Cùng với trào lưu bỏ phố về rừng, làn sóng cùng rủ nhau lập làng sinh thái, cùng mua chung đất, xây nhà, tận hưởng không gian sống mộng mơ giữa núi rừng bắt đầu nở rộ. Thế nhưng, thực tế, không ít gia chủ đã rơi vào tình cảnh “tiền tất tật mang” vì tham gia vào phong trào lập làng sinh thái.
Gần đây, xu hướng “bỏ phố về quê”, rủ nhau mua đất làm homestay, farmstay nở rộ khắp nơi, đặc biết trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Trên nhiều diễn đàn, làn sóng rủ nhau lập làng sinh thái cũng bắt đầu nở rộ và thu hút được sự tham gia của không ít người.
Thế nhưng, theo nhiều người trong cuộc chia sẻ, phong trào rủ nhau lập làng sinh thái không hề dễ dàng.
Làn sóng rủ nhau lập làng sinh thái nở rộ.
Anh Trần Hiếu, một nhà đầu tư nhận định, nhu cầu nhà vườn, trang trại nghỉ dưỡng đã tăng đột biến sau 2 mùa Covid-19. “Một trong xu hướng điển hình nhất của trào lưu này đó là rất nhiều nhiều kêu gọi rủ nhau mua đất chung, góp vốn chung để cùng làm nhà, trồng cây. Thế nhưng, giả sử đúng nghĩa lập làng thật thì cũng khó làm được. Vì toàn những người xa lạ, bỗng đến chung một mảnh đất rất khó để thỏa thuận. Chưa kể, các vấn đề rắc rối về thủ tục giấy tờ pháp lý không phải là vấn đề dễ giải quyết”.
Anh L.M.T tiết lộ, anh cũng từng có ý định mua đất, lập làng sinh thái với nhiều người chung ý tưởng. Tuy nhiên, sau những lần trải nghiệm tham gia vào nhóm lập làng, anh mới nhận ra: người đứng ra kêu gọi lập làng đều với mục đích huy động vốn.
“Họ đưa ra dự án để huy động động vốn. Để lập làng, mỗi người góp 5 triệu đồng. Vấn đề là dự án chưa thực hiện mà đã lập dự án mới. Đất thì vẫn còn nằm trên ý tưởng mà không hề có sự triển khai thi công như thế nào. Nếu như mỗi người 5 triệu, khoảng 100 người như vậy thì họ có thể kiếm khoản lời tới 500 triệu đồng cho mỗi nhóm kêu gọi lập làng sinh thái. Với mức phí mất 5 triệu, rất khó để đi kiện cáo”, anh T kể.
Anh L.M.T cũng chia sẻ thêm, một số người tham gia nhóm này vì mong muốn được tham gia làng sinh thái đã chuyển tiền mà không cần giấy tờ xác nhận. Ngay cả trường hợp có giấy tờ xác nhận thì việc đòi lại tiền không hề dễ dàng.
Kêu gọi lập làng sinh thái có thể là chiêu trò của nhiều môi giới.
“Có nhóm tôi tham gia, họ còn kêu gọi góp vốn từ 300-500 triệu đồng. Nhưng vì chung đất nên giấy tờ đều viết tay, không thể đứng chung sổ. Trường hợp này càng rủi ro vì số tiền góp vốn lớn nhưng kiểm soát thi công, nhận nhà ở như thế nào rất khó. Tôi thấy kêu gọi lập làng chủ yếu là góp vốn, “bán khống”, anh T. chia sẻ.
Chia sẻ về trào lưu lập làng sinh thái, chị Nguyễn Q. (Hà Nội) cho biết, hiện tại, nơi chị ở đang có rất nhiều gia đình từ thành thị đến ở. “Ngôi làng nhỏ của chúng tôi là những hộ gia đình đến từ Hà Nội về nơi đây xây nhà. Mỗi gia đình chúng tôi đều có từ 1000-2000m2 đất riêng, quây quần lại, sát gần nhau. Cần gì thì đều có thể sang nhờ hàng xóm. Cuộc sống ở phố rừng có hàng xóm thấy rất vui.
Thế nhưng, tôi nghĩ nếu lập làng theo nghĩa cùng chung đất, chung chi phí xây dựng sẽ không hề đơn giản. Đó bản chất là mối QH hợp tác. Mỗi người mỗi ý khiến việc xây dựng đã không hề dễ dàng. Nếu sau này ở cùng nhau thì còn phát sinh nhiều vấn đề, nhất là việc bán lại càng khó”.
Đúng như những lời chia sẻ của người trong cuộc, cùng nhau lập làng sinh thái không phải là chỉ đơn giản là bỏ ra vài triệu hay đến hàng trăm triệu là đã có thể tận hưởng cuộc sống giữa thiên nhiên màu hồng. Bởi đó có thể là “chiêu trò” của những môi giới hay nhà đầu tư đang muốn “bán khống” hay góp vốn. Ngay kể cả, những người muốn lập làng sinh thái thực sự thì các vấn đề phát sinh như sở hữu hay tài chính là điều cần phải xác định rõ ràng khi tham gia. Nếu không, làng sinh thái chưa kịp hình thành để tận hưởng thì người tham gia đã mất tiền oan.