Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối khu vực phố cổ.
Tiến độ triển khai metro quá chậm
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội) vừa trình UBND TP Hà Nội Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.
Tại Tờ trình, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban MRB Hà Nội cho biết, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội mới bắt đầu xây dựng năm 2007, tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải, hạ tầng giao thông không bắt kịp tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay.
Tình trạng mất cân đối về thị phần vận tải giữa các phương thức đã dẫn đến nhiều hệ lụy như tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, chi phí vận tải lớn, ô nhiễm môi trường…
Đáng chú ý, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô, đến năm 2030, thị phần vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm là 50-55%, sau năm 2030 là 65-70%.
Đến nay, theo số liệu từ Sở GTVT Hà Nội, thị phần vận tải hành khách công cộng của thành phố đạt khoảng 19,5%, cách khá xa so với các chỉ tiêu quy hoạch.
Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội |
Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị cập nhật theo Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, thành phố Hà Nội có 15 tuyến.
Cụ thể: 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 (quy hoạch 1259) gồm: Tuyến số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh; số 2 Nội Bài – Thượng Đình – Bưởi; số 2A Cát Linh – Hà Đông – Xuân Mai; số 3 Trôi – Nhổn – Yên Sở; số 4 Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà; số 5 Văn Cao – Hòa Lạc; số 6 Nội Bài – Ngọc Hồi; số 7 Hà Đông – Mê Linh; số 8 Sơn Đồng – Mai Dịch – Dương Xá và tuyến 9 Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai. 10 tuyến này có tổng chiều dài 417km, trong đó đường trên cao 342km, đi ngầm 75km.
Ngoài việc tiếp tục triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung (quy hoạch 1259), Hà Nội cũng bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi – Thường Tín – Cảng hàng không số 2; Mê Linh – Cổ Loa – Yên Viên – Dương Xá; Cát Linh – Lê Văn Lương – Vành đai 4 và Vĩnh Tuy – Minh Khai – Trường Chinh – Láng – Nhật Tân.
Thành phố cũng sẽ xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối khu vực phố cổ; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để phối hợp Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Tốc độ triển khai các dự án metro hiện nay quá chậm, không đáp ứng nhu cầu |
Cần khoảng 55 tỷ USD hoàn thiện mạng lưới metro
Sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư do MRB Hà Nội nghiên cứu lên tới khoảng 55,442 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn đến 2030, sẽ đầu tư 96,9km với khoảng 16,208 tỷ USD.
Giai đoạn đến 2035, đầu tư 301,0km với khoảng 20,966 tỷ USD. Giai đoạn đến 2045, đầu tư 196,2km với khoảng 18,268 tỷ USD.
Cơ cấu nguồn vốn được xây dựng theo nguyên tắc: Với các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA, các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA. Các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên bằng vốn ngân sách nhà nước.
Các tuyến đường sắt đô thị sẽ được xây dựng theo thứ tự ưu tiên. Dự kiến đến năm 2025 tổ chức thi công xây dựng Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.
MRB cũng đề xuất phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn.
Cụ thể, đến năm 2030: Về hạ tầng, hoàn thành thi công xây dựng 96,8km metro khổ đường đôi 1.435mm (gồm Tuyến số 2, Tuyến số 5) và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm Tuyến số 1, Tuyến số 2A kéo dài đến Xuân Mai, Tuyến số 4, Tuyến số 6, Tuyến 7, Tuyến số 8, Tuyến vệ tinh: Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến: khoảng 16,208 tỷ USD.
Đến năm 2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 301km metro khổ đường đôi 1.435mm. Sơ bộ diện tích sử dụng đất: khoảng 796ha. Về phương tiện, thiết bị: khoảng 2.110 toa xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20,966 tỷ USD.
Đến năm 2045, về hạ tầng, hoàn thành đầu tư xây dựng 196,2km metro khổ đường đôi 1.435mm bổ sung theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến: khoảng 18,268 tỷ USD.
Đề án cũng xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài; ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định. Nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá” và “ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển giao thông vận tải đường sắt…
“Số liệu nêu trên là dự kiến và sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình hoàn thiện Đề án và chuẩn bị đầu tư từng dự án, bảo đảm an toàn, hiệu quả khai thác và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố”, văn bản của MRB Hà Nội nêu.
- Tại sao một số phụ nữ trở nên xinh đẹp hơn ở tuổi trung niên? Có bốn lý do chính
- Học sinh tiểu học làm văn kể về “bố của em”, cô giáo đọc xong đỏ cả mặt
- Những thời điểm các cặp đôi không nên làm “chuyện ấy”
- Mỗi tháng chỉ bán 2 ngày mà thu lãi 45 triệu đồng nhờ loại nấm này
- Sống trên đời có 3 điều tuyệt đối đừng kể nể với ai: Cfang im lặng, vận may càng tới