Trước tình trạng thua lỗ, trắng tay có thể xảy ra khi nuôi lợn trắng, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang nuôi lợn đen để lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.
Anh Bàn Càn Thêm thôn Đóng, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang)
Từng vỡ nợ mất 80 triệu đồng vì nuôi lợn trắng, anh Thêm làm đủ nghề kiếm sống, xuống tận Hải Phòng làm công nhân, chán anh lại về quê buôn lợn. Những ngày tháng ấy khiến anh nhận ra giống lợn đen bản địa có giá thành cao hơn hẳn lợn trắng. Các sản phẩm được chăn thả chủ yếu thuận theo tự nhiên là xu hướng hiện nay của người tiêu dùng.
Anh chọn địa điểm bên bờ suối vì ở đó xa khu dân cư, khí hậu trong lành là điều kiện quan trọng để lợn phát triển tốt nhất.
Trang trại của anh Thêm nằm ở bên bờ suối, bên trên là những quả đồi nhỏ. Vì vậy, chuồng trại của anh cũng được xây dựng đơn giản. Ở đó, anh dựng một nhà sàn nhỏ, 3 khu chuồng nuôi. Ban đầu, anh đi tìm mua những con lợn đen bản địa về nuôi và nhân giống.
Hàng ngày anh chỉ cho lợn ăn 2 bữa với thức ăn chủ yếu là bã đậu, ngô, chuối. Lợn của anh được thả rông, anh rèn cho lợn quen với tiếng kẻng mỗi khi gọi chúng về ăn hoặc đến giờ về chuồng.
Mỗi một lứa lợn đen anh Thêm nuôi trong khoảng 6-7 tháng, quãng thời gian đó, anh kết hợp thêm nuôi gà thịt. Đàn gà của anh lúc nhiều nhất cũng lên đến 400-500 con. Gà cũng được anh thả tự nhiên.
Năm 2020, anh Thêm xuất được 2 lứa lợn với hơn 60 con và khoảng 300 con gà. Trừ chi phí, gia đình anh cũng thu về gần 80 triệu đồng tiền lãi.
Gần đây, anh Thêm đã đầu tư vào trang trại của mình khoảng 200 triệu đồng. Đàn lợn đang duy trì khoảng 90 con và hơn 200 con gà. Anh Thêm cho biết, dù giá lợn trắng đang xuống thấp nhưng lợn đen lại giữ mức giá ổn định. Vì vậy, công việc chăn nuôi của anh cũng không gặp khó khăn là mấy. Giá lợn đen hiện nay dao động từ 80-120 nghìn đồng/kg lợn hơi.
Sau những thất bại và chia ly, gia đình anh Thêm đang dần có cuộc sống ổn định với trang trại chăn nuôi lợn đen kết hợp nuôi gà, một cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu của người dân trong khu.
Anh Lý Văn Minh, thôn Khuổi Diễn, xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn)
Gia đình anh Lý Văn Minh, thôn Khuổi Diễn, xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) không chỉ có thu nhập từ mô hình nuôi lợn rừng bán hoang dã mà còn từng bước xây dựng thương hiệu bằng việc liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX).
Chia sẻ về cơ duyên nuôi lợn rừng, anh Minh cho hay: “Trước đây gia đình tôi nuôi lợn trắng nhưng chi phí cho thức ăn lớn, giá thành không ổn định nên giữa năm 2018 đã quyết định chuyển sang nuôi thử lợn rừng.”
Hai vợ chồng mua lưới thép B40 về quây gần 1ha đồi, mua 3 con nái, 1 con đực giống lợn rừng để nuôi. Sau khoảng 3 năm, tiếp tục đầu tư thêm 7 con nái để nhân đàn.
Đến nay, gia đình duy trì nuôi hơn 10 nái lợn rừng, vừa bán lợn giống, vừa nuôi lợn thương phẩm nên trong chuồng luôn có khoảng 100 con lợn rừng, có thời điểm nhiều trên 150 con.
Lợn rừng có sức đề kháng tốt, ít bệnɦ, nguồn thức ăn phong phú như cây chuối, cỏ voi, dây khoai lang… nên nuôi theo hướng bán hoang dã tiết kiệm được nhân lực, chi phí thức ăn. Để bảo vệ môi trường, gia đình anh Minh xây dựng chuồng trại khép kín, hệ thống biogas xử lý chất thải để hạn chế mùi hôi, tận dụng khí ga đun nấu, chất thải qua xử lý dùng tưới cỏ voi, chuối.
Đối với lợn rừng, thời gian nuôi đến khi xuất bán từ 8 tháng đến 1 năm. Bình quân mỗi năm gia đình anh Minh xuất bán trên dưới 50 con lợn rừng, mỗi con có trọng lượng khoảng 50kg trở lên, giá bán lợn rừng phụ thuộc vào từng thời điểm, dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.
Xác định phát triển chăn nuôi lợn rừng, lợn lai rừng, lợn đen địa phương là nguồn thu nhập chính đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình anh Minh đã từng bước xây dựng thương hiệu, tìm hướng đảm bảo ổn định đầu ra, giá cả và hạn chế dịch bệnɦ cho đàn lợn.
Cuối năm 2021 anh Minh đứng ra thành lập HTX OCOP Cốc Đán với 10 thành viên. Hiện nay các thành viên đang tập trung xây dựng chuồng trại để tiến tới đầu tư lợn giống, nhân đàn.