Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
98 lượt xem

Hà Tĩnh: Không đủ sống với lương công nhân, 9X về quê khởi nghiệp có thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng

Ra trường làm đúng chuyên môn thì lương chỉ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Không đủ sống nên hai vợ chồng lại rủ nhau về quê khởi nghiệp bằng đặc sản quê mình.

Anh Văn Đình Tiến (SN1996), trú tại xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, quê anh được coi là thủ phủ nuôi hươu sao của cả nước. Gia đình anh cũng có hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi hươu lấy lộc nhưng khi lớn lên, anh lại có mong muốn làm nghề khác.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng rồi đi làm đúng công việc chuyên môn, số tiền làm công ăn lương của hai vợ chồng không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình 3 người. Cùng lúc đó, nhận thấy tiềm năng phát triển của việc chăn nuôi và buôn bán nhung hươu của quê mình, anh bàn với vợ về quê, theo nghề truyền thống của quê hương là nuôi hươu và kinh doanh nhung hươu.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, anh cho biết, nhung hươu chính là sừng non của con hươu đực. Thông thường, vào mùa xuân, con hươu sẽ mọc sừng và mùa hè sẽ rụng đi, mùa xuân năm sau sẽ lại mọc thêm sừng mới. Sừng mới mềm, mặt ngoài phủ lông, bên trong chứa nhiều mạch máu, mô sụn gọi là nhung.

“Tôi nghĩ, nhung hươu được coi là một trong tứ đại danh dược trong y học cổ truyền, đó là “Sâm, Nhung, Quế, Phụ”. Trong khi đó, xã hội ngày càng phát triển, ngoài ăn ngon mặc đẹp, họ còn ưu tiên chăm sóc, bồi bổ sức khoẻ nên nhung hươu sẽ ngày càng có giá”, anh Tiến phân tích.

Anh Tiến nhớ lại: “Mới đầu tiền cóp nhặt được ít, vợ chồng tôi chỉ đủ vốn buôn những cặp nhung nhỏ nên thu nhập chỉ khoảng 5-10 triệu đồng/tháng. Số tiền đó không nhiều nhưng vợ tôi vừa có thời gian chăm sóc con cái, tôi cũng phụ giúp gia đình trong việc chăn nuôi hươu.”

Bằng sự nỗ lực và cố gắng của mình, lấy chữ tín làm đầu, anh Tiến đã có những đầu mối khách hàng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Dần dần, duyên buôn bán đến, góp ít thành nhiều, ngoài buôn bán nhung hươu nguyên cành tươi, khô, anh Tiến còn triển khai làm nhung hươu tán bột, nhung hươu ngâm rượu, cao hươu. Đặc biệt, anh còn triển khai mua và bán hươu giống, hươu bố mẹ kết hợp với nuôi hươu tại nhà.

Từ 2-3 con hươu ban đầu, nhà anh đã phát triển thêm đàn hươu lên đến cả chục con. Vừa nuôi hươu, tiêu thụ sản phẩm của nhà làm ra, anh Tiến còn thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Thu nhập từ đó cũng được cải thiện, thu về từ 30-50 triệu đồng/tháng.

Sau hơn 2 năm về quê khởi nghiệp, từ mức lương không đủ sống, vợ chồng anh Tiến đã tiết kiệm được tiền xây ngôi nhà 3 tầng, rộng hơn 100m2 với tổng chi phí 1,5 tỷ đồng.

Anh Tiến dự định sẽ mở rộng cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng về nhung hươu, mua sắm các thiết bị máy móc để chế biến các sản phẩm từ nhung hươu trong thời gian tới.

“Máy móc thì bao gồm máy cắt thái, máy xay nhuyễn, máy sấy khô, máy tán bột với chi phí dự kiến khoảng 200 triệu đồng”, anh Tiến phân tích.

Đối với gia đình anh, thu nhập của hai vợ chồng anh so với nhiều người là không nhiều nhưng với anh đó là cả một quá trình nỗ lực từng ngày của bản thân. Đồng thời, anh cho rằng, bất kì ai nếu biết tận dụng các lợi thế và thế mạnh sẵn có cũng có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

“Nếu vợ chồng tôi năm ấy không quyết định về quê, vẫn cố gắng bám trụ với công việc cũ thì hiện tại vẫn luôn trong tình trạng “ăn đong từng bữa”, thu không đủ chi chứ chưa nói đến chuyện làm giàu”, anh Tiến nói.

Bài viết cùng chủ đề: