Dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có tổng vốn đầu tư 5.600 tỷ đồng. Điểm cuối của dự án sẽ được kết nối với Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn có tổng mức đầu tư dự kiến 11.700 tỷ đồng.

Vào tháng 5 vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng thành phố Hà Nội đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Đường Vành đai 3,5 có chiều dài toàn tuyến 42 km, bắt đầu từ khu công nghiệp Quang Minh qua cầu Thượng Cát kéo dài đến cầu Ngọc Hồi và kết thúc tại điểm giao cắt với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên). Trong đó, tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có chiều dài 10,3 km trên tổng 42 km của dự án. Trong ảnh là điểm đầu của dự án.

Điểm đầu của dự án nằm tại đường Phúc La – Văn Phú (quận Hà Đông) và điểm cuối dự kiến tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (huyện Thanh Trì). Trong ảnh là điểm đầu của dự án.

Tổng vốn đầu tư của tuyến đường này hơn 5.600 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 – 2027. Khi hoàn thành, nó sẽ giúp tăng cường kết nối khu vực phía nam của Hà Nội. Hàng loạt khu đô thị như Thanh Hà, Mậu Lương, Tecco Garden sẽ được hưởng lợi.

Về quy mô, tuyến đường sẽ có 6 làn xe cơ giới đường chính, mặt cắt ngang từ 60 – 80 m, tốc độ thiết kế 80 km/h. Trên tuyến sẽ được bố trí 6 cây cầu bao gồm: Cầu sông Nhuệ, cầu Hòa Bình, cầu Tô Lịch, cầu vượt đường sắt, cầu vượt Quốc lộ 1A và cầu vượt nút giao cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Ngoài ra, tuyến dự án gồm có các nút giao chính như: Nút giao Văn Khê; nút giao đường trục phía Nam vượt đường sắt; nút giao đường sắt hiện hữu; nút giao Quốc lộ 1A và nút giao cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Trong ảnh là nút giao cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Ảnh từ báo cáo).

 


Về chi tiết quãng đường 10,3 km. Tuyến đường bắt đầu từ điểm giao với đường Phúc La – Văn Phú (quận Hà Đông), cắt qua đường trục phát triển phía Nam (cầu vượt đường sắt). Sau đó, tuyến đi song song với tuyến đường sắt hiện trạng, vượt qua sông Nhuệ, sông hòa Bình và giao cắt với tuyến đường sắt hiện trạng.

Tiếp tục, tuyến sẽ vượt qua sông Tô Lịch, giao cắt với Quốc lộ 1A cũ và đường sắt Bắc Nam. Cuối cùng, tuyến kết nối với đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (huyện Thanh Trì).

Cũng trong tháng 5 vừa qua, nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 dự án cầu Ngọc Hồi và đường dẫn đã được nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Điểm đặc biệt của dự án cầu Ngọc Hồi và đường dẫn là điểm đầu của dự án này sẽ kết nối với điểm cuối dự án đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ) như vừa nêu trên.

Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn có tổng mức đầu tư dự kiến 11.700 tỷ đồng, trong đó, trên địa phận Thành phố Hà Nội 8.960 tỷ đồng; địa phận tỉnh Hưng Yên 2.740 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, những tín hiệu tích cực mới về tuyến đường Vành đai 3,5 liên tục được xuất hiện. Tuyến đường Vành đai 3,5 vốn là tuyến đường nằm giữa Vành đai 3 và Vành đai 4. Đây là trục giao thông xuyên qua khu dân cư hiện trạng và các khu đô thị mới của các quận nội thành với khả năng tạo động lực lớn cho việc việc phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố Hà Nội.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh Trì và các địa phương khác sẽ góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân nói chung và các khu đô thị mới dọc theo tuyến đường 3,5 trên địa bàn nói riêng.