Đất quê tăng giá vùn vụt, nhiều nhà đầu tư bỏ tiền tỷ ra mua nhưng nhận cái kết đắng.

Chôn vốn tỷ đồng

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, vợ chồng anh Trần Mạnh Thắng (Thanh Xuân, Hà Nội) thường về quê ngoại ở Ba Vì. Thời điểm đó, mặc dù dịch Covid-19 nhưng giá nhà đất tại Ba Vì tăng rất mạnh. Anh Thắng cũng không ngờ giá đất tại đây lại tăng cao như vậy. Chỉ cách đó 1-2 năm, giá mỗi sào đất chỉ khoảng 300-400 triệu đồng. Nhưng năm ngoái, mỗi sào đất có sổ đỏ lên tới hàng tỷ đồng, tăng gấp 2-3 lần.

Thấy giá đất quê tăng mạnh, vợ chồng anh Thắng tiếc hùi hụi vì ngay quê mình mà không có cơ hội nào đầu tư. “Cách đây mấy năm, đất Ba Vì khá rẻ, tôi cũng không nghĩ, giá đất lại sốt như vậy”, anh Thắng nói.

Sau khi thấy đất xung quanh tăng nóng, anh Thắng bàn với vợ bán căn hộ tại quận Thanh Xuân đang cho thuê, dồn thêm tiền để đầu tư đất Ba Vì. Anh Thắng nhận định, xu hướng mua nhà nghỉ dưỡng tăng mạnh nên vẫn còn cơ hội để đầu tư, kiếm lời.

Tổng số tiền từ bán căn hộ và vay mượn thêm, anh Thắng mua mảnh đất 1.000m2 tại khu vực Ba Vì với giá 3 tỷ đồng. Mảnh đất khá vuông vắn, ngay mặt đường làng. Anh kỳ vọng, giá đất tăng và đẩy đi trong vòng 2-3 tháng.

Cuối tháng 3, Hà Nội dừng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp khiến cho thị trường nhà đất ven đô chững lại. Nhiều khu vực như Ba Vì, số lượng giao dịch giảm hẳn. Hiện tượng nhà đầu tư đổ xô đi mua đất không còn nhiều. Anh Thắng lo lắng khi lô đất sau khi mua không có khách hỏi. Hơn 3 tháng nay, anh liên tục rao bán khắp nơi, nhờ môi giới tại đây cũng chưa thành công.

“Nếu không bán được, nhiều khả năng cao tôi phải chôn vốn 3 tỷ đồng ở đây một thời gian dài”, anh Thắng lo lắng.

Tương tự, anh Ngô Văn Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) đang rao bán hơn 1.500m2 đất tại Hòa Bình với giá 4,6 tỷ đồng. Đầu năm 2021, sau khi đi xem đất tại một số khu vực ven Hà Nội, anh Hoàng nhận thấy tiềm năng của đất nông thôn do nhu cầu nghỉ dưỡng tăng cao.

Anh Hoàng bàn với gia đình bán mảnh đất 100m2 tại dự án ở quận Hà Đông với giá 4 tỷ để đầu tư đất Hòa Bình. Theo tính toán, thị trường đất ven đô đang sốt, nếu vào đúng nhịp, anh Hoàng có thể lãi cả tỷ đồng trong thời gian ngắn.

Anh dự tính, sau khi mua lô đất lớn này sẽ chia nhỏ, tách sổ bán lại cho các nhà đầu tư khác. Lợi nhuận thu về trong 1 năm khoảng 1-2 tỷ đồng.

Nhiều tháng trôi qua, mảnh đất vẫn đang “nằm im” không bán được. Nguyên nhân do mảnh đất diện tích lớn, số tiền bỏ ra khá cao và việc tách thửa không còn thuận lợi như trước.


Hối hận vì bán nhà phố

Trong khi chôn vốn hàng tỷ đồng ở đất nông thôn, anh Thắng và anh Hoàng còn tiếc hùi hụi vì giá nhà phố tăng. Đơn cử như căn hộ của anh Thắng bán cách đây 1 năm giá khoảng 2,6 tỷ đồng thì nay đã tăng lên khoảng 3 tỷ đồng. Như vậy, anh Thắng đã lỗ hơn 400 triệu đồng từ bán căn hộ này.

Tương tự, mảnh đất 100m2 tại dự án ở quận Hà Đông của anh Hoàng cũng có mức tăng mạnh. Thời điểm anh Hoàng bán mảnh đất đó được 4 tỷ đồng thì nay giá đã tăng thêm khoảng 1 tỷ đồng do nhu cầu tại khu vực này tăng mạnh.

“Biết thế tôi để lại mảnh đất ở Hà Đông, dù sao đất ở khu vực này vẫn gần trung tâm. Nhu cầu cao nên muốn bán lúc nào cũng được”, anh Hoàng chia sẻ.

Theo khảo sát, nhiều khu vực ven đô Hà Nội, thị trường nhà đất có dấu hiệu giảm mạnh khi giá bị đẩy lên cao và nhu cầu ở thực không nhiều. Phần lớn các nhà đầu tư mua đi bán lại, nhằm hưởng chênh lệch.

Sau khi Hà Nội siết phân lô bán nền, không chuyển đổi đất nông nghiệp, thị trường đất nông thôn ngay lập tức sụt giảm. Không ít nhà đầu tư tay to ôm đất nông nghiệp chưa kịp phân tách đã mắc kẹt hàng chục tỷ đồng.

Theo thống kê của một trang bất động sản, đất nền một số khu vực từng là tâm điểm các cơn “sốt nóng” như Thạch Thất, Quốc Oai,… đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số người tìm kiếm, quan tâm. Trong khi đó, mặt bằng giá rao bán vẫn tiếp tục leo thang. Nhiều nhà đầu tư tay ngang đang “đứng ngồi không yên” vì không rút được vốn để chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.

Ông Trần Văn Nam, một nhà đầu tư bất động sản Hòa Lạc cho hay, nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, lướt sóng lâm vào tình thế mắc cạn do không có khả năng đánh giá tình hình. Với những trường hợp không đủ tài chính để đi đường dài có thể gặp khó khăn. Nếu không kịp “thoát” hàng, càng nắm giữ tài sản, áp lực tài chính càng lớn.

Theo ông Nam, nhiều đại gia lớn sau khi mua đất nông thôn họ còn phải bỏ ra khoản tiền lớn để thực hiện tách thửa, đẩy giá, tạo sóng để thị trường sôi động, tạo thanh khoản. Còn các nhà đầu tư cá nhân sẽ gặp khó, buộc phải cắt lỗ nếu áp lực tài chính.

“Nhiều cá nhân chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà không lường trước để đối phó với những khó khăn, rủi ro. Sau những chu kỳ tăng nóng, thị trường sẽ trầm lắng. Nhà đầu tư vào không đúng thời điểm sẽ dính lỗ nặng hoặc bị chôn vốn hàng năm có khi cả chục năm”, ông Nam nói.

Nhà đầu tư cá nhân cần hết sức cẩn trọng để tránh dính “bẫy” của nhóm đầu cơ , môi giới. Đồng thời, cần tham khảo thêm thông tin chính thức từ các cơ quan sở ngành địa phương về nguồn vốn, tiến độ… và hết sức cẩn trọng khi đầu tư theo cơ sở hạ tầng.