Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
114 lượt xem

Hà Nội: Chi 250 triệu biến sân thượng thành vườn rau, chuồng gà, ao cá, nhà nông cũng phải trầm trồ

Đến thăm khu vườn trên sân thượng tầng 5 của anh Nguyễn Hà Giang (quận Hà Đông, Hà Nội) ai cũng phải trầm trồ.

Một hệ thống được vận hành tự động, khép kín trong một không gian nhỏ có thể thâm canh nhiều loại rau, củ quả, chuồng gà và nuôi hàng trăm con cá. Vườn rau, áo cá trên sân thượng cung cấp đủ thực phẩm cho gia đình và là nơi thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.

Gia đình anh Giang tại La Khê (Hà Đông, Hà Nội) có một khu vườn sân thượng chia làm 2 sàn, mỗi sàn chừng 50m2, được anh tự thiết kế và thực hiện vào tháng 12/2020.

Ngoài rau xanh, trái cây như đu đủ, ổi, cà chua, khu vườn còn có bể cá hơn trăm con đủ loại trê, chép…, vài trăm con lươn và một đàn gà đẻ trứng. Khu vườn không chỉ là “siêu thị thực phẩm sạch” cho gia đình anh Giang mà còn đủ để anh chị thu hoạch tặng hàng xóm, bạn bè.

Hai vợ chồng đều bận bịu: anh Giang thường xuyên công tác xa, bà xã là giảng viên đại học lại chăm sóc mẹ già, con thơ. Để vừa có khu vườn xanh tốt, sum suê rau trái, cá, lươn sạch cho gia đình, vừa không tốn nhiều công chăm sóc, anh Giang đã tự tìm tòi, nghiên cứu và kết hợp làm vườn tuần hoàn. Anh gọi đùa, đây là vườn “dành cho người lười”.

“Khu vườn này có hệ thống tự động tưới nước, tự động làm phân hữu cơ, do đó vợ chồng mình chỉ cần trồng và thu hoạch, tốn rất ít thời gian”, anh Giang nói.

Ý tưởng là khu vườn sân thượng được anh Giang triển khai từ cuối năm 2020. Thời điểm đó áp lực công việc, anh Giang quyết định nghỉ việc một thời gian để ở bên vợ con nhiều hơn, tìm một hướng đi khác. “Thời gian đó tôi chủ yếu ở nhà đọc sách, chăm hồ cá nhỏ dưới sân. Cũng từ đây tôi tìm hiểu nhiều hơn về các mô hình trồng vườn sân thượng”, anh Giang cho biết.

Sau khi bàn bạc với vợ, anh Giang quyết định thực hiện làm khu vườn trên sân thượng tầng 5. Anh trao đổi với kỹ sư thiết kế ngôi nhà để tính toán kỹ trọng lượng, kết cấu phù hợp cho khu vườn. Tuy nhiên, gần nửa năm trời, hai vợ chồng anh Giang chị Trang trồng rau thì rau lụi, trồng hoa thì hoa tàn, thay đổi 7 – 8 loại đất khác nhau.

Hai vợ chồng cũng ít nhiều nản chí nhưng “đâm lao thì phải theo lao”, anh chị vào các hội nhóm tìm hiểu kinh nghiệm mọi người, nghiên cứu các mô hình khác nhau trên thế giới. Sau một thời gian tìm hiểu, anh Giang đặc biệt ấn tượng với 3 mô hình Aquaponics, Wicking bed và tháp trồng cây hữu cơ – các mô hình được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới như: Israel, Nhật Bản, Mỹ…

Aquaponics là mô hình tích hợp nuôi thủy sản và trồng thủy canh, dựa trên nguyên tắc sản xuất trong tự nhiên cân bằng và khép kín. Chất thải của cá được chuyển hóa thành nitrat – nguồn phân bón cho rau; ngược lại, rau xanh lọc và làm sạch nước cho bể cá. Mô hình này đang dần trở nên phổ biến tại các vườn sân thượng nhà phố ở Việt Nam khi có lợi thế ít sâu bệnh, không sử dụng hóa chất độc hại.

Anh Giang quyết định kết hợp những ưu thế của hệ Aquaponics và mô hình Wicking bed. Dưới hệ thống bồn trồng cây, anh Giang lắp đặt một đường ống ngầm chứa nước. Phần nước này sẽ ngấm dần từ dưới đáy bồn vào đất. Cách tưới tự động này cho phép mặt trên của bồn đất không quá ẩm ướt, úng nước mà luôn khô ráo, nhờ đó mà hạn chế nấm mốc, sâu bệnh.

Mô hình Wicking bed được chứng minh là giúp giảm khoảng 50% nước so với cách canh tác truyền thống. Đồng thời với thiết kế đáy bồn chứa nước ngầm, các chất hữu cơ được giữ lại và thấm ngược vào đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây.

“Bản thân mô hình Aquaponics đã tưới tự động còn với mô hình Wicking bed chúng ta có thể tưới hẹn giờ xuống ống chứa nước”, anh Giang cho hay.

Không chỉ tưới tự động, anh Giang cũng làm phân, làm đất “tự động”. Tại các bồn, anh Giang đặt 1 chiếc thùng nhựa đã đục lỗ nhỏ xung quanh thân và đáy thùng, đồng thời thả giun trùn quế. Hàng ngày, gia đình sử dụng rác thải nhà bếp như vỏ củ quả để thả vào thùng.

Sau khi ủ, rác phân hủy, ngấm ra ngoài, tạo thành thức ăn cho trùn quế. Loại phân này “tự động” làm đất thêm dinh dưỡng, tơi xốp. Trung bình mỗi bồn 3m3 đất anh Giang cho 0,5 kg trùn quế.

Khi mô hình khu vườn sân thượng hoạt động ổn định, vợ chồng anh Giang chủ yếu chỉ cần trồng cây và thu hoạch. Gia đình có thể yên tâm đi chơi, công tác mà không lo cây thiếu nước, thiếu dinh dưỡng.

Trên khu vườn anh Giang cũng làm 1 khu nuôi chục con gà đẻ trứng. Gà được nuôi trên bề mặt trải đất và rải đều loại nấm Balasa giúp phân hủy phân gà, hạn chế mùi hôi. Mỗi ngày gia đình có thể thu hoạch 5 – 6 quả trứng gà ta.

Với hệ thống tự động, anh Giang có thể nuôi nhiều loại cá khác nhau như cá chép, cá rô, cá diêu hồng… với sản lượng 30kg/m3 nước. Hiện tại bể cá nhà anh có hơn 100 con. Sau khi nuôi 7 – 8 tháng, gia đình có thể thu hoạch.Tổng chi phí anh Giang hoàn thiện khu vườn trên sân thượng là khoảng 250 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ nhưng vợ chồng anh rất hài lòng. Từ khi có khu vườn, gia đình hoàn toàn chủ động nguồn thực phẩm sạch, có không gian vui chơi, thư giãn, giúp các con học và tìm hiểu về thiên nhiên.

Bài viết cùng chủ đề: