Hoạt động nghiệm thu mô hình nuôi cua thâm canh tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà được trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế, khả năng thích nghi của cua biển để từ đó có cơ sở nhân rộng.
Mô hình nuôi cua thâm canh của gia đình anh Nguyễn Danh Thông (ở thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) dự kiến thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha thả nuôi sau hơn 5 tháng.
Trước đó, mô hình nuôi cua thâm canh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh triển khai tại vùng nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh, với quy mô 01 ha tại hộ gia đình anh Nguyễn Danh Thông, thôn Xuân Tây. Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh Thông đã đầu tư gần 180 triệu đồng để cải tạo ao, chuyển đổi sang nuôi cua thương phẩm có sử dụng thức ăn công nghiệp. Khi tham gia mô hình, gia đình được hỗ trợ 50% giá trị cua giống, thức ăn và các loại vật tư khác theo quy định.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cua phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt hơn 65% dù thời tiết năm nay được đánh giá khá bất lợi cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nguồn nước mặn lấy vào khó khăn hơn. Anh Thông cho biết: So với nuôi cua sử dụng cá tạp như trước đây thì với thức ăn công nghiệp, gia đình không còn phải lo về việc tìm kiếm thức ăn hàng ngày, cua phát triển đồng đều và tỷ lệ sống cao, qua đó giảm được khá nhiều chi phí phát sinh.
Mô hình vừa cho nghiệm thu sau hơn 5 tháng nuôi, trọng lượng cua đạt bình quân mỗi con 0,3kg, ước tính sản lượng đạt hơn 1,9 tấn cua thương phẩm. Với giá cua thịt bán bình quân 250.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình sẽ mang lại lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
Mô hình nuôi cua thâm canh, sử dụng thức ăn công nghiệp được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, có khả năng thích nghi tốt trên vùng nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, trước đây nông dân trên địa bàn cũng nuôi cua nhưng thường sử dụng thức ăn tươi sống từ cá nhỏ, tôm nhỏ, điều này vừa mất thời gian tìm kiếm thức ăn, vừa gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nếu sơ chế, bảo quản thức ăn tươi sống không tốt còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Do đó, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng và chuyển giao cho bà con mô hình nuôi cua thâm canh có sử dụng thức ăn công nghiệp. Qua đó giúp bà con chủ động nguồn thức ăn, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi và hạn chế được dịch bệnh.
Về lâu dài, nuôi cua biển sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ giảm áp lực lên khai thác cá nhỏ ngoài tự nhiên, góp phần bảo vệ đa dạng sinh thái, đồng thời tạo ra sản lượng cua biển hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.