Tìm đến nhà bà Đặng Thị Hải, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đập vào mắt là cảnh tượng những đứa trẻ nheo nhóc, nô đùa, la hét như đang trong một nhà giữ trẻ.
Làng Cổ Bản (quận Hà Đông, Hà Nội) nằm cách xa trung tâm khoảng 8km. Nơi đây mộc mạc và bình yên mỗi chiều lũ trẻ con chăn trâu, thả diều. Chúng tôi hẹn gặp bà Đặng Thị Hải – người phụ nữ sinh đến 14 đứa con, chạy ăn từng bữa. Nỗi cực khổ in hằn từng đường nét trên khuôn mặt bà, chồng mất, đàn con í ới mỗi ngày. Bà Hải khổ đến nỗi, giờ nhà có cũng chẳng dám ở, phải sinh sống nơi căn lều xập xệ ngay giữa cánh đồng lúa.
Người đời thấy bà cùng đàn con nheo nhóc đói ăn, đói mặc, phải chạy từng bữa cơm qua ngày đoạn tháng. Nhưng sâu trong ánh mắt của người phụ nữ khắc khổ còn cả những vấp váp về tinh thần chẳng biết nói cùng ai. Sinh quá nhiều con, bà Hải tự thấy mình không thể tàn nhẫn bỏ đi bất cứ đứa nào, nhưng đến bây giờ bà thừa nhận phải chịu nhiều đau đớn do sinh nhiều…
Bà Đặng Thị Hải – người sinh 14 người con
Nỗi đau của người mẹ nhiều con
Chuyện bà Hải sinh liên tiếp những 14 đứa con (8 trai, 6 gái), cả cái làng Cổ Bản này chẳng còn xa lạ gì. Tính trung bình cứ khoảng 2 năm, người phụ nữ lại hạ sinh một bé và tất cả đều sinh thường. Nhớ lại những lần “vỡ chum”, bà Hải cười lớn tâm sự: “14 lần sinh thì có 3 lần chồng tự đỡ đẻ và 7 lần tôi… đẻ rơi ngoài lều. Những lần ấy, tôi tự gượng dậy cắt rốn cho con rồi ôm bé về nhà”.
Vốn không nghề nghiệp nhưng bà Hải lại sinh đến 14 người con. Cứ 2 năm bà lại sinh một lần, tổng cộng bà có 8 người con trai, 6 cô con gái. Cả 14 lần sinh nở, bà đều không sinh tại cơ sở y tế mà chỉ sinh tại nhà. Ba năm trước, con gái út của bà đã mất do bệnh nặng.
Sau chừng ấy năm, gia đình bà Hải vẫn sống trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp ở xóm Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội. Nhưng để thuận tiện cho việc nuôi lợn, trông nom ao cá, bà cùng các con chủ yếu sinh hoạt trong một căn nhà tạm ở gần cánh đồng. Căn nhà tạm của bà Hải không có gì đáng giá ngoài chiếc bếp ga để đun nấu.
Cuộc sống của bà Hải cả ngày chỉ quanh quẩn bên ruộng lúa và bãi đầm trước túp lều nhỏ.
Trong số 14 đứa con, người con út sau sinh được 13 tháng 21 ngày thì mất do căn bệnh não úng thủy. Chị cả sinh năm 1989 đã lấy chồng rồi đi làm xa, người con trai thứ 2 cũng đã lập gia đình và sinh được 2 cháu, cháu nội kém con út của bà chỉ vài tháng.
Thời đó, bà Hải gặp và làm bạn với chú Năm khi mới 18 tuổi. Thương cảnh người con gái lang bạt kiếm sống một mình đầy tủi thân, chú Năm ngỏ ý nên vợ nên chồng. Kể từ khi hai người về chung một nhà, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng vất vả bao nhiêu thì vợ cũng cố gắng kiếm tiền mưu sinh bấy nhiêu.
“Trước kia tôi khổ lắm, tôi không kiểm soát được hành vi của mình nên sinh liên tiếp nhiều con. Đến lúc biết có thêm em bé, tôi không muốn làm trò thất đức, cứ sinh con ra thôi. Tôi cũng không nghĩ đến việc hạn chế sinh con vì bận bịu lắm, không có thời gian. Sinh ra các con khó khăn khổ cực đến đâu tôi cũng phải chịu”.
Năm 2016, chú Năm qua đời sau 5 năm nằm viện thuốc thang đều đặn. Kể từ đó, gánh nặng mưu sinh lại đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ này. Căn nhà nhỏ 30 mét vuông do một tay bà Hải dựng nên tràn ngập tiếng cười nói của lũ trẻ mỗi ngày. Ai đi qua không biết cứ ngỡ là nơi trông trẻ.
Bà Hải kể, mấy năm gần đây cả gia đình mới bắt đầu biết thế nào là không khí Tết, chứ mấy năm trước nhà toàn “không”: không tiền, không gạo, không bánh chưng… “Năm nay có ông cậu cho làm ăn chung, thả cá, nuôi gà chăn vịt ở đầm nên cuối năm có ít tiền mua chút quần áo cho các cháu. Tết vừa rồi là cái Tết ấm no nhất trong suốt cuộc đời tôi, không phải lo từng cân gạo, tấm áo cho con mỗi ngày giáp Tết”.
Căn nhà bà Hải được dựng trên đất dự án bỏ hoang
Đứa bé nhất hiện tại ở nhà bà Hải tên Nhân, năm nay tròn 5 tuổi. Trước đây khi sức khỏe giảm sút, bà Hải có biên một tờ di chúc, trong đó ghi rõ chia lại phần nhiều tài sản cho bé Nhân vì đứa bé mang nhiều thiệt thòi: từ khi sinh ra đã yếu ớt, giờ lại mắc bệnh nhược cơ.
Người phụ nữ cũng từng nghĩ tới cái chết và nửa tháng trời không ăn cơm nhà, chỉ ở ngoài đồng mà vắt tay lên trán suy nghĩ. “Đáng nhẽ khi bố mất rồi mẹ con nên đồng tâm hợp sức để làm ăn, nhưng giờ các con không đỡ đần được điều gì cho mẹ. Giờ tôi phải gánh hậu quả vì thời gian qua chỉ cốt lo đồng tiền bát gạo mà không để ý đến các con. Để đến bây giờ đứa thứ nói những điều không hay”.
Bà Hải đau đớn cho hay xích mích giữa 2 mẹ con lớn đến nỗi, có hôm người con thứ không kiềm chế đã cãi cố: “Tôi không có người mẹ như bà!”. Mỗi ngày trôi qua, người mẹ càng nghĩ giờ bản thân mình còn có sức khỏe, vẫn tiếp tục ra đồng làm việc được. Nhưng nếu sau này yếu đi, không làm được nữa, ai sẽ là người chăm nom cho mình.
Không ai cả!
Mơ ước giản đơn về một cuộc sống hạnh phúc
Một mình nuôi các con khôn lớn, bà Hải chưa được nghỉ ngày nào. 6 trong số 14 người con đã lập gia đình nhưng bà vẫn chưa được một phút giây nào nghỉ ngơi mà còn phải nuôi thêm cháu, khi các con đứa công việc không ổn định, đứa bỏ chồng, về nhà.
Hơn 30 năm kể từ khi lấy chồng, việc sinh nhiều con khiến cuộc sống khó khăn không làm bà ân hận, điều bà day dứt nhất chính là việc 4 người con trai vướng vòng lao lý.
Đó là một buổi chiều cuối tháng 1/2021, khi vừa cắt rau muống ở bờ ao sát nhà đi lên, tay vẫn cầm nguyên chiếc liềm, quần áo ướt sũng, lấm lem bùn đất, bà bàng hoàng nhận tin bốn con trai, từ thứ 7 đến thứ 10 bị công an bắt vì tội trộm cắp tài sản. Sau khi khám xét, Công an quận Hà Đông đã thu giữ 4 xe máy Honda Wave, 18 điện thoại di động và nhiều hung khí.
“Tôi chết lặng và phải nhập viện vì quá sốc. Đến lúc ra viện thì chẳng dám nghỉ ngơi, lại quay về công việc mưu sinh hàng ngày nên chưa lên thăm các con. Tôi áy náy lắm”, bà Hải tâm sự.
Mỗi ngày qua đi, bà mẹ 14 người con đều chỉ thầm mong có sức khỏe để đi làm, chăm chút các con, các cháu.
Năm ngoái, con gái bắt đầu đi học may, bà vay mượn khắp nơi và gom tiền bán cá, bán lợn được 100 triệu đồng mua 6 chiếc máy khâu, lát lại sàn nhà để mở xưởng may cho con làm. Bà mong rằng, đây cũng là cơ sở giúp những người con trai của mình khi mãn hạn tù trở về có cái nghề để làm lại cuộc đời.
“Một năm, tôi chỉ thăm các con được vài lần, nếu đúng thời gian thì năm nay thằng thứ 10 mãn hạn. Chị nó có nghề may, khi về chị em chỉ dạy nhau làm, tôi cũng dễ quản lý không để nó rơi vào cảnh tù tội lần nữa”, bà Hải nói.
Dù nhà đông con nhưng bà mẹ hơn 50 tuổi không đặt kỳ vọng vào bất cứ ai. Bà bảo giờ chỉ lo cố gắng làm ăn cho tốt. Mấy đêm nay bà cũng trăn trở, chắc có lẽ phải tích góp đồng tiền để khi mình “buông trôi” cũng có cái cỗ quan tài, không phiền để đứa kia gánh, đứa này gánh.
“Tôi tự thấy mình là một người đàn bà, người vợ, người mẹ quá bất hạnh”. Rồi bà Hải khóc, cứ thế bà nhìn ra cánh đồng mà dù nắng hay mưa vẫn phải tần tảo “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” suốt chục năm qua.
- Hơn cả năng lực, 12 phẩm chất này mới là “chất xúc tác quyết định đến 99% khả năng thành công
- Đất đấu giá Mê Linh chốt hơn 50 triệu/m2, còn hàng trăm thửa đón đầu Vành đai 4
- Quảng Bình: Bước ngoặt không ngờ của chàng trai mất việc vì Covid-19, giờ mỗi năm thu về trên 300 triệu
- Vỡ mộng ở phố lương 5-7 triệu, sao không về quê sống?
- Trồng cây lấy lá Tết nào cũng cần, nông dân ngồi chơi xơi nước cũng rủng rỉnh tiền