Công an Q. Hoàng Mai đang phối hợp cùng Công an P.Định Công xác minh, điều tra vụ việc 6 chiếc ô tô bị tạt sơn đỏ quanh xe.
Thông tin ban đầu, sự việc xảy ra khi những chiếc ô tô nêu trên đậu tại khu dân cư trên phố Trần Điền (P.Định Công, Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Và đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng xe ô tô bị tạt sơn.
Hồi năm 2021, nhiều chiếc xe ô tô của cư dân sinh sống tại khu đô thị Trung Văn (P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm) cũng bị tạt sơn khi đậu ở khu vực đường nội bộ. Tương tự, cũng trong khoảng thời gian trên, hàng chục chiếc xe ô tô của người dân tại khu TT19 (P.Phúc La, Q.Hà Đông) đậu trước cửa nhà bị đối tượng lạ phun sơn, gây thiệt hại về tài sản.
Hành vi tạt sơn lên xe ô tô không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho chủ xe, mà còn gây bức xúc, lo lắng cho người dân về tình hình an ninh trật tự. Vậy, hành vi này có thể bị xử lý như thế nào?
Có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí hình sự
Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, nhận định việc tạt sơn lên xe ô tô của người khác có dấu hiệu của hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 15 Nghị định 144/2021, hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng.
Trường hợp giá trị tài sản bị hủy hoại đủ để cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, theo quy định tại điều 178 bộ luật Hình sự.
Trong đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: đã vi phạm xử phạt hành chính mà còn vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự…, thì bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.