Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
255 lượt xem

Hà Nội đề xuất ‘1 kế hoạch, 3 phân kỳ’ để hiện thực hóa gần 600 km metro

Trong Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống metro thủ đô giai đoạn 2024 – 2045, Hà Nội đề xuất ‘1 kế hoạch, 3 phân kỳ’ đầu tư cùng hàng loạt chính sách để phân cấp, phân quyền nhằm hiện thực hóa gần 600 km metro.

UBND TP.Hà Nội vừa có Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (metro) thủ đô gửi HĐND thành phố.

Theo UBND TP.Hà Nội, việc xây dựng đề án nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu hoàn thành mạng lưới metro tại Hà Nội.

Trong đề án, thành phố đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” đầu tư. Trong đó, phân kỳ 2024 – 2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km (gồm các tuyến số 22, tuyến số 33 và tuyến số 5), chiếm khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến metro theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội. Tại phân kỳ này, thành phố còn chuẩn bị công tác đầu tư 301 km, gồm các tuyến số 1, số 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, 6, 7, 8 và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỉ USD.

Phân kỳ 2031 – 2035, thành phố dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km đã chuẩn bị công tác đầu tư ở phân kỳ trước, chiếm khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến metro theo quy hoạch. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỉ USD.

Ở phân kỳ 2036 – 2045, thành phố sẽ hoàn thành đầu tư hơn 200 km metro các tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch thủ đô và Quy hoạch chung thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỉ USD.

Về phương án huy động và cơ cấu nguồn vốn, đề án cho biết sẽ thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công (bao gồm ngân sách, vay trái phiếu, vay ODA và các nguồn huy động hợp pháp khác) theo quy định. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2035, thành phố dự kiến cần T.Ư hỗ trợ khoảng 8,614 tỉ USD trong 2 kỳ trung hạn 2026 – 2030 và 2031 – 2035. Giai đoạn sau năm 2035, thành phố chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến metro bổ sung.

Để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng hệ thống metro. Trong đó, có thể để nhà đầu tư tư nhân được nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng, được tham gia đầu tư, phát triển các dự án trong khu vực TOD được quy hoạch. Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tư nhân mua sắm phương tiện đầu máy, toa xe… theo một gói chung, đảm bảo mục tiêu giảm tổng giá thành mua sắm so với cách thức thực hiện riêng rẽ như hiện nay.

Bài viết cùng chủ đề: