Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
126 lượt xem

Học phí tăng vọt, càng thêm chạnh lòng câu nói "học đại học ra làm công nhân"

“Học xong về làm công nhân, học cho nhiều rồi cũng như không”, nghe mà buồn thật sự.

Hôm trước đọc được câu chuyện học phí đại học tăng vọt, nhưng ra trường lương bèo bọt 4, 5 triệu đồng, cũng chẳng mấy ngạc nhiên. Thật ra đến nay, chuyện cũng không còn tính là mới nữa vì việc tăng học phí đã được nhắc đến từ lâu rồi.

Nhưng xót xa nhất là cứ hễ có bài chia sẻ liên quan chuyện tăng học phí, ngay lập tức sẽ có những bình luận kiểu “học đại học ra cũng làm công nhân”. Càng có nhiều lời ra tiếng vào thế này, càng dễ khiến các em học sinh lung lay, đắn đo khi đăng ký nguyện vọng đại học. Ước mơ nhiều khi không theo nổi cơm áo gạo tiền.

Ngày xưa, vào đại học là ước mơ của biết bao người. Nay nhắc đến học đại học thì ôi thôi, toàn kiểu học chi mang bằng về cất xó, học rồi cũng ra làm tài xế công nghệ, công nhân. Đọc những bình luận trên mạng, tự nhiên thấy đại học trở thành một con đường chông chênh vô cùng.

Đặc biệt nếu con học giỏi, đậu vào trường mức học phí đại học cao như trường Y chẳng hạn, thì thật sự quá sức với cha mẹ làm công ăn lương bình thường. Em có tìm hiểu thông tin trên Tuổi Trẻ, xếp vào top học phí rất cao phải kể đến ngành răng hàm mặt của khoa Y, ĐHQG TPHCM.

Ngành này 2022 thu 96,8 triệu đồng/năm, sang 2023 là 106.480.000 đồng/năm. Có phụ huynh nhẩm tính lương tháng 8,6 triệu, gom góp 1 năm còn chưa chắc đủ tiền đóng học phí đại học Y cho con. Vậy lỡ con học ra trường nếu lương thấp thật thì có phải phí hoài mồ hôi nước mắt mẹ cha hay không.

Lo lắng này của phụ huynh đâu phải là lo khơi khơi đâu. Em xem trên Thanh Niên, có trường hợp một người tốt nghiệp cử nhân ra đi làm lương thấp, cuối cùng bỏ việc chạy xe ôm công nghệ.

Hay như N.H.A, học ngành bác sĩ đa khoa một trường đại học ở TPHCM, tốt nghiệp năm 2018. Lúc đó xin về làm ở bệnh viện công của tỉnh, mức lương gần 5 triệu. H.A. chia sẻ thực tế làm ở bệnh viện công mức lương của người mới ra trường rất thấp. Không đủ trang trải sinh hoạt hàng tháng.

Em họ của H.A cũng đang theo học bác sĩ đa khoa, tháng đóng gần 7 triệu học phí. Cộng thêm nhiều chi phí khác, tính ra hết 6 năm học, số tiền cha mẹ lo cho con phải hơn 400 triệu đồng.

Không chỉ ngành Y, cử nhân ngành luật cũng có người chán vì lương không như mơ. Tốt nghiệp năm 2020, thử việc ở văn phòng công chứng gần nhà, khởi điểm chỉ gần 4 triệu. Người này kể nhiều bạn bè đã không trụ nổi hoặc thất nghiệp. Cuối cùng ra làm xe ôm công nghệ mà mỗi tháng được chục triệu, khiến người làm đúng ngành học cảm thấy nản.

Có người bảo sao cứ phải lựa mấy ngành học tốn kém làm gì, cứ lựa cái ngành ít tốn kém như sư phạm hay học nghề đi. Nhưng thử đặt vào trường hợp các em xem, học giỏi, muốn làm bác sĩ mà kêu đi học nghề thì có phải phí hoài tài năng không.

Cũng có ý kiến cho rằng các em có thể vừa đi học vừa làm thêm để trang trải học phí. Nhưng những người từng trải sẽ hiểu khó khăn. Phải đủ nghị lực mới có thể theo học đến cùng. Còn không, sẽ có thể vì đi làm thêm mà ảnh hưởng việc học, nợ môn, ra trường chậm hoặc chán quá nghỉ ngang dở dang mọi dự định. Bởi đi làm thêm, khá lắm cũng chỉ lo được sinh hoạt phí của cá nhân, làm sao đủ để lo học phí. Chưa kể, tiền học nào đã phải tất cả. Có những ngành học phải sắm giáo trình, học cụ với mức giá đắt đỏ.

Cha mẹ khuyên con đừng học nữa thì không nỡ, bởi làm vậy con phải chịu thiệt thòi với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng để con học đại học mà sức cha mẹ làm không ra tiền thì không biết phải làm sao xoay sở. Rồi nhiều bố mẹ, vì thắt lưng buộc bụng, ăn uống kham khổ, thậm chí đi vay cho con học đại học mà hay con ra trường lương chỉ cầm 5-6 triệu còi cọc mỗi tháng lại xót công, xót của mà quay ra trách cứ, so sánh với con nhà này, nhà nọ. Gánh nặng nuôi một đứa con học đại học với bài toán học phí tăng giữa trăm thứ tiền vẫn rất nan giải với những gia đình không có điều kiện.

Bài viết cùng chủ đề: