Hà Nội yêu cầu không để tái diễn hoạt động trở lại của 8 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã triệt xóa, trong đó có phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy).
Xóa nhiều điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm
Theo kế hoạch phòng, chống năm 2024 của UBND TP Hà Nội, sẽ tổ chức kiểm tra 2.460 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, các cơ sở có biểu hiện phức tạp về tệ nạn mại dâm phải kiểm tra ít nhất một lần.
Liên quan đến các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm, kế hoạch trên cho thấy sẽ triệt xóa 3 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và không phát sinh điểm mới, duy trì không để tái hoạt động trở lại 8 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã triệt xóa.
Theo đó, những điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm như ở (quận Cầu Giấy), đường Kim Giang (huyện Thanh Trì), Quốc lộ 6, khu vực bến xe Yên Nghĩa, Khu vực Chùa Tổng – La Dương (quận Hà Đông)… Đây là những điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã triệt xóa, bàn giao cho địa phương.
Bên cạnh đó, những điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm công cộng như đường ven sông Tô Lịch đoạn gần cầu Nguyễn Khánh Toàn (quận Ba Đình), phố Yersin – Vườn hoa Pasteur, phố Nguyễn Huy Tự – Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng) cũng đã triệt xóa và không được để tái diễn năm 2024.
Ngoài ra, 3 điểm phức tạp về hoạt động này ở ngã ba Ngọc Hồi – Liên Ninh, tuyến đường Cầu Bươu – Phan Trọng Tuệ (huyện Thanh Trì) và đường Giải Phóng (Hoàng Mai) sẽ bị triệt phá năm 2024.
Môi giới mại dâm qua facebook, zalo
Trước đó, báo cáo về kết quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hoạt động mại dâm được phát hiện dưới 2 hình thức chủ yếu là trong khu vực công cộng và trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Ngoài ra, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo để môi giới, hoạt động mại dâm thông qua internet, thông qua facebook, zalo… diễn biến phức tạp, rất khó phát hiện và xử lý triệt để.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay, Hà Nội có 4.485 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Con số này tăng 1.025 cơ sở so với cùng kỳ năm 2022, bao gồm 1.044 cơ sở kinh doanh karaoke, 2.807 cơ sở lưu trú, 634 cơ sở xoa bóp, tẩm quất.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin, năm 2023 đã tổ chức 9 buổi khảo sát độc lập và 3 buổi khảo sát liên ngành để đánh giá hoạt động mại dâm tại một số điểm phức tạp về tình hình tệ nạn mại dâm tại địa bàn công cộng và trong cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Sau khảo sát, đơn vị này đã đề nghị các ban, ngành liên quan triển khai và duy trì các giải pháp, biện pháp để triệt xóa các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, không để phát sinh phức tạp về tệ nạn mại dâm tại các khu vực đã triệt xóa và giao nhiệm vụ cho các địa phương duy trì, kiểm soát từ năm 2023 trở về trước.
Ngoài ra, Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp đẩy mạnh kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, kịp thời phát hiện những biểu hiện lợi dụng kinh doanh để hoạt động mại dâm.
“Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tệ nạn mại dâm, kiên quyết đóng cửa các cơ sở kinh doanh hoạt động không giấy phép, không đủ điều kiện kinh doanh”, báo cáo của Sở nêu rõ.
Trong năm 2023, Sở cũng ghi nhận sự tích cực chỉ đạo, triển khai các biện pháp quản lý và đấu tranh, xử lý vi phạm nhằm triệt xóa các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm ở các quận, huyện.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức đoàn liên ngành đánh giá thực trạng tình hình, xác định kết quả công tác đấu tranh triệt xóa và bàn giao điểm mại dâm triệt xóa tại khu vực tuyến đường Kim Giang (đoạn từ Cầu Tó đến đường Nghiêm Xuân Yêm, huyện Thanh Trì) cho địa phương tiếp tục duy trì không để tái phát sinh tình hình phức tạp về tệ nạn mại dâm.