Công viên Lenin hiện nay ở Hà Nội nằm sát bên Cột Cờ, chính giữa tam giác của 3 con phố Hoàng Diệu – Trần Phú và Điện Biên Phủ.
Thời Pháp, nơi đây từng có cụm tượng đài đồ sộ, có đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong của đệ nhất thế chiến, chung quanh bệ đá là tượng dân bản xứ tượng trưng cho các giới sĩ nông công thương đang làm việc, như hình dưới đây.
Có thể thấy ngay chính diện của cụm tượng đài này là bức tượng người nông dân vác cày dắt trâu, được đặt ở phía trước và choán nhiều không gian, nên người dân quen gọi nguyên cụm tượng đài này là tượng Canh Nông, và khu vực này cũng được gọi là vườn hoa Canh Nông, dù tên chính thức của nó là vườn hoa Robin, quảng trường Puginier.
Trước khi Pháp chiếm Hà Nội, khu vực này nằm ở góc Tây Nam của thành Hà Nội, vốn là một cái hồ lớn để quân lính triều đình nhà Nguyễn dắt voi ra tắm, được gọi là hồ Voi.
Năm 1882, Pháp chiếm Hà Nội, sau đó thực thi kế hoạch xây dựng thành phố trên cơ sở một bản quy hoạch kiến trúc tổng thể, với trung tâm là trục đường Paul Bert, Camp des Lettes, Puginier nối nhau (nay là Tràng Tiền – Tràng Thi – Điện Biên Phủ), dẫn từ Dinh Toàn Quyền ra hồ Hoàn Kiếm rồi hướng về phía sông Hồng. Tường thành bao quanh thành Hà Nội bị đập bỏ, đại lộ Puginier (nay là Điện Biên Phủ) được làm băng ngang qua một phần của hồ Voi đã bị lấp, phần đất còn lại trên hồ Voi cũ được làm vườn hoa, được gọi là vườn hoa Robin. Đây chính là vườn hoa Lenin hiện tại.
Ở góc Tây Nam vườn hoa Robin, chính quyền cho dựng một cụm tượng đài lớn bằng đồng, được gọi là đài kỷ niệm chiến sĩ đệ nhất thế chiến. Cụm tượng đài này được khánh thành ngày 11/11/1928.
Ngày khánh thành cụm tượng đài
Trung tâm cụm tượng là bệ cao bằng đá hoa cương, trên đó có tượng 2 lính Pháp, một giương súng trường chĩa về phía cột cờ Hà Nội, người còn lại vung tay ném lựu đạn.
Xung quanh phần đế là nhóm tượng đặt dưới thấp hình hoa đào 4 cánh, trên đó có tượng 4 hình tượng đại diện cho 4 giai tầng cơ bản của xứ An Nam là “Sĩ”, Nông, Công, Thương. “Sĩ” là ông thầy đồ đang ngồi viết chữ. “Nông” là anh nông dân đang vác chiếc cày chìa vôi đi sau con trâu. “Công” là anh thợ rèn đang gò chiếc nồi đồng. “Thương” là nhóm các cô gái áo dài thắt vạt đang gánh đôi thúng đi chợ.
Mặt bên trái của cụm tượng, nơi có anh thợ rèn đang gò chiếc nồi đồng đại diện cho Công
Tác giả của cụm tượng đài xung quanh chân đế này (tượng người bản xứ) và một điêu khắc gia người Việt tên là Nguyễn Đức Thục (1893 – 1952). Ông cũng là thân sinh của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, tác giả ca khúc Quê Em, Biết Ơn Chị Võ Thị Sáu…
Nhà văn Bùi Bình Thi – cháu ngoại của ông Nguyễn Đức Thục kể lại: Ông ngoại tôi đã dứt khoát từ chối việc nặn cụm lính Pháp ở trên đỉnh bệ cao, với lý do là ông tôi không có chuyên môn về nặn tượng lính Tây. Còn phần dưới cụm con trâu, nông dân vác cầy thì ông ngoại tôi nhận làm, vì lý do tại sân nhà cụ ở quê, cụ đã có sẵn cụm tượng đó. Cụ tạc cụm tượng này là do cụ thích và yêu những gì có ở quê hương. Khi người Pháp đến đặt ông ngoại tôi về chuyện tượng đài ra về rồi, thì mẹ tôi hỏi ông ngoại tôi: “Vì sao thầy không nhận tạc hai anh lính Pháp đó?”. Ông tôi cười nói: “Để ngày nào hai cái anh ấy cũng chĩa súng về phía Cột Cờ của Hoàng thành à? Đó là mối nhục, con nghe chưa”.
Nguyễn Đức Thục cũng là người thiết kế các hoa văn nội thất của Nhà hát Lớn Hà Nội, như hoa văn trên vòm trần, trên đường viền sân khấu, hoa văn chạy dọc chạy ngang ở những chỗ cửa ra vào, cửa ngách, hành lang…
Trở lại với tượng đài và vườn hoa Canh Nông, bên cạnh tượng đài, góc bên đường Gallieni (nay là Trần Phú), chính quyền cho dựng một phương đình nhỏ mái cong kiểu Á Đông có tấm bia ghi: Ghi công những người lính bản xứ đã giúp mẫu quốc đánh giặc Đức.
Trượng đài Canh Nông này đã gây ra một dư luận xôn xao trên báo chí Pháp thời đó và bị chỉ trích vì chi phí xây dựng quá lớn: 900.000 đồng Đông Dương. Ngoài ra 1 số tờ báo cũng chế nhạo tính thẩm mỹ của tượng đài.
Sau gần 100 năm, cái tên vườn hoa Robin không còn nữa, vườn hoa này cũng đã được đổi tên mấy lần, nhưng người Hà Nội vẫn luôn gọi nơi này bằng cái tên vườn hoa Canh Nông, dù nó chưa bao giờ là cái tên chính thức.
Tháng 7 năm 1945, dưới thời thị trưởng Trần Văn Lai của chính quyền Trần Trọng Kim, tượng đài Canh Nông đã bị kéo đổ. Cùng chung số phận đó là tượng Nữ thần tự do (Bà Đầm Xòe) ở vườn hoa Neyret (nay là vườn hoa Cửa Nam), tượng thống sứ Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ), tượng Jean Dupuis đầu phố Cửa Bắc ngày nay. Các tượng đồng này được cất vào kho để sau đó đồng được lấy để đúc thành tượng Phật A Di Đà ở chùa Thần Quang vào năm 1949. Tượng đài Canh Nông chỉ tồn tại được 17 năm (1928-1945).
Vườn hoa Robin được thị trưởng Trần Văn Lai đổi tên thành vườn hoa Chi Lăng, và cụm tượng đài Canh Nông dù bị kéo đổ nhưng phần đế tượng bằng đá vẫn còn ở đó cho tới tận năm 1982.
Sau đây là một số hình ảnh tượng đài khi chỉ còn lại phần đế:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Pháp Philippe Leclerc trước tượng đài Canh Nông, lúc này chỉ còn lại phần đế
Thời điểm này chính phủ VNDCCH vừa ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 với Pháp để tạm thời hòa hoãn, mục đích là để lính Pháp thay thế Trung Hoa Dân Quốc giải giáp Nhật, gạt 180.000 quân Tưởng Giới Thạch khỏi miền Bắc. Trong hình là Tướng Võ Nguyên Giáp vả Tướng Pháp Philippe Leclerc de Hauteclocque cùng truy điệu binh lính tử trận ở Đông Dương tại đài tưởng niệm, đằng sau là Cao ủy Jean Sainteny (mặc Âu phục trắng)
Xung quanh đế còn loang lỗ vết đục
Năm 1985, chính phủ Liên Xô tặng cho thành phố Hà Nội tượng đài Lenin bằng đồng cao 5.2m, đặt trên bệ đá hoa cương cao 2.7m. Từ đó vườn hoa Chi Lăng chính thức đổi tên thành vườn hoa Lenin.