Tôi phải làm lại từ đầu, trong khi nhiều bạn bè ở quê đã có cơ sở làm ăn, có gia đình, có con, trông rất hạnh phúc.
Những ngày dịch giã, với việc nhiều người rời thành phố về quê tránh dịch, tôi thấy có một số ý kiến cho rằng thanh niên, người trẻ nên nghiêm túc xem xét việc về quê lập nghiệp.
Ý kiến này không hẳn là vô lý, theo những lập luận mà họ đưa ra như sau: Nếu tìm được một việc ở quê hoặc chịu khó canh tác làm nông, trồng rau nuôi gà gì đó mà mỗi tháng kiếm được 1/2 hay 1/3 thu nhập so với lúc ở thành phố thì quá “ngon lành” rồi.
Bởi thu nhập giảm nhưng chi tiêu cũng giảm: không tốn tiền trọ, thực phẩm quê cũng rẻ hơn so với phố, không áp lực chuyện mua nhà, người thu nhập khiêm tốn thì phải tiết kiệm và hy sinh thú vui cá nhân thì mới mua được một căn hộ bé bé, xinh xinh…
Nhưng sự thật, với một người quen nếp sống thành thị, khi dọn về quê ở hẳn thì có bị sốc gì không? Tôi xin đáp rằng sẽ bị sốc và còn sốc nhiều điều hơn nữa. Ngày cầm tờ đơn nghỉ việc do bản thân bị stress áp lực công việc tôi đã về quê sống tạm vài tháng để tìm cơ hội. Nhưng rồi ngay từ tháng thứ hai, tôi đã bật laptop lên, tìm tin tuyển dụng và nộp CV vào để bắt đầu trở lại phố. Sau quãng thời gian gần 10 năm học hành và làm việc liên tục tại thành phố, tôi nhận ra mình không còn phù hợp với lối sống ở quê nữa.
Rào cản thứ nhất mà người bỏ phố về quê đối mặt và những câu hỏi chất vấn từ gia đình và họ hàng. Phản ứng đầu tiên của gia đình sẽ là bất ngờ và có một chút thất vọng, vì tiền của và thời gian đầu tư với hy vọng làm nên trò trống gì đó ở phố đã bị dập tắt. Họ hàng cũng chung thắc mắc và sẽ so sánh với con nhà bà này lên phố, mỗi lần về thăm nhà bằng ôtô, quà cáp đì đùng, mỗi lần về là mỗi lần thấy giàu ra…
Nhưng điều làm tôi bất ngờ là khi so sánh với bạn bè cùng trang lứa không lên thành phố học hành, làm việc, tôi lại thấy mình lạc lõng ngay khi so với họ. Chỉ số ít trong đó sống bấp bênh vì cá độ, đua xe như nhiều người vẫn nghĩ thôi. Còn số còn lại không hề “chậm tiến” như nhiều người lầm tưởng.
Hầu hết đều có nhà cửa, có cơ sở làm ăn, có gia đình, có con, trông rất hạnh phúc. Với một người sống ở phố chục năm rồi về quê, bạn phải bắt đầu lại từ đầu. Và trong cuộc maraton đó, bạn bè ở quê đã đi một nửa đường, trong khi bạn chỉ mới ở vạch bắt đầu. Điều này lại càng thêm stress và kế hoạch về quê sống chậm, có gì ăn nấy sẽ phá sản.
Lúc ấy tôi lại bắt đầu nhớ tới guồng sống nhanh, vội vã khi ở thành phố. Nhớ những lúc kẹt xe trễ giờ làm, nhớ những cuộc họp cãi vã căng thẳng, nhưng cũng nhớ những buổi chiều tụ họp bạn bè, đồng nghiệp đi ăn uống… Và tôi lại dứt áo ra đi, lên lại thành phố sau vài tháng thử nghiệm sống chậm ở quê.
Một số người bạn thân của tôi cũng có ý định về quê sống nhưng rồi cũng thất bại. Bởi nguyên nhân là một khi đã chán cuộc sống ở phố, bỏ về quê thì chỉ có việc uống trà, đọc sách qua ngày. Và điều này chỉ hợp với những người đã kiếm được nhiều tiền, họ đủ giàu để không nghĩ đến tiền bạc nữa.
Còn với người mong muốn về quê vừa sống chậm, vừa lập nghiệp kiếm tiền lại từ đầu thì đó là việc không hề dễ dàng nếu không muốn nói là không tưởng.
- Lào Cai: Mô hình nuôi cá nước lạnh ở Mường Bo mang đến nhiều tiềm năng mới cho bà con
- Nghịch lý: Những người đi bộ, đi xe đạp thì tới gửi tiền còn những người đi ô tô lại đến ngân hàng để vay tiền
- Cách nhanh nhất để "hủy hoại" tương lai một đứa trẻ: Cha mẹ nhất định phải tránh!
- Quảng Ninh: Kỹ sư trẻ bỏ Thủ đô về làng nuôi gà tiền tỉ, làm giàu trên quê hương
- Vì sao giới nhà giàu không ngại xuống tiền để sở hữu loài gà được mệnh danh “vua của các loài gà”?