Nước làm mát động cơ ô tô kém chất lượng sẽ làm giảm hiệu quả làm mát và gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của động cơ.
Nước làm mát là hỗn hợp giữa 50% khối lượng nước và 50% khối lượng ethylene glycol nguyên chất có đặc tính chống đông và chống gỉ.
Đặc tính này sẽ giảm dần theo thời gian, cặn nước và gỉ sẽ hình thành bên trong đường ống nước làm mát, làm cản trở dòng chảy trong các ống dẫn, do vậy giảm công suất làm mát của hệ thống.
Ngoài ra, nếu độ đậm đặc của nước làm mát giảm, động cơ sẽ bị ăn mòn và dung dịch làm mát có thể bị đông cứng. Do đó, phải thay định kỳ nước làm mát động cơ, xả cặn nước và những chất tích tụ khác ra khỏi hệ thống làm mát.
Khách hàng nên thường xuyên kiểm tra mức dung dịch làm mát và thay thế lần đầu vào 200.000km hoặc 10 năm, sau đó cứ mỗi 100.000km hoặc 5 năm thay 1 lần.
Chủ xe cũng lưu ý không được châm thêm nước làm mát cho xe bằng nước lã, bởi nước lã dùng cho sinh hoạt bao gồm rất nhiều hợp chất và có cả cặn đá vôi. Nếu như dùng nước lã trộn vào dung dịch nước làm mát và sử dụng trong 1 thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của động cơ.
Trường hợp đang di chuyển, đèn cảnh báo nước làm mát nổi sáng, chủ xe phải dừng xe ngay lập tức và tắt các thiết bị điện để đảm bảo động cơ không bị quá nóng và hư hỏng.
Nếu không có sẵn nước làm mát, có thể sử dụng nước lọc thay thế nhưng ngay sau đó phải đưa xe đến đại lý để kỹ thuật viên kiểm tra, thay thế bằng nước làm mát chính hãng.
Nếu một động cơ hoạt động không lỗi thì nước làm mát hầu như sẽ không hề hao hụt do yếu tố nhiệt độ, bởi dung dịch làm mát có thể hoạt động tốt ở nhiệt độ trên 130 độ C, mà nguyên nhân thường xuyên gặp phải đối với ô tô là: thủng két nước giải nhiệt động cơ hay các đường ống dẫn rò rỉ, hay bình nước phụ (bằng nhựa) bị rạn nứt gây rò rỉ mới là nguyên nhân chính, nếu xe của có bị hao hụt nước làm mát thì cần kiểm tra các chi tiết phụ này.