UBND huyện Phú Xuyên đang chỉ đạo đơn vị liên quan xác minh, làm rõ “BOT làng” tồn tại hơn 25 năm ở thôn Nội, xã Văn Hoàng.
Trước đó, năm 2017, báo chí đã từng phản ánh tình trạng thu phí tại đây. Đại diện UBND xã Văn Hoàng thời điểm đó cho biết, cây cầu bêtông bắc qua sông Nhuệ do người dân thôn Nội đóng góp xây dựng nên họ thu phí để bảo dưỡng, duy tu cầu hàng năm là chuyện “hết sức bình thường”.
Do chính quyền xã không có nguồn kinh phí cho việc bảo dưỡng cầu nên xã đã ủy quyền cho thôn tự thu phí để thực hiện việc này.
Đại diện UBND xã cũng thừa nhận, xét về khía cạnh quản lý nhà nước và pháp luật, việc thu phí là chưa đúng. Chính quyền địa phương sau đó đã báo cáo sự việc lên UBND huyện để có hướng xử lý.
Ngày 7.12.2017, UBND huyện Phú Xuyên có văn bản số 246/TB-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND xã Văn Hoàng dừng ngay việc thu phí cầu tại thôn Nội theo đúng quy định pháp luật. Báo cáo đề xuất UBND huyện xử lý vi phạm (nếu có) trước ngày 10.12.2017.
Đến ngày 10.12.2017, UBND xã Văn Hoàng đã có báo cáo lên huyện và đề nghị được tiếp tục thu phí để bảo dưỡng cầu phục vụ việc đi lại sản xuất cho nhân dân cho đến khi UBND huyện triển khai xây dựng cây cầu mới từ trạm bơm Văn Trai qua sông Nhuệ (xã Văn Hoàng) bằng nguồn vốn của cấp trên.
Theo ghi nhận, đến nay, cầu Nội Cói mới đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuy nhiên việc thu phí qua cầu Nội Cói cũ vẫn chưa chấm dứt.
Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, đã nắm được thông tin Báo Lao Động phản ánh.
“Huyện sẽ cho các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh sự việc và sẽ thông tin lại sau” – ông Vĩnh nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải – Bí thư chi bộ thôn Nội, xã Văn Hoàng, năm 1998, người dân thôn Nội tự góp tiền xây dựng cầu bêtông thay thế cầu tre xuống cấp, phục vụ nhu cầu đi lại.
Chi phí xây dựng cầu thời điểm đó do người dân thôn Nội đóng góp. Do đó, sau khi công trình hoàn thành, thôn đã tiến hành thu phí qua lại để hoàn vốn.
“Việc thu phí qua cầu áp dụng với những người ở ngoài địa phận xã Văn Hoàng, còn tất cả người dân trong thôn Nội, công nhân viên chức ngoài xã Văn Hoàng về đây làm việc và người dân ở trong xã Văn Hoàng sẽ không phải đóng phí khi qua cầu” – ông Hải nói.
Hàng năm, thôn sẽ giao thầu cho một hộ trong thôn. Người trúng thầu sẽ có trách nhiệm trông nom, quản lý.
“Cứ vài năm, thôn lại bảo dưỡng, sửa chữa cầu với chi phí 30-40 triệu đồng. Nếu còn dư, số tiền còn lại sẽ sung công quỹ” – ông Hải thông tin.
Cũng theo ông Hải, hơn một năm qua, khi cầu Nội Cói mới cách cầu cũ gần 800m được khánh thành, phần lớn người dân đều đi cầu mới, nên số tiền thu phí qua cầu Nội Cói cũ không còn được bao nhiêu.
Hiện cầu Nội Cói cũ chủ yếu phục vụ việc đi lại, sản xuất của nhân dân trong thôn.
- Lầm tưởng bỏ phố về rừng là "mua đất, xây nhà bê tông"
- Long An: Từng là kẻ thù của lúa nay loài ốc này trở thành mỏ vàng cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày
- Cho anh chị ở nhờ nhà 10 năm không thu t:iền, đến khi đò:i nhà lại anh chị bảo “Hay cho anh chị ở đến hết đời đi”
- Cổ nhân dạy: “Trong nhà có 3 nơi trống rỗng, con cháu đời đời nghèo khổ”
- Vừa có nhà, vừa có đất nhờ xài "đòn bẩy"