Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư 3 dự án metro trong các năm tới để hiện thực mục tiêu có 100km đường sắt đô thị vào năm 2030.

Vừa qua, thông tin UBND Hà Nội đặt mục tiêu xây thêm 100km đường sắt đô thị vào năm 2030 nhận được sự quan tâm.

Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn khi thủ đô mất hơn 1 thập kỷ mới xây xong một tuyến đường sắt dài 13,5km. Trong 6 năm tới, thành phố sẽ làm xong gần 100km metro như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), cho biết từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ phấn đấu xây dựng và đưa vào khai thác thêm 6 dự án metro với tổng chiều dài 96,8km.

Đây là các dự án thành phần của tuyến metro số 2, số 3 và số 5. Cụ thể:

Tuyến 3.1: Nhổn – Ga Hà Nội dài 12,5km, chuẩn bị vận hành đoạn trên cao.

Tuyến 3.2: Ga Hà Nội – Hoàng Mai dài 8,8km, là đoạn nối tiếp của Nhổn – Ga Hà Nội.

Tuyến 2.1: Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dài 11,5km.

Tuyến 2.2: Trần Hưng Đạo – Thượng Đình dài 6km.

Tuyến 2.3: Nam Thăng Long – Nội Bài dài 19,7km.

Cuối cùng là tuyến số 5 Văn Cao – Hòa Lạc dài 38,4km.

Như vậy, nếu cộng thêm 13,5km của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thủ đô Hà Nội sẽ có hơn 100km đường sắt đô thị vào năm 2030 (theo mục tiêu phấn đấu).

Trong số 6 dự án nêu trên, chỉ có tuyến 3.1 Nhổn – Ga Hà Nội đã triển khai trên thực địa và chuẩn bị vận hành đoạn trên cao. 5 dự án còn lại vẫn nằm trên giấy.

Với khối lượng công việc “khổng lồ” mà UBND Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành trong 6 năm tới, lãnh đạo MRB cho rằng các vấn đề từng gây chậm trễ cho 2 dự án trước đây phải được khắc phục triệt để. Đơn cử như sự phức tạp của quy trình thủ tục, bất cập trong giải phóng mặt bằng…

“Thời gian qua, dự án metro bị kéo dài, tốn rất nhiều thời gian. Một trong những nguyên nhân cơ bản là quy trình thủ tục của chúng ta rất phức tạp”, ông Sơn chia sẻ.

Ưu tiên trục metro xuyên tâm
Trong số các dự án trên, lãnh đạo MRB cho biết tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo sẽ được ưu tiên trước nhất. Dự án này do JICA tài trợ, đã trải qua 12 năm lập hồ sơ mà chưa được phê duyệt. Riêng thời gian tranh luận về vị trí ga C9 nằm cạnh Hồ Gươm đã tốn vài năm.

“Hiện nay, Hà Nội vừa trình lại hồ sơ, nếu thuận lợi thì trong tháng 6 sẽ được phê duyệt và triển khai đấu thầu”, ông Sơn nói về đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.

Tính đến nay, Cát Linh – Hà Đông vẫn là tuyến đường sắt đô thị duy nhất đang vận hành trên cả nước (Ảnh: Đỗ Quân).

Dự án được ưu tiên thứ 2 là đoạn Ga Hà Nội – Hoàng Mai. Báo cáo tiền khả thi đã được trình. Vừa qua, nhà tài trợ gồm ADB, Ngân hàng Châu Âu và Ngân hàng Tái thiết ĐỨc (KfW) bày tỏ mối quan tâm tài trợ. Ngoài ra, Liên minh Châu Âu sẽ tài trợ 10 triệu Euro không hoàn lại cho Việt Nam để lập dự án này.

Dự án thứ 3 là tuyến số 5 Văn Cao – Hòa Lạc. Đây là dự án thuận lợi nhất về khâu giải phóng mặt bằng do đi trên dải phân cách giữa của đại lộ Thăng Long.

Ông Sơn lưu ý sự sắp xếp trên căn cứ trên mức độ khả thi ở thời điểm hiện tại, có thể tùy vào tình hình thực tế sau này.

“Cũng không loại trừ dự án Văn Cao – Hòa Lạc sẽ được đẩy lên trước, vì khối lượng giải phóng mặt bằng là ít nhất và hiện nay các tập đoàn của Trung Quốc rất quan tâm tuyến này”, ông Sơn chia sẻ.

Trước câu hỏi vì sao 3 dự án này lại được ưu tiên, lãnh đạo MRB cho biết các tuyến đi xuyên tâm sẽ cần làm trước vì trong nội đô, mật độ dân số cao, nhu cầu di chuyển lớn. Khi phát triển được phần lõi, thành phố sẽ dành tiền đầu tư các tuyến vành đai, đô thị vệ tinh.

“Quy hoạch lập ra là để đảm bảo trong tương lai hệ thống đường sắt đô thị sẽ bao phủ cả thành phố, thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Còn việc đầu tư thì sẽ theo giai đoạn, tùy theo khả năng tài chính của mình”, ông Sơn chia sẻ.

Hà Nội đang trình Quốc hội đề án phát triển đường sắt đô thị, trong đó đề xuất chính sách đặc thù để thu hút thêm nguồn lực đầu tư.