Giống cá ngoại nhập từ châu Âu chất lượng cao, lớn nhanh nhưng khó thích nghi với điều kiện Việt Nam đã được một lão nông ở Hải Dương thuần hóa nhờ biệt tài lai tạo các giống cá với nhau. Tạo ra loại cá tốc độ lớn nhanh, ngoại hình đẹp như thân dài, đầu nhỏ vừa phải, màu vàng óng, chất lượng thịt thơm ngon khách đặt giống tới tấp.

Là người chuyên nuôi cá ở địa phương, ông Phạm Văn Quất (ở thôn Bằng Bộ, xã Cao Thắng, Thanh Miện) thường xuyên cung ứng cá chép giống ra thị trường. Tuy nhiên từ trước năm 2017, ông chủ yếu nuôi các loại cá nội địa lai tạo với nhau.

Thời điểm đó, trại nuôi cá giống của ông có tổng diện tích mặt nước nhân nuôi cá giống ở đây là 7,5ha, bao gồm 39 ao nuôi chuyên biệt, trong đó có 10 ao nuôi cá bố mẹ các loại, 10 lồng máy ấp trứng cá. Mỗi năm thu về lợi nhuận 1,5 tỷ đồng.

Toàn bộ bờ ao, thành ao đều được kè cứng bằng bê tông tới sát đáy. Nhiều loại máy bơm nước, máy phát điện dự phòng, lưới cụ và xe ô tô vận tải… Sẵn sàng cho chuyên chở cá giống đến mọi nơi, mọi lúc theo yêu cầu khách hàng. Tuy có lợi thế là thích nghi tốt với môi trường sống nhưng cá chép nội thân nhỏ, chậm lớn, hiệu quả nuôi thương phẩm không cao.

Với mong muốn có được một giống cá lớn nhanh, trọng lượng cao, thịt thơm ngon nên ông tìm đọc nhiều tài liệu trong nước và nước ngoài. Sau một thời gian thử nghiệm, thấy cá chép của Hungari, Cộng hòa Séc, Indonesia… có khả năng đáp ứng được tiêu chí mà mình đặt ra, ông đã làm các thủ tục và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép cho nhập khẩu 4.000 con cá.

Khi nhập cá từ Cộng hòa Séc về, khó khăn lớn nhất ông Quất phải đối mặt là sự khác biệt về thời tiết. Cá ở nước này quen sống trong môi trường lạnh, còn nước ta khí hậu nắng nóng, không phù hợp. Để cá thích nghi môi trường sống mới, ông Quất đã cho cá vào bể hạ nhiệt (tạo môi trường lạnh), sau đó nâng dần nhiệt độ lên và sau 24 giờ thì thả cá ra môi trường sống tự nhiên.

Cá nuôi tại ao được 1 năm ông Quất mới thực hiện các biện pháp cho cá sinh sản. Ông lựa chọn những con khỏe mạnh, cân đối, màu sắc đẹp, sử dụng 2 giống cá bố mẹ khác nhau để cá con không bị dị ᴛật.

Bằng những tìm tòi, thử nghiệm, ông Quất đã dụng thành công 2 phương pháp lai tạo ra cá chép. Phương pháp 1 là lai tạo cá chép đực Cộng hòa Séc lai với con cái giống chép Indonesia tạo ra con lai F1 nuôi thương phẩm. Phương pháp 2 là con đực giống chép Hungary lai với con cái giống chép Cộng hòa Séc tạo ra con lai F1 sau đó chọn con đực F1 nói trên lai với con cái giống chép Indonesia tạo ra con lai F2 có 3 máu, dùng con F2 này để nuôi thương phẩm.

Ông Quất sử dụng phương pháp nhân tạo để sản xuất con giống. Trứng của cá cái sau khi được thụ tinh sẽ được đưa vào bình ấp và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để cá nở nhanh hay chậm theo ý muốn.

So với nuôi những loại cá khác, nuôi cá chép lai sinh sản khó hơn nhiều khi chúng cần có chế độ chăm sóc riêng về thức ăn cũng như điều chỉnh nhiệt độ, sục khí. Ông Quất có 2.000 con cá bố mẹ đang cho khai thác và hơn 100 con cá ông bà. Mỗi năm, ông cung cấp ra thị trường từ 150-200 triệu con cá bột, tiêu thụ tại 36 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giống cá chép lai độc đáo của ông Quất cup cấp cho các hộ nuôi cá trên cả nước từ 5 năm nay và luôn được ưa chuộng, đánh giá cao. Trước đây, anh Nguyễn Đình Toản (ở xã Quang Phục, Tứ Kỳ) nuôi cá chép lai giống V1 nhưng đợt này đã thay bằng nuôi 50 vạn cá chép lai lấy giống từ trang trại của ông Quất.

“Mới nuôi được một thời gian ngắn nhưng tôi thấy cá lớn khá nhanh, màu sáng, tỷ lệ sống cao”, anh Toản cho biết.

Cũng nhập cá chép lai từ trang trại của ông Quất hơn 4 năm nay, anh Vũ Đình Linh (ở xã Đa Lộc, huyện Phù Cừ, Hưng Yên) đánh giá đây là giống cá chép có chất lượng cao hơn những loại cá anh đã nuôi trước đây. Đối với loại cá này, nếu nuôi đúng kỹ thuật, sau 8 tháng có thể đạt từ 1,5-2 kg/con, thu lãi từ 10.000-13.000 đồng/con, cao hơn từ 4.000-5.000 đồng/con so với những loại cá đã nuôi trước đây.

Anh Linh cho biết: “Cá màu sắc đẹp, trọng lượng lớn và thịt cá thơm ngon hơn, người tiêu dùng rất ưa thích”.

Với những thành công trong việc lai tạo cá chép, thời gian tới, ông Quất tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất cá chép giống để người nuôi thủy sản có thêm lựa chọn về giống mới chất lượng cao. Lợi nhuận thu được qua các năm được ông Quất tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Hiện nay, toàn bộ diện tích ao nuôi được bê tông kiên cố hóa, trang bị hệ thống bể cá đẻ, thiết bị ấp nở trứng giống, đầu tư nhập giống bố mẹ.. với tổng số vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng.