Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
93 lượt xem

Làm giàu lạ đời: Anh nông dân Đồng Nai trồng chanh chỉ bán lá

Thay vì trồng chanh hái trái, 2 anh Lê Kim Tiến và Nguyễn Văn Hiệp (ngụ ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai) đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng giống chanh Thái hái lá, bán lá với quy mô lớn tại địa phương.

Chanh Thái (hay còn gọi cây Chúc) là loài cây bản địa của các nước: Thái Lan, Lào, Indonesia và Malaysia. Lá chanh Thái ngoài dùng để chế biến các món ăn còn là một loại nguyên liệu tốt được dùng trong y học, có tác dụng hiệu quả trong việc ngăn ngừa những căn bệnh da liễu; giúp cho quá trình điều trị nhiều căn bệnh liên quan đến hệ tim mạch; có tác dụng hiệu quả trong việc thẩm mỹ.

Anh Tiến và anh Hiệp là những người tiên phong đưa giống chanh mới về vùng đất Đồng Nai và mang lại thành công ban đầu. Chỉ sau hơn 2 năm triển khai, sản phẩm của loại “cây gia vị” này hiện không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn đưa đi xuất khẩu và hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển.

Giống chanh mới trên đất Đồng Nai

Chúng tôi đến tham quan mô hình trồng 1 ngàn cây chanh Thái trên khu đất rộng 5ha (nằm trong trang trại rộng gần 30ha do anh Tiến làm chủ) tại ấp 6, xã Bàu Cạn. Nhờ đầu tư bài bản, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu trồng, chăm sóc nên cây chanh ngày càng phát triển, lá luôn xanh tốt. Hiện vườn chanh đang bắt đầu cho thu hoạch lá ổn định với trung bình khoảng 1 tấn lá/quý.

Trước đây, anh Tiến thường hay đi tham quan du lịch ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và  An Giang, thấy nhà người dân nào cũng có trồng khoảng 2-3 cây chanh Thái. Điều đặc biệt nữa là đa số các món ăn của bà con địa phương đều sử dụng lá chanh, trong đó có những món đặc sản như: gà hấp, cá hấp…, mùi hương thơm gia vị lá chanh hòa lẫn món ăn ngon đậm đà, khiến cho nhiều vị khách thập phương thưởng thức rồi cảm thấy lưu luyến, nhớ mãi.

“Ý tưởng về mô hình trồng chanh Thái cho thu hoạch lá đã được tôi ấp ủ từ 5-6 năm trước, nhưng tôi không vội triển khai ngay mà muốn dành nhiều thời gian để tìm tòi nghiên cứu kỹ về giống cây mới này” – anh Tiến kể.

Đến đầu năm 2020, anh Tiến tình cờ gặp lại bạn Nguyễn Văn Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH Gia vị Việt Hiệp tại Q.12, TP.HCM). Anh Hiệp là “chuyên gia” có nhiều kinh nghiệm về các loài cây gia vị cũng như giống chanh Thái.

Qua trò chuyện, trao đổi thấy “tâm đầu ý hợp”, 2 anh Tiến và Hiệp quyết định hợp tác triển khai trồng mô hình chanh Thái thu hoạch lá với quy mô lớn đầu tiên ở Đồng Nai. Mỗi người một công việc, anh Tiến có đất, góp công sức, còn công ty của anh Hiệp hỗ trợ bao tiêu toàn bộ, từ cung cấp cây giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phân bón cho đến thu mua sản phẩm…

Anh Hiệp cho hay, anh và anh Tiến đã chọn xã Bàu Cạn để triển khai trồng cây chanh Thái vì qua tìm hiểu thấy đặc điểm vùng đất này rất nóng và thích hợp cho các loài cây gia vị, dược liệu, trong đó có chanh Thái. Điểm đặc biệt nữa ở đây là vùng đất thoát nước, giúp cho việc trồng cây gia vị, dược liệu không bị ngập úng, hư hỏng.

“Chanh Thái là loài cây không khó tính và rất dễ trồng ở nhiều loại đất, việc đầu tư vào mô hình không cần nhiều công sức. Tuy nhiên, người trồng cần phải tỉ mỉ, thường xuyên quan tâm chăm sóc, đặc biệt là khâu bón phân, tưới nước phải đủ lượng và kịp thời, nhằm giúp cây sinh trưởng phát triển tốt” – anh Hiệp cho hay.

Nhiều triển vọng phát triển mô hình trồng chanh bán lá

Ngay từ đầu xác định chọn hướng đi bền vững với chiến lược lâu dài, 2 anh Tiến và Hiệp đã áp dụng công nghệ hiện đại để làm theo quy trình “nông nghiệp sạch” cho mô hình trồng chanh Thái thu hoạch lá.

Cả hai đã đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động cho vườn cây; tự tạo ra phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để tưới, bón cho cây trồng, chứ không dùng các chất hóa học độc hại.

Mục tiêu của các anh là “sản phẩm sạch” làm ra không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà còn xuất đi nước ngoài ở những thị trường khó tính của châu Âu, châu Á để họ sản xuất tinh dầu.

“Tôi cam kết không sử dụng thuốc hóa học mà chỉ dùng phân bò ủ để bón cây trồng và dùng các loại vi sinh để làm thuốc diệt sâu bệnh, nấm cho cây… Nói chung, tôi làm mô hình hoàn toàn từ thiên nhiên và sản phẩm làm ra sạch, an toàn” – anh Hiệp chia sẻ.

Nhờ trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, sau hơn 2 năm, vườn chanh của anh Tiến và anh Hiệp trở nên tươi tốt, chính thức cho thu hoạch lá.

Anh Tiến chia sẻ, năm đầu tiên, vườn chanh còn nhỏ, người trồng chủ yếu dành thời gian chăm sóc, tỉa cành, tạo tán và tận dụng thu hoạch luôn phần lá đã cắt tỉa, nhưng sản lượng không đáng kể. Đến khi cây được 2 năm tuổi thì thu hoạch lá mới chính thức diễn ra; mỗi quý hái lá một lần với sản lượng khoảng 1 tấn và đến nay đã thu hoạch được 2 tấn lá.

“Cây chanh càng lớn thì sản lượng lá càng nhiều, hiệu quả kinh tế lúc đó sẽ cao hơn. Hiện giá lá chanh tươi thu mua tại vườn thường giữ mức ổn định từ 150-170 ngàn đồng/kg” – anh Tiến bộc bạch.

Anh Hiệp cho hay, ngoài bán lá chanh Thái tươi, công ty của anh còn sấy khô nguyên lá, thái sợi và xay thành bột để cung cấp ra thị trường. Lá chanh Thái tươi chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, quán để sử dụng chế biến các món ăn.

Còn lá chanh sấy khô hoặc xay bột cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm, gia vị. Các anh đã áp dụng đúng quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng và bắt nhịp xu hướng thị trường, hướng đến đa dạng sản phẩm nên khách hàng sử dụng lá chanh Thái ngày càng nhiều hơn.

“Công ty chúng tôi không chỉ phân phối lá chanh tươi cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi những thị trường khó tính như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada. Hiện một số nước đã gửi đến đơn đặt hàng với số lượng khá lớn” – anh Hiệp cho hay.

Do nhu cầu đặt hàng ngày càng nhiều từ phía các khách hàng xuất khẩu, nhà hàng và nhà máy sản xuất trong nước nên nhóm anh Hiệp, anh Tiến quyết định mở rộng thêm diện tích trồng chanh Thái.

Bài viết cùng chủ đề: