Bà Huyền đã 45 năm lay lắt đếm ngày đếm tháng ở căn phòng trọ toen hoẻn, buôn ve chai kiếm sống. Ông Thành lê la với xe tào phớ khắp đường phố Hà Nội cũng đã gần 30 năm…

Những ngày Hà Nội trải qua đợt nắng nóng thiêu đốt đầu hè vừa qua, cuộc mưu sinh của những phận người tha hương nơi góc chợ, đầu đường càng thử thách, khắc nghiệt hơn…

Gồng mình trong “chảo lửa”

Người lao động nghèo đâu có quyền lựa chọn điều kiện làm việc, nghỉ ngơi. Giữa trưa nắng đỏ lửa, đường phố Hà Nội vắng tanh, bà Nguyễn Thị Huyền, 75 tuổi, lặng lẽ gom từng mảnh bìa các tông, nhặt những chai nhựa bị vứt bỏ bên gốc cây, cho vào bao tải.

Vì tuổi cao, không chở được nặng, bà dắt xe đạp đi bộ hơn 1km trên mặt đường bỏng rát đến điểm thu mua ve chai trên phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm. Chốc chốc, cụ bà lại đưa tay vuốt mồ hôi nhễ nhại, chảy ròng ròng trên mặt.

Rời quê Thái Bình lên thủ đô mưu sinh đã 45 năm, bà Huyền sống một mình trong gian trọ chật như hũ nút. Con cái hiện sinh sống, làm việc ở miền Nam, chỉ còn mình bà vẫn nhất quyết bám trụ tại Hà Nội, tự lo thân vì không muốn làm phiền con cháu.

“Về quê thì khó sống. Các con ở trong Nam làm việc cũng vất vả, sức đâu mà nuôi mình. Chỉ mong các con sống đầy đủ, chứ thân già như tôi túng thiếu mãi cũng quen rồi”, bà nói.

Gần nửa thế kỷ làm nghề thu gom phế liệu, cho dù trời nắng đổ lửa, mưa trắng trời hay gió bấc rét buốt, bà Huyền vẫn miệt mài nhặt nhạnh từ tờ mờ sáng đến đêm.

“Còn sức thì còn làm việc, không dám nghỉ ngơi vì nghỉ ngày nào lại thiếu thốn thêm ngày ấy”, bà kể.

Cũng giống bà Huyền, ông Lê Văn Thành, 68 tuổi, quê Nam Định, đã bám víu trên khắp các con phố Hà Nội được 28 năm.

Hằng ngày, ông vẫn cần mẫn đạp chiếc xe tào phớ qua khắp các ngõ ngách, cố bán hết nồi để có đủ tiền chi trả cuộc sống nơi “gạo châu củi quế” và gửi về quê nuôi con ăn học.

Ông dành dụm, chắt chiu từng đồng bạc lẻ, không dám tiêu xài nhiều. Những đợt ế hàng, ông phải đi vay mượn để gửi tiền cho con đóng học. “Vợ chồng tôi ít học, sống khổ sở cũng được, chỉ mong các con sẽ có cuộc sống ổn định, tốt hơn. Khó khăn bao nhiêu tôi cũng chịu được”, ông quả quyết.

Trời nắng cháy da thịt, chỉ chiếc mũ cối che đầu, lúc thấy mệt, ông mới tấp vào vỉa hè tránh nóng. “Nắng nóng như này vất vả lắm, mặt đường hầm hập hắt lên mặt như lửa đốt, phải vừa đi vừa nghỉ cho lại sức”, ông Thành đưa tay quẹt mồ hôi.

Không chịu được thời tiết oi bức, ông Thành ngồi nghỉ bên vỉa hè với thùng hàng còn quá nửa.

Trong những ngày nắng nóng cao điểm ở Hà Nội, người lao động cao tuổi như bà Huyền, ông Thành đều phải làm mọi cách để thích nghi. Họ dậy sớm hơn ngày thường, bắt đầu công việc từ lúc trời chưa hửng nắng, thời gian làm việc cũng bị gián đoạn, kéo dài hơn, đến khuya mới được về chỗ trọ.

“Trời nắng nóng thì mình làm sớm, nghỉ muộn. Oi bức quá thì ngồi nghỉ. Cứ túc tắc làm thôi vì ở nhà cũng không tránh được nóng”, ông Thành thở hắt ra.

Nặng gánh mưu sinh

Một ngày làm việc “vắt kiệt sức”, bà Huyền kiếm được khoảng 50.000 đồng. Mùa nắng, số tiền kiếm được còn ít hơn. Trong khi đó, hàng tháng, tiền thuê nhà, điện, nước đã hết khoảng 1.500.000 đồng.

“Giá điện tăng, mùa nóng như thế này tôi còn không dám dùng quạt. Ăn uống thì phải tính toán tằn tiện, ai cho gì ăn nấy. Hôm thì được hộp cơm, hôm thì cái bánh mì. Nắng nóng cũng không thiết ăn gì, qua quýt cho qua ngày thôi”, giọng bà chùng xuống.

Bà Huyền sửa lại chiếc xe gặp sự cố để tiếp tục mưu sinh.

Cùng cảnh đó, ông Thành thức dậy từ 3h sáng để chuẩn bị nồi tào phớ. Một ngày, ông chỉ ngủ 3-4 tiếng. Nhiều lần trúng gió, say nắng trên chặng đường mưu sinh, người đàn ông khắc khổ mỗi ngày một xuống sức.

Nghĩ về mùa hè nắng như đổ lửa, thiêu da đốt thịt đang tới, ông Thành tặc lưỡi: “Đành chịu. Giá điện vừa tăng, hàng hóa ngày càng đắt đỏ hơn nên tôi càng phải cắt giảm chi phí để có thể trụ vững với kiếp mưu sinh ở Hà Nội này”, ông Thành thở dài.

Theo kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2022-2025, TP Hà Nội hiện còn 3.612 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,16%) và 30.176 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,38%). Bên cạnh đó, theo thống kê sơ bộ của UBND TP Hà Nội, có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định ở Thủ đô.