Từ khi con trai nằm viện, bà Tơ phải xoay sở làm đủ mọi công việc, vay mượn tiền khắp nơi để điều trị cho con.
Bao ước mơ tan biến khi bạo bệnh ập đến
Cũng như bao người phụ nữ khác, bà Nguyễn Thị Tơ (54 tuổi, trú tại thôn Đà Phố, xã Hồng Phúc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) luôn mong ước có một cuộc sống êm ấm hạnh phúc như bao gia đình khác nhưng số phận nghiệt ngã và gánh nặng luôn đè lên vai người phụ nữ ấy.
Bà Tơ có 2 người con 1 trai 1 gái. Con gái đầu lòng đã lớn và đi lập gia đình. Con trai út trong nhà là em Đặng Đình Toản, (21 tuổi). Khi Toản còn chưa sinh ra, bà Tơ và chồng cũ đã sống ly thân. Một tay bà Tơ cặm cụi nuôi dưỡng Toản lớn lên từng ngày.
Cứ ngỡ cuộc sống gia đình sẽ êm ấm trôi qua từng ngày thế nhưng khi Toản 13 tuổi, bệnh tật bắt đầu ập đến dần cuốn đi bao tương lai, dự định của người mẹ đơn thân và đứa con thơ.
Vào cuối năm lớp 9, Toản bỗng dưng bị sốt cao, lên thủy đậu. Gia đình đưa em đi thăm khám rồi đưa vào Bệnh viện Ninh Giang điều trị. Kể từ đó em cứ ốm sốt liên miên, sau vài tháng bệnh tình Toản bỗng dưng tiến triển nặng rồi em được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chữa trị.
Sau khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, Toản được các bác sĩ chẩn đoán bị Lupus ban đỏ chuyển biến nặng, kể từ đó bà Tơ hàng ngày phải túc trực chăm sóc cho người con trai bệnh nặng.
Từ khi con trai nằm viện, bà Tơ phải xoay sở làm đủ mọi công việc, vay mượn tiền khắp nơi để điều trị cho con. Mỗi đợt điều trị bệnh kéo dài khoảng 2 tháng, nằm viện đỡ em được cho về nhà điều trị, đi học. Mỗi khi bệnh tái phát nặng gia đình lại đưa em nhập viện chăm sóc, điều trị.
Thời gian đầu khi Toản mắc bệnh, chị gái và mẹ em phải thay nhau chăm em, người chăm sóc người đi làm kiếm tiền chữa bệnh. Khoảng 2 năm trở lại đây, người chị cũng đã lớn đi lập gia đình và chăm lo con cái nên không phụ giúp được nhiều. Bà Tơ bươn chải đủ mọi nghề từ rửa bát thuê, phụ hồ để kiếm tiền lo cho Toản.
Sau 3 năm điều trị bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tình của Toản tiến triển nặng hơn. Em được các bác sĩ chẩn đoán bị suy thận nặng 1 tuần phải lọc thận 3 lần. Toản cố theo học đến kỳ 2 năm lớp 12 rồi nghỉ để điều trị bệnh.
“Thằng Toản nó thương mẹ, rồi một ngày nó sẽ khỏe lại thôi”.
Suốt nhiều năm trời điều trị bệnh cho con, bà Tơ cũng không còn đi làm được nữa vì phải chăm sóc Toản. 2 năm trở lại đây, Toản được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai về Bệnh viện Ninh Giang điều trị để tiết kiệm chi phí.
“Giờ cứ 2 ngày Toản phải chạy thận 1 lần, hết lọc thận rồi lọc máu, phẫu thuật cũng nhiều rồi. Chạy nhiều năm thì giờ 2 tay cầu chạy thận cũng hỏng hết. Hôm vừa rồi bác sĩ phải phẫu thuật lấy mạch ở chân để lắp vào cho em chạy thận tiếp, chỉ mong sức khỏe cháu nó khá hơn đỡ khổ”, bà Tơ tâm sự.
Thời gian đầu nằm viện Toản vẫn mong ước đi học nhưng sau 8 năm chống chọi với bệnh tật, hiện em chỉ mong mẹ đỡ khổ và không mong ước gì hơn nữa.
“Toản nó đau lắm nhưng nó không kêu, sợ mẹ lo. Nhiều khi nó bảo với mẹ là hay mẹ đừng chữa cho con nữa cho mẹ đỡ khổ nhưng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ con. Chị nó giờ cũng phải lo cho gia đình, con nhỏ nên không giúp được nhiều nhưng chỉ cần còn một tia hy vọng tôi cũng sẽ cố chạy chữa cho con”, bà Tơ nghẹn ngào.
Suốt 8 năm kề bên con điều trị bệnh nên bà cũng quen, mỗi khi chán nản bà lại tự động viên bản thân mình: “Rồi một ngày con sẽ khỏe thôi”.
“Tầm tuổi này rồi, tôi cũng không còn mong ước gì nữa chỉ mong Toản nó được chữa bệnh mau khỏe. Mỗi khi chán nản, tôi lại tự động viên mình con ốm vài hôm rồi sẽ khỏi, mọi thứ rồi sẽ qua. Tôi chỉ mong khi tôi già đi không còn sức nữa, Toản có thể tự lo cho bản thân mình là tôi vui rồi”, bà Tơ nghẹn lại.
Thường thay mẹ túc trực tại bệnh viện chăm sóc em trai, chị Đặng Thị Hường (SN 1992, chị gái Toản) cho biết, hiện Toản vẫn có thể đi lại vệ sinh cá nhân được nhưng sức khỏe yếu đi nhiều.
Chân Toản cũng bị phù nề sau ca phẫu thuật ở chân để lấy mạch chạy thận. Sau thời gian điều trị bệnh cho em, gia đình cũng đi vay mượn khắp nơi với số nợ hơn 70 triệu đồng.
“Mỗi lần vào viện thấy mẹ thấy em trai như vậy tôi lại không kìm được lòng, mấy mẹ con chỉ biết động viên nhau cố gắng từng ngày chạy vạy tiền để điều trị kéo dài sự sống cho em. Cố gắng điều trị rồi em sẽ khỏe thôi”, chị Hường chia sẻ.
Sau nhiều năm điều trị bệnh, chính quyền UBND xã Hồng Phúc cũng đã nắm được hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Tơ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã Hồng Phúc cho biết, gia đình bà Tơ có hoàn cảnh khó khăn bà một mình bươn trải chăm con bệnh tật đã nhiều năm nay.
“2 ngày cậu con trai của bà Tơ phải chạy thận một lần. Trước đây có cô con gái hỗ trợ chữa bệnh cho em thì còn đỡ nhưng sau con gái lớn lấy chồng thì một mình bà Tơ phải chạy vạy chữa bệnh cho con nên kinh tế khó khăn”, vị lãnh đạo UBND xã Hồng Phúc chia sẻ.
Suốt nhiều năm trời cùng con chống trọi với bạo bệnh, hiện kinh tế gia đình bà Tơ đã dần kiệt quệ nhưng bà vẫn tự động viên bản thân rằng: “Thằng Toản nó thương mẹ, rồi một ngày nó sẽ khỏe lại thôi”.