Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
1206 lượt xem

Hải Dương: Lão nông nuôi nghìn đôi bồ câu, cho ăn 20 thảo dược quý, lãi đều mỗi năm gần nửa tỷ

Chim bồ câu mà gia đình anh Bình đang nuôi là loại bồ câu Pháp. Đây là giống chim khá dễ nuôi, ít bị bệnh tật và trọng lượng lớn nên cho hiệu quả kinh tế cao

7 năm làm việc bên Đài Loan, một nông dân ở Hải Dương đã học được bí quyết nuôi bồ câu bằng thảo dược. Anh trở về quê và áp dụng bí quyết để có đàn bồ câu khỏe mạnh, chất lượng tuyệt hảo thu về gần nửa tỷ đồng mỗi năm. Anh còn thành lập Hợp tác xã để hỗ trợ và liên kết phát triển nghề nuôi chim bồ câu.

Bồ câu được bồi bổ bằng thực đơn 20 vị thảo dược

Chủ trại nuôi chim bồ cầu bằng thảo dược là anh Nguyễn Văn Bình (SN 1975 tại xã Hà Kỳ , huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Sau thời gian làm việc bên Đài Loan, anh Bình đã học được bí quyết nuôi bồ câu bằng thảo dược.

Năm 2018, sau khi về nước, anh Bình đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống máng ăn uống tự động, hệ thống làm mát một cách bài bản. Ban đầu, anh chỉ mua hơn 100 cặp chim bồ câu Pháp dòng bố mẹ về nuôi. Sau đó, thấy hiệu quả, anh nhân giống dần lên. Hiện gia đình anh có trên 1.000 cặp. Cứ 1 tạ cám anh Bình trộn từ 0,5-2 kg thảo dược cho chim bồ câu ăn quanh năm. Nguyên liệu chính của cám là ngô, mạch, cám gạo, đậu tương trộn với men tiêu hóa. Thảo dược gồm 20 vị như đinh lăng, tỏi, cam thảo… Các loại thảo dược được pha chế theo công thức riêng cho từng mùa để tăng sức đề kháng tự nhiên cho chim bồ câu.

Do quy trình nuôi đảm bảo sạch hoàn toàn, khép kín nên “Chim bồ câu nhà tôi cả năm gần như không phải dùng đến kháng sinh. Các loại thảo dược được điều tiết theo từng mùa để tăng sức đề kháng cho chim bồ câu. Chính vì thế mà thịt chim rất thơm ngon, an toàn, không bị dư lượng thuốc kháng sinh”, anh Bình phấn khởi cho hay.

Thấy gia đình anh Bình nuôi hiệu quả nên một số hộ trong huyện đã liên kết cùng làm và tháng 6.2021 đã thành lập HTX Chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát với 7 hộ thành viên. Mỗi hộ đều có hợp đồng cam kết, có mã số riêng, nếu không tuân thủ tiêu chuẩn của HTX đề ra, để xảy ra sự cố thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Bình quân mỗi hộ trong HTX nuôi khoảng 1.000 cặp, hộ nuôi nhiều nhất là anh Phạm Văn Xá (ở xã Đại Hợp, Tứ Kỳ) với hơn 2.000 cặp. Đến nay, tổng số chim bồ câu của HTX lên đến trên 10.000 cặp.

Do quy trình nuôi khép kín, bổ sung thảo dược trong quá trình nuôi nên chim bồ câu ở đây chắc thịt, thơm ngon, an toàn, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều lần so với chim nuôi thông thường nên được thị trường ưa chuộng. Mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 400 con, phân phối chủ yếu cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở Hà Nội. Chim thương phẩm sau khi được làm sạch sẽ sấy cho hết nước, sau đó hút chân không và đóng gói, dán tem mác, cấp đông ở âm 26 độ C nhằm giữ được dinh dưỡng, tiện lợi và an toàn khi vận chuyển đi xa.

Anh Bình cho biết, hiện tại, HTX không đủ sản phẩm để cung cấp cho khách hàng. Trung bình với 1.000 cặp chim bố mẹ, sau khi trừ chi phí mỗi tháng sẽ thu lãi khoảng 30 đến 40 triệu đồng, mỗi năm tầm 500 triệu đồng.

Bí quyết nuôi bồ câu bằng thảo dược chi phí thấp

Chim bồ câu mà gia đình anh Bình đang nuôi là loại bồ câu Pháp. Đây là giống chim khá dễ nuôi, ít bị bệnh tật và trọng lượng lớn nên cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, quy trình chăn nuôi chim bồ câu hữu cơ cũng hết sức chặt chẽ, công phu từ nguồn thực phẩm, nguồn nước uống cho đến nhiệt độ chuồng trại…

Với công thức, cứ 1 tạ cám anh Bình trộn khoảng 5 lạng thảo dược cho chim bồ câu ăn quanh năm. Cám được sản xuất từ ngô, mạch, cám gạo trộn với men tiêu hóa…. Thảo dược gồm các loại lá, rễ cây như đinh lăng, xạ đen, cam thảo, hồng ngọc, tỏi… Các loại thảo dược được điều tiết theo từng mùa cho phù hợp để tăng sức đề kháng tự nhiên cho chim bồ câu.

Để đảm bảo nhiệt độ phù hợp cho chuồng trại, anh Bình không sử dụng điều hòa trong chuồng kín như nuôi một số loại gia cầm ngắn ngày mà anh bố trí máy cảm biến tự động vận hành tải nước trên mái chuồng. Cứ nhiệt độ trên 35 độ C là máy tự phun nước làm mát chuồng trại.

“Tôi cho rằng có không khí tự nhiên thì con chim mới khỏe. Dự kiến mỗi con chim bồ câu khai thác tới 7 đến 10 năm nên bắt buộc chim phải thích nghi với môi trường tự nhiên sẽ tốt hơn”, anh Bình cho biết thêm.

Nguồn nước uống cho chim cũng được anh Bình rất chú trọng. Trước kia, khi chưa có kinh nghiệm, anh nghĩ nước máy là sạch nên cho chim uống, nhưng sau đó chim hay bị hen vì trong nước máy có chất clo.

Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi anh đã tìm được giải pháp hiệu quả bằng cách ngăn ao sau đó thả bèo, dùng chế phẩm sinh học để xử lý rồi thả bã mía xuống để nước trong sạch. Không chỉ có thế, anh Bình còn dùng 2 quả lọc bằng đá thạch anh và than hoạt tính trước khi nước được đưa vào cho chim uống.

Anh Bình chú trọng xây dựng hệ thống lọc nước khép kín. Nước được dẫn từ ao vào bể chứa cho chế phẩm sinh học và thả thủy sinh để xử lý, sau đó lọc thô bằng than hoạt tính và đá thạch anh, đưa lên bồn chứa lọc tinh rồi mới cho chim uống.

Quy trình nuôi chim bồ câu hữu cơ chặt chẽ, công phu từ nguồn thực phẩm, nước uống cho đến nhiệt độ chuồng trại… nên chim bồ câu khỏe mạnh, ít bệnh tật, không phải dùng thuốc kháng sinh. Từ đó, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.

Sản phẩm chim bồ câu Pháp nuôi bằng thảo dược theo hướng hữu cơ đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP về an toàn trong chăn nuôi, mới đây đã được thẩm định, đánh giá là sản phẩm OCOP 3 sao. “Tới đây HTX Chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát sẽ xây dựng kênh riêng, đưa sản phẩm đến các hội chợ để quảng bá và nhân rộng mô hình nuôi chim bồ câu Pháp bằng thảo dược theo hướng hữu cơ này”, anh Bình khẳng định./.

 

Bài viết cùng chủ đề: