nhà mình giàu hay nghèo?” là một trong những câu hỏi mà trẻ nhỏ thường đặt cho cha mẹ. Câu trả lời không chỉ cung cấp tình hình tài chính gia đình cho con mà còn là bước đầu hình thành khái niệm về tiền bạc trong đầu trẻ.

Nếu cha mẹ bỏ qua việc giáo dục về tài chính cho con ngay từ khi còn nhỏ, tương lai của trẻ có thể bị ảnh hưởng. Điều này được tác giả Robert Kiyosaki Sharon Lechter nêu ra trong cuốn sách nối tiếng “Cha giàu, cha nghèo”.

Trẻ không có nhận thức về đồng tiền khi nhỏ thì lớn lên dễ đối mặt với 3 vấn đề: Không kiểm soát cách tiêu dùng; không nhận thức được nhu cầu của bản thân; không có kiến thức về đầu tư.

Nhiều cha mẹ lo lắng về việc đề cập đến chuyện tiền bạc với con từ khi còn nhỏ. Nhiều gia đình sợ rằng nói có tiền sẽ khiến trẻ sinh hư, vòi vĩnh nên cố lờ đi câu hỏi của trẻ. Tuy nhiên, đây cũng không phải cách hay.

Trong khi đó, nếu trả lời rằng nhà mình rất nghèo (mà sự thật không phải như vậy) là vô tình bôi đen hoàn cảnh, có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti về gia đình.

Để trả lời cho câu hỏi “Mẹ/Bố ơi, nhà mình giàu hay nghèo?”, phụ huynh cần chú ý đến một vài nguyên tắc như sau.

Không nói dối về gia cảnh

Có nghĩa là khi trẻ hỏi “Mẹ/Bố ơi, nhà mình giàu hay nghèo?”, phụ huynh không nên trả lời bằng những câu khẳng định chắc chắn như nhà mình giàu hoặc nhà mình nghèo lắm con ạ.

Việc bôi đen hoàn cảnh bằng cách nói rằng nhà mình nghèo, bố mẹ không có tiền, con phải ngoan và học giỏi rồi lớn lên kiếm tiền nuôi bố mẹ sẽ tạo ra tâm lý dè chừng cho trẻ. Nhiều cha mẹ cho rằng nói nhà mình nghèo và động viện trẻ học giỏi để thúc đẩy sự phát triển của con. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng hiểu dụng ý của cha mẹ.

Với trẻ nhạy cảm, câu trả lời này có thể khiến con cảm thấy tự ti, khiến trẻ e ngại, không dám tiếp xúc với những người bạn mà trẻ cho là giàu có hơn.

Trong khi đó, một số bé sẽ nảy sinh tâm lý đố kỵ, thích tiền, làm mọi cách để có tiền.

Ngược lại, nếu nói nhà mình rất giàu cũng không phải là lựa chọn tốt. Trẻ rất dễ ỷ lại vào việc cha mẹ có kinh tế, mọi yêu cầu của trẻ đều có thể được đáp ứng. Lâu dần trẻ sẽ sinh ra tính cách trịnh thượng, đòi hỏi người khác phải cung phụng mình. Trong tương lai, trẻ sẽ khó phát triển vì quen việc ăn sung mặc sướng, được cha mẹ chiều chuộng, không thích lao động.

Trường hợp gia cảnh thực tế không giàu như câu trả lời của cha mẹ, đứa trẻ vẫn nghĩ là nhà mình có tiền và có thể đưa ra những đòi hỏi cho giống bạn này, bạn kia. Bố mẹ không đáp ứng được yêu cầu của trẻ sẽ gây ra mâu thuẫn.

Nói với trẻ về việc lao động và kiếm tiền

Dù nhà giàu hay nhà nghèo, cha mẹ cần phải cho trẻ hiểu rằng phải có lao động mới tạo ra tiền bạc. Cha mẹ cần nói cho con hiểu mình kiếm tiền thông qua sức lao động.

Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con làm một số trong nhà để kiếm tiền tiêu vặt, chẳng hạn như thỏa thuận với rửa bát sẽ được 3 đồng, lau nhà được 4 đồng…

Bằng cách này, trẻ sẽ biết được rằng kiếm tiền không phải là việc dễ dàng.

Hướng dẫn con tiết kiệm tiền

Cha mẹ nên hướng dẫn con về cách chi tiêu hợp lý, không hoang phí. Phụ huynh có thể cho con tiền tiêu vặt mỗi tháng nhưng cần đặt ra nguyên tắc để trẻ sử dụng tiền phù hợp, chi tiêu theo nhu cầu cần thiết như mua đồ dùng học tập, mua sách… Những phần tiền chưa dùng đến, cha mẹ có thể cho con bỏ vào heo đất để tiết kiệm.

Hãy gợi ý cho con những dự định lớn lao khi tiết kiệm tiền chẳng hạn như mua xe đạp mới, đóng học phí, đăng ký các lớp năng khiếu….