Vừa bưng bát cháo lên, thấy con đang tí tách nhai bim bim, chị Cúc bực bội cầm gói snack và cao giọng: ‘Thế này thì còn ăn được gì nữa. Mẹ đã bảo bao lần là không được ăn vặt trước bữa cơ mà’. Mẹ chồng chị ngồi ngay gần đó sầm mặt lại.

Thằng bé 3 tuổi lao vào lòng bà, khóc toáng lên. Mẹ chồng chị Cúc nói giọng giận dỗi: “Là tôi cho nó ăn đấy. Chị mắng thì mắng tôi đây này. Con mới bé nứt mắt ra mà suốt ngày bắt nó phải thế này, thế kia! Giờ không ăn cháo thì tí nữa ăn, có ch.ết ai đâu”. Thấy được bà bênh, cậu bé lại càng khóc to và lao về phía mẹ giằng lại gói bim bim. Cổ họng nghẹn đắng, chị Cúc cố gắng để giọng mình không lạc đi: “Con không có ý gì, chỉ muốn tốt cho cháu, trẻ con thì càng cần phải ăn đúng bữa, đủ chất, chứ ăn vặt ngang bụng rồi còn ăn được gì nữa ạ”.

“Nhiều lúc mình chỉ muốn ôm con ra ngoài sống thôi, ức chế vô cùng vì bà quá nuông chiều thằng cu, rồi toàn cố làm ngược lại những nguyên tắc mình muốn dạy con. Đã thế, nếu mình có nói thì lại hay dỗi hoặc kể lể với mọi người là mình coi thường bà, hỗn láo”, chị Cúc (Khâm Thiên, Hà Nội) thổ lộ.

Chị cho biết, từ cách cho bé ăn, đến việc chăm sóc hằng ngày, bà đều không tán thành cách làm của con dâu. Nghe lời bác sĩ, chị muốn 5 tháng mới cho con ăn dặm, rồi thường xuyên tắm rửa, cho con phơi nắng để bé khỏe mạnh. Còn bà thì muốn cho cháu ăn bột sớm để cứng cáp, và luôn sợ thằng bé bị ốm vì ra ngoài nắng, gió. Căng thẳng ngày càng tăng cùng với sự lớn lên của cậu bé. Chị Cúc muốn con phát triển tính độc lập, khi sai thì phải bị phạt… nhưng bà lại chiều cháu, luôn muốn làm thay mọi việc, cháu đòi gì cho ngay, khi làm sai bị mẹ mắng thì bà bênh, thậm chí mắng ngược mẹ.

“Cứ thế này mình thấy mệt mỏi lắm, giờ bà ghét mình ra mặt, hai mẹ con không còn muốn nói chuyện với nhau, nhưng mình không thể buông xuôi, vì con là con của mình, mình không kiên quyết thì con hư, lúc đó ai giúp mình được”, chị Cúc tâm sự.

Cũng chung nỗi niềm này, chị Xuyến (Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) đang khó xử vì bố mẹ chồng nhất quyết không cho cô con gái 3 tuổi của chị đến trường và bắt bé phải về ở với ông bà.

Chị Xuyến cho biết, vợ chồng chị đều từ quê ra Hà Nội làm việc. Khi sinh con, bà nội xuống giúp chị chăm cháu. Dù mẹ chồng nàng dâu có nhiều điều va chạm và mâu thuẫn trong cách nuôi dạy bé, nhưng chị đều nhẫn nhịn vì nghĩ, dẫu sao nhờ có bà giúp mình mới yên tâm đi làm. Thế nhưng chị lo lắng khi thấy bà suốt ngày cho cháu xem TV, ít khi đưa bé ra khỏi nhà, khiến cô bé rất nhút nhát, có vẻ chậm nói và gần đây thì hay khóc ăn vạ.

Khi bé được 2 tuổi rưỡi, chị muốn cho con đến trường, vừa là để bé làm quen với môi trường mới, có cơ hội giao lưu với các bạn cùng lứa nhưng bà phản đối quyết liệt. Bà cho rằng, chỉ những nhà nào không có người trông cháu mới phải đưa trẻ đi gửi, và như thế là “đày đọa con bé”, là “chị khinh tôi không biết dạy con chị”… Và cuối cùng, bà nhất định đòi về quê, và bắt đưa cả cô cháu gái về cùng vì “dưới này chật chội, khổ thân nó”.

Khi chị kiên quyết muốn giữ bé lại vì cho rằng con cần được ở gần bố mẹ, để hằng ngày anh chị được chăm sóc, vui đùa với cháu thì bà giận dỗi tuyên bố: “Chị giỏi thì cứ chăm con một mình, từ nay, đừng bao giờ gọi tới tôi nữa”.

“Mấy tuần nay bà bỏ về rồi, mình gọi điện cũng không thèm nghe. Ông xã thấy mẹ như vậy thì quay ra trách móc mình là quá đáng, hai vợ chồng lại chiến tranh lạnh. Mình cũng không biết phải làm thế nào nữa. Sao muốn được chăm con, dạy con mình mà cũng phải khổ thế không biết””, chị Xuyến bộc bạch.

Thực ra, cách dạy dỗ, chăm sóc của ông bà dành cho trẻ có độ “vênh” với bố mẹ, nhất là nàng dâu là điều dễ hiểu, có thể do khoảng cách thế hệ, do nếp sống, lối suy nghĩ và hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là những thành viên trong gia đình biết thông cảm, dung hòa để tìm được tiếng nói chung về vấn đề này.

“Trong giáo dục trẻ, việc mỗi người một ý rất nguy hiểm bởi khi giữa người lớn có mâu thuẫn, trẻ sẽ không biết thế nào là đúng, thế nào là sai, thậm chí nhiều trẻ có thể ‘lợi dụng’ điều này để vòi vĩnh, tìm đồng minh khi bị trách, phạt”, bà Hà chia sẻ.

“Dù bạn không đồng tình với cách dạy trẻ của ông bà thì cũng không nên phản đối trước mặt trẻ, mà cứ im lặng rồi nghiêm túc nhưng khéo léo góp ý với ông bà sau, đồng thời tìm cơ hội giải thích rõ cho con biết điều đó là không nên, chẳng hạn như ‘ông bà vì thương con nên mới bênh con vậy, lần sau con đừng như thế nhé’. Làm vậy để trẻ thấy ông bà thương con và bố mẹ rất tôn trọng ông bà”, nhà tâm lý chia sẻ với các bà mẹ trẻ.

Đôi khi, mâu thuẫn giữa người lớn không đơn giản chỉ vì cách dạy trẻ, mà còn vì sự bảo thủ, thành kiến của chính họ. “Nhiều bố mẹ chồng vì không thích nàng dâu, nên thấy hành động, lời nói nào của con dâu cũng sai trái, kể cả trong việc dạy trẻ, nên luôn tìm cớ chỉ trích. Tương tự, có những nàng dâu, vốn đã không ưa mẹ chồng, nên khi không đồng tình với cách bà dạy cháu, thì càng khó chịu và thể hiện sự chống đối”

Các bậc ông bà cũng không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của con cái, trong đó có việc chăm sóc, giáo dục thế hệ sau, mà chỉ nên giữ vai trò là người cố vấn, góp ý.