Những ngày đầu nuôi, anh gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, đầu ra sản phẩm chưa ổn định khiến anh có lúc nản lòng.
Chán công việc gò bó trong nhà máy, anh Nguyễn Ngọc Hoàng sinh năm 1982, ngụ xã Phước Vân, huyện Cần Đước (Long An) quyết định nghỉ làm công nhân về khởi nghiệp với nghề nuôi bồ câu.
Trước đây, anh Hoàng làm công nhân cho một công ty tại huyện Bến Lức. Một lần về thăm quê bạn ở Bình Dương, anh có dịp tham quan mô hình nuôi bồ câu và nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cũng như thích thú với vật nuôi mới nên anh mua 50 cặp giống đầu tiên về nuôi.
Anh Hoàng chia sẻ, khi trình bày ý tưởng khởi nghiệp với gia đình, ai cũng phản đối vì đây là mô hình mới, sẽ gặp không ít rủi ro. Những ngày đầu nuôi, anh gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, đầu ra sản phẩm chưa ổn định khiến anh có lúc nản lòng. Anh tự động viên bản thân kiên trì với con đường mình đã chọn. Không lâu sau, anh Hoàng quyết định nghỉ làm công nhân để tập trung nuôi bồ câu. Tiền lương làm công nhân dành dụm, anh đầu tư chuồng trại, mua thuốc, thức ăn cho chim bồ câu. Đồng thời, tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mô hình của anh dần ổn định.
Sau 5 năm “lấy ngắn nuôi dài”, từ 50 cặp ban đầu, trại bồ câu của anh Hoàng đã nhân lên 1.000 cặp. Hiện tại, anh nuôi song song 2 loại bồ câu Pháp và bồ câu Titan Thái, cả 2 loại đều dễ chăm sóc. Quá trình nuôi, anh còn chú trọng phòng bệnh, cho bồ câu uống các thuốc kháng sinh, vitamin,… nên đàn bồ câu khỏe mạnh và phát triển rất nhanh.
Anh Hoàng chia sẻ: “Nuôi bồ câu lợi nhuận ban đầu không cao nhưng nuôi với số lượng nhiều thì thu nhập cũng khá”. Theo anh, dù nuôi với số lượng lớn nhưng chuồng trại chỉ hơn 150m2. Nước uống cho chim cũng được “tự động hóa”, mỗi ngày cho ăn 2 lần; 1 tuần vệ sinh chuồng trại 1 lần, thời gian còn lại anh có thể làm nhiều việc khác. Khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi là đầu tư 1 máy ấp trứng và theo dõi kỹ thời gian đẻ trứng của từng cặp.
Hiện nay, bồ câu được đánh giá là một trong những loài chim có giá trị thương phẩm cao. Do giao hàng uy tín, chất lượng và kịp thời nên bồ câu của anh Hoàng được các nhà hàng, quán ăn tin cậy đặt mua nhiều hơn.
Bồ câu thịt sau khi nở khoảng 17 ngày xuất chuồng, bồ câu giống có thể bán sau khoảng 2 tháng lúc có thể tự ăn và bay được. Hiện tại, bồ câu Titan Thái, anh bán với giá 450.000 đồng/cặp, bồ câu Pháp 300.000 đồng/cặp. Bồ câu thịt, anh Hoàng bán từ 70.000 – 150.000 đồng/cặp, tùy thời điểm. Thị trường tiêu thụ là các quán ăn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Anh Hoàng phân phối sản phẩm theo cách nhận đơn hàng online thông qua số điện thoại hoặc Zalo, Facebook và giao hàng bằng hình thức giao trực tiếp đến khách hàng. Trung bình, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, gia đình anh thu được 8-10 triệu đồng.
Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Hoàng tiết lộ: “Tôi dự tính mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng bồ câu, chuyển sang nuôi bồ câu sạch để chinh phục những khách hàng khó tính. Đồng thời, mua sắm thêm máy móc để giết mổ và chế biến bồ câu đông lạnh, đưa vào hệ thống siêu thị”.
Sau khi đi tham quan, tìm hiểu mô hình nuôi bồ câu Pháp ở tỉnh Quảng Ngãi và huyện Phù Mỹ anh Nguyễn Ngọc Chương thị xã An Nhơn (Bình Định) đã quyết định đầu tư nuôi chim bồ câu để phát triển kinh tế gia đình.
Ban đầu anh đặt mua 10 ô chuồng và 10 đôi bồ câu Pháp gồm 2 loại giống Mimas (có bộ lông màu trắng) và Titan (lông đốm xám, nâu) tại huyện Phù Mỹ về nuôi thử. Sau gần 1 năm nuôi thử nghiệm và tìm hiểu nhu cầu của thị trường, anh Chương nhận thấy nuôi bồ câu là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Với suy nghĩ đó, anh đã nhân giống, mở rộng mô hình nuôi chim bồ câu. Anh đã đặt mua các dụng cụ chăn nuôi, lắp đặt hệ thống nước uống tự động; mua sắt, thép về tự làm chuồng nuôi với 4 tầng, gần 100 ô chuồng. Đến nay, gia đình anh đã phát triển được trên 150 đôi bồ câu bố mẹ sinh sản. Theo anh, bồ câu con từ khi đẻ cho đến khi bắt đầu ra ràng là trong vòng 20 ngày bán được 95 nghìn đồng 1 đôi, nếu bán giống anh nuôi 30 ngày bán với giá 250 nghìn đồng 1 đôi. Với đầu ra ổn định, 1 năm anh xuất bán khoảng 115 đôi bồ câu giống và thương phẩm, sau khi trừ chi phí anh thu lãi trên 80 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi anh Chương cho biết: “Chim bồ câu dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, sinh sản nhanh và dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả kinh tế cao thì khâu chọn giống là quan trọng nhất, nên chọn chim bồ câu khỏe mạnh, tiêm đầy đủ các loại vắc xin. Bên cạnh đó, người nuôi cần phải tuân thủ các điều kiện về vệ sinh môi trường, khuôn viên chuồng nuôi cần tránh gió mùa Đông bắc lùa vào, vì bồ câu không chịu được lạnh và thức ăn đẻ đảm bảo cho bồ câu đẻ đều phải là 70% gạo, 30% cám thực phẩm…”.
Hiện nay nhu cầu thị trường tiêu thụ chim bồ câu rất mạnh nên chim bồ câu thương phẩm của gia đình anh được các thương lái đến tận nhà thu mua. Bên cạnh đó, anh còn bán bồ câu giống, chuồng nuôi cho nhiều hộ gia đình trong và ngoài địa phương. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, trong thời gian tới, anh Chương dự định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi khoảng 400 đôi bồ câu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nâng cao thu nhập.
- ‘Né’ trạm thu phí BOT, những binh đoàn xe quá tải ùn ùn phá đê ở Bắc Ninh
- Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi kiện đòi 2,4 tỷ đồng
- Hòa Minzy viết “tâm thư” lên tiếng về mối quan hệ với cầu thủ Văn Toàn
- Khi đàn bà ngoại tình sẽ “dâng hiến” hết 3 thứ cho người tình nhưng chồng thì tuyệt đối không
- Chị gái tôi bị mẹ chồng đuổi đi vì tội “ở nhà 30 mét vuông cũng thuê giúp việc”