Vất vả trồng lúa, ương cá tra giống, làm thợ hồ, chỉ đến khi nuôi tôm, anh Nguyễn Văn Bình (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) mới đổi đời. Nhờ nuôi tôm công nghệ cao, mỗi năm anh Bình thu lời 2 – 3 tỷ đồng.
Hiện, anh Nguyễn Văn Bình có 2 khu nuôi tôm công nghệ cao với hơn 2ha ao. Trong đó, 2 ao lắng và 2 ao nuôi.
Không cần…pha muối cho nước nuôi tôm
Bẳng đi một thời gian không về Mộc Hóa, giờ về đây thấy nhiều nơi “da beo” với ao tôm “ôm” ruộng lúa. Không cần phải đi sâu vào nội đồng, dọc theo QL.62 (khu vực Mộc Hóa) đã thấy nhiều ao tôm “bám” đường chạy dài, xì xèo máy sục khí ôxy.
Nghe đâu nơi đây, 5 – 7 năm nay, một số nông dân trồng lúa đã chuyển sang đào ao, khoan giếng lấy nước pha muối nuôi tôm trúng đậm.
Cặp theo QL.62 (ấp 2, xã Tân Lập), anh Bình đang có 1 ao nuôi tôm chờ vài ngày nữa thu hoạch. 4 năm trước, thay vì đào ao trên đất lúa, anh cải tạo ao ương cá tra giống để “hợp pháp hóa” nuôi tôm.
Nghe tôi hỏi vùng này muốn nuôi tôm sú phải lấy nước giếng khoan pha muối cho đủ độ mặn? Anh Bình cười khì khì: “Làm gì có! Mấy ông báo thông tin thất thiệt. Tôi lấy nước giếng khoan rồi nuôi tôm sú, không cần pha muối gì cả”, anh Bình quả quyết.
Anh Bình kể, 4 năm trước đang lao đao với nghề ương cá tra giống, thấy một người quen nuôi tôm trúng đậm, anh quyết định ngừng ương cá tra giống, cải tạo ao nuôi tôm sú.
Anh vừa kể vừa nhăn nhó: “Năm đầu tiên nuôi tôm sú, tôi lỗ mất 2 tỷ đồng vì thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm”.Thua đau nên phải theo lao, anh Bình vay mượn tiền quyết chí ăn thua đủ với con tôm. Anh bắt đầu tăng cường học hỏi thêm kỹ thuật, rút kinh nghiệm mấy vụ tôm thua lỗ. Nhờ quyết tâm, chăm chỉ học hỏi, những vụ tôm sau anh Bình bắt đầu trúng.
Anh Bình thổ lộ, nuôi tôm rất cực. Để vụ nuôi tôm thành công, ngoài con giống tốt, phải xử lý nước cho ngon. Mỗi ao nuôi tôm tôm sử dụng vùng nước mặn khác nhau nên xử lý nước cũng khác nhau, không ao nào giống ao nào.
Nhìn chung, nước nuôi tôm sau khi lấy từ giếng khoan được đưa vào ao lắng để xử lý khuẩn và cặn, rồi cấp qua ao nuôi.
Sau mỗi đợt nuôi tôm nước được xử lý tiếp để cho vụ nuôi tôm sau. Nước này được sử dụng nuôi tôm suốt trong 1 năm mới xả bỏ.
“Nước nuôi tôm có nhiều tɦuốc khử khuẩn, rất tốn kém, nên không thể nuôi một vụ rồi xả bỏ”, anh Bình chia sẻ.
Anh cho biết thêm tùy theo người nuôi tôm, nếu nuôi giỏi thì nuôi dày, còn không thì nuôi thưa. Như anh, ao 1.500m2 chỉ thả tôm giống để thu hoạch 5 – 6 tấn tôm. Mỗi năm, anh Bình nuôi tôm 3 vụ tôm công nghệ cao.
Đổi đời nhờ nuôi tôm công nghệ cao
Lâu nay, với người lạ, để bước vào khu nuôi tôm của nông dân chụp hình, quay phim là nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng với anh Bình, anh không chỉ mời chúng tôi vào khu nuôi tôm chụp hình, quay phim mà còn chài tôm gởi biếu.
Theo anh Bình, anh nuôi tôm thật, nói thật nên không ngần ngại mời khách vào chơi. Hiện, tôm nuôi trong ao của anh Bình đang đạt cỡ hơn 30 con/kg. Giá tôm thương lái thu mua tại ao là 160.000 đồng/kg.
“Với giá tôm hiện nay, ao tôm 1,5 công này lời 600 triệu đồng”, anh Bình bộc bạch.
Anh nói thêm trước khi nuôi tôm, gia đình anh thuộc hiện hộ nghèo của xã Tân Lập. Thậm chí, phải nhờ đến sổ hộ nghèo gia đình anh có mới miếng ăn để tồn tại. Từ ngày nuôi tôm, gia đình anh đổi đời.
“Tôi trả sổ hộ nghèo cho chính quyền lâu rồi. Cuộc sống giờ đã ổn định, khỏe hơn ngày xưa nhiều lắm. Tôi chuẩn bị mua xe hơi để làm phương tiện đi lại cho gia đình và công việc”, anh Bình khoe.
Thấy nuôi tôm công nghệ cao lời to, anh Bình đã thuê đất mở thêm một khu nuôi tôm tại xã Tân Hiệp (Thạnh Hóa).