Nhiều bức ảnh chụp Khuê Văn Các (Hà Nội) chụp từ năm 1926, 1951, 1954, 1970, 1980 ở thế kỷ trước, trong đó ảnh chụp năm 1926 cho thấy mặt trời là nguyên bản, còn lại các ảnh thì đều cho thấy mặt trời đã bị thủng.
Như vậy, thời gian bị thủng của biểu tượng mặt trời được biết sớm nhất là vào năm 1951, cho đến ngày nay.
Sau khi phát hiện ra hiện trạng của biểu tượng mặt trời trên Khuê Văn Các, báo Thanh Niên đã có hai bài phản ánh về sự việc này. Sau đó có một số báo cũng đăng tải cùng với lời phỏng vấn các nhà quản lý, bảo tồn di tích.
Khuê Văn Các trên bưu ảnh 1926 cho thấy mặt trời còn nguyên bản
Có chuyên gia còn cho rằng: “Biểu tượng mặt trời trên Khuê Văn Các là một chi tiết nhỏ trong tổng thể di tích này, các nhà nghiên cứu khi nhìn nhận ra sự việc có thể nhắc nhở với cơ quan quản lý Văn Miếu – Quốc Tử Giám để có giải pháp nghiên cứu khắc phục. Tôi cho rằng, vấn đề này không nên tạo ra những tranh cãi về việc có hay không phần kính đỏ ở giữa và nâng quan điểm thành những chuyện phức tạp”. Đó là lời của ông Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích trên báo Kinh tế Đô thị (Bài Biểu tượng mặt trời trên Khuê Văn Các bị thủng: Chuyên gia nói gì? ngày 11.4).
Tôi thật bất ngờ với những phát biểu nêu trên, thay vì đặt vấn đề mặt trời được trang trí trên Khuê Văn Các mang hàm ý gì, phần kính đỏ trong mặt trời có từ khi nào và thời gian gần đây nhất vẫn còn, để từ đó truy tìm ra nguyên nhân.
Qua sự việc này, tôi đã được cộng đồng mạng gửi cho rất nhiều ảnh về Khuê Văn Các được chụp từ năm 1926, 1951, 1954, 1970, 1980 ở thế kỷ trước, trong đó ảnh chụp năm 1926 cho thấy mặt trời là nguyên bản, còn lại các ảnh thì đều cho thấy mặt trời đã bị thủng. Như vậy, thời gian bị thủng của biểu tượng mặt trời được biết sớm nhất là vào năm 1951 và cho đến nay vẫn nguyên trạng.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói thêm ở đây là về biểu tượng mặt trời ở nước ta thì trước nay chưa được ai quan tâm. Có lẽ vì vậy mà phát biểu của các nhà quản lý nêu trên nghe chừng có vẻ xem nhẹ về biểu tượng này.
Mặt trời – Hoa cúc, từ chống giặc ngoại xâm đến biểu tượng vương quyền
Ở thời kỳ dựng nước của các vua Hùng, thuộc nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ của nước ta, hình tượng Mặt trời – Hoa cúc đã được sử dụng trang trí trên mặt trống đồng và mũi giáo đồng.
Mặt trời – Hoa cúc trên bảo kiếm thời Trần
Mặt trời – Hoa cúc trên mũ Đại triều của vua triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Thế nhưng sau thời kỳ rực rỡ này, vào đầu công nguyên nước ta đã bị phương Bắc đô hộ và đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra mà điển hình là của Hai Bà Trưng nhưng không thành.
Tiếp đến là Triệu Việt Vương (548 – 570) khởi nghĩa được Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “Kỷ Tỵ, năm thứ 2 (549). Vua ở trong đầm thấy quân Lương không lui, mới đốt hương cầu đảo, khẩn thiết kính cáo với trời đất, thế rồi có điềm lành được mũ đâu mâu móng rồng dùng để đánh giặc. Từ đó quân thanh lừng lẫy, đến đâu không ai địch nổi (tục truyền rằng thần nhân trong đầm là Chử Đồng Tử bấy giờ cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống, rút móng rồng trao cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc)” (tập 1, tr.182, 183).
Về móng rồng của Chử Đồng Tử nêu trên, đó là móng của một loại linh thú không có thật và đã được tôi và nhà báo Lê Công Sơn giải thích trong một bài Mũ đâu mâu gài móng rồng là có thật hay truyền thuyết (đăng trên báo Thanh Niên ngày 3.4.2022), đó chính là hoa cúc, thuộc loại cúc móng rồng.
Để rồi về sau, các triều đại quân chủ đã lấy hình tượng Mặt trời – Hoa cúc làm biểu tượng vương quyền trang trí cho toàn bộ hệ thống mũ miện.
Tóm lại, hình tượng Mặt trời – Hoa cúc ở Khuê Văn Các (Hà Nội) là biểu tượng thiêng liêng được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây cũng chính là lý do biểu tượng này được trang trí trên Khuê Văn các đã bị thủng, rất cần các lãnh đạo và nhà nghiên cứu quan tâm cho ý kiến và sớm lên kế hoạch trùng tu.
Theo Thanh Niên