Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
97 lượt xem

Không gì là không thể: Chàng trai Ninh Bình mang cua biển vào nuôi giữa lòng thành phố

Anh Phạm Văn Duy (thôn Tiền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình) đã và đang thành công với mô hình nuôi con cua biển trong hộp nhựa kết hợp với hệ thống lọc nước tuần hoàn.

Anh Duy cho biết: “Để nuôi cua biển trong hộp nhựa tôi phải vận chuyển nước từ biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) về thành phố Ninh Bình quãng đường gần 50 km. Nuôi cua biển trong hộp nhựa nguồn nước rất quan trọng, khi nước nuôi cua trở từ vùng biển Kim Sơn về, lọc qua hệ thống tuần hoàn không phải thay nước. Ngoài ra, có thể pha bằng muối biển nhân tạo để nuôi cua tùy vào từng điều kiện hộ nuôi”.

Ban đầu anh Duy thí nghiệm nuôi cua biển chỉ với 50 hộp nhựa, nhưng đến nay anh Duy đã mạnh dạn nhân rộng mô hình với 540 hộp nhựa. Đồng thời, anh Duy đầu tư hệ thống lọc thải nước chuyên nghiệp với chi phí khoảng 350 triệu đồng.

Với cách nuôi cua biển trong hộp nhựa qua hệ thống công nghệ cao nuôi cua biển trong nhà có ưu điểm nổi bật là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo oxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn bẩn thải ra và đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV.

Anh Duy cho biết, nuôi cua biển trong hộp nhựa có thể kiểm soát được số lượng con cua nuôi, ít dịch bệnh, tiện chăm sóc, thu hoạch nhanh… Thông thường mỗi ngày anh Duy cho cua biển ăn 2 bữa, vì cua biển có tập tính hoạt động về đêm nên bữa chính là bữa tối. Thức ăn của cua phải là thức ăn tươi như: Cá, tôm, ốc, hến cắt nhỏ…

Qua tìm hiểu, theo các đặc tính sinh học, cấu trúc thịt cua không phải là cấu trúc cơ, do đó dù vận động nhiều hay ít thì độ săn chắc của thịt không bị ảnh hưởng. Nhất là chất lượng của thịt cua dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, chất lượng môi trường sống. Vì thế hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng thịt cua khi nuôi trong hộp, thậm chí con cua đảm bảo được độ tươi và độ sạch.

Để cua không tấn công, ăn thịt lẫn nhau, mỗi con cua biển sẽ được nuôi riêng trong một hộp nhựa. Đồng thời, thu hẹp mô hình để dễ quản lý, tránh để cho con cua nhiễm bệnh chéo. Riêng hộp nuôi cua biển được anh Duy xếp thành nhiều gian tầng khác nhau, đánh số thứ tự và ghi chép hằng ngày ở ngoài vỏ hộp…Tùy vào kích thước con cua biển lúc thả để tiến hành thu hoạch, trọng lược con cua đạt khoảng 4 con/kg là xuất bán được.

“Con cua biển nuôi trong hộp nhựa không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tự nhiên, nhưng để cua biển sống, phát triển tốt hơn thì nhiệt độ luôn duy trì khoảng 28 độ C” anh Duy cho biết.

Ưu điểm lớn của hệ thống nuôi cua trong nhà, trong hộp nhựa là việc tận dụng diện tích nuôi tối đa. Cua được nuôi và thu hoạch liên tục, chất lượng sản phẩm có thể kiểm soát dễ dàng trước khi đưa vào thị trường. Hai giống cua đang được nuôi tại trại của anh Duy là cua cốm và cua tứ đạn.

Nếu muốn học hỏi và tham quan mô hình, bà con có thể liên hệ với anh Phạm Văn Duy, thôn Tiền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, hoặc kết nối qua Zalo, số điện thoại 0971.909.309.

Theo Dân Việt

Bài viết cùng chủ đề: