Ở Bình Lục (Hà Nam) có một nghề độc lạ mới xuất hiện: Nuôi ốc vặn và nhẩy ốc vặn. Loài ốc vặn này trước đây thường bị bỏ đi vì ruột nhỏ lại đắng nhưng giờ lại đắt hàng.

Tận dụng những khu ruộng trũng người dân cải tạo thành ao thả nuôi ốc vặn, nhàn mà thu nhập cao. Từ đây cũng xuất hiện nghề khêu ốc vặn thuê từ người già đến trẻ em đều có thể kiếm tiền.

Trong những năm gần đây, ốc vặn cũng đã trở thành một món ăn hấp dẫn được nhiều người yêu thích với nhiều cách chế biến khác nhau. Từ đó giúp người nông dân có thu nhập cao nhờ các mô hình nuôi ốc vặn. Đây là loại ốc rất dễ nuôi, thức ăn đơn giản dễ tìm, không phải tốn chi phí mua thức ăn, là loài ốc sinh trưởng nhanh.

Một trong những người đi tiên phong nuôi ốc vặn ở huyện Bình Lục (Hà Nam) là ông Trần Văn Huyên ở xã Hưng Công. Ông Huyên cho biết: “Nhà tôi cũng bắt đầu nuôi ốc vặn ở ao. Hiệu quả rất tốt. Một số đầu mối cung cấp ốc nhồi ở các xã lân cận giờ cũng nuôi ốc vặn rất nhiều. Thức ăn của ốc chủ yếu là cỏ và các loại rau quả bỏ đi. Nông dân sẽ không tốn kém nhiều tiền mua thức ăn cho ốc”.

Thời gian sinh sản mạnh nhất của ốc vặn chủ yếu rơi vào tháng 6 – 7 – 8, khi mà nhiệt độ dưới nước khoảng tầm 20 – 25 độ C. Đây là điều kiện sống tốt nhất, phù hợp để ốc vặn có thể sinh trưởng nhanh chóng.

Tuy nhiên, loài ốc vặn vẫn có thể sinh sản và phát triển đều quanh năm nếu như được nuôi dưỡng và chăm sóc đúng kỹ thuật. Vì thế nên ốc vặn có thể cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt vào mùa sinh sản mạnh thì ốc vặn thường có giá thành rẻ hơn so với ốc trái vụ.

Vì là loài ốc sinh trưởng nhanh, nên tuổi thọ của ốc vặn chỉ kéo dài khoảng tầm hơn 1 năm. Tuy nhiên, ưu điểm của ốc vặn là sinh trưởng mạnh, lớn nhanh nên chỉ cần một thời gian ngắn người nuôi đã có thể thu hoạch ốc

Ốc vặn là loài ăn tạp rất dễ sống, nhờ đó mà người nuôi không cần phải bỏ nhiều chi phí cho thức ăn của ốc vặn. Thức ăn chủ yếu của ốc là những loại thực vật phù du như rong, rêu, rau xanh,…. Bên cạnh đó ốc vặn còn thích hợp với một số thức ăn khác như cám gạo, nội tạng gia cầm, súc vật hoặc phân trâu, phân bò,…

Phương pháp nhân giống ốc vặn: Cách nhân giống cho ốc vặn không chỉ giúp duy trì nguồn giống, mà còn thuận tiện trong việc chăm sóc đến thu hoạch ốc với từng lứa ốc cụ thể để đảm bảo thu nhập ổn định.

Trước khi thả ốc bố mẹ khoảng 3 – 5 ngày, ao nuôi phải được bón lót bằng các loại phân chuồng như phân trâu, phân bò hoặc phân gà, nên trộn đều phân cùng với rơm rạ theo tỷ lệ 1/3. Thả ốc với mật độ 15 – 20 con/m vuông, tỷ lệ ốc bố và ốc mẹ cân đối 1/1. Sau khi thả ốc bố/mẹ được khoảng 10 – 15 ngày thì ốc sẽ tự sinh sản và người nuôi có thể tiến hành tách ốc con để nuôi riêng. Bà con lưu ý ốc con thường có phần vỏ mềm, yếu hơn nên khi bắt cần nhẹ nhàng, cẩn thận tránh làm ốc bị dập vỏ.

Nhận thấy tiềm năng từ nuôi ốc vặn nhiều hộ dân đã thuê lại những khu ruộng trũng cải tạo thành trại nuôi ốc vặn và ốc nhồi. Ốc vặn chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhu cầu tiêu thụ ốc vặn ngày càng cao, từ đó nghề khêu ốc vặn ra đời. Tại thôn 1 (xã Hưng Công, huyện Bình Lục), bà Chu Thị Lới mỗi ngày kiếm được khoảng 100 nghìn đồng từ việc khêu ốc vặn. Bà cho biết vì sức khỏe yếu, chỉ quanh quẩn ở nhà, có người thuê khêu ốc thế là bà nhận về làm.

Người mang công việc này cho những người như bà ở thôn là ông Trần Văn Huyên vừa là chủ trại ốc vặn cùng kiêm đi thu gom ốc vặn hàng chục năm nay.

Ông Huyên cho biết, thường thì ông chỉ thu gom các loại ốc ở các nơi về nhà phân loại, đổ cho các đầu mối. Gần đây, thị trường Hà Nội cần ốc ruột để làm bún, những đầu mối ông đổ ốc làm không xuể nên ông đã tự xơ chế ốc vặn trước khi mang về Hà Nội. Công việc không quá nặng nề, lại có thể giải quyết việc làm cho nhiều người lao động quá tuổi, sức khỏe yếu ở quê.

Ông Trần Văn Huyên chia sẻ: “Thực ra khêu ốc không phải là việc tôi chuyên làm, nhưng khi phải giải quyết các mối hàng cho khách, tôi đã làm việc đó. Thời điểm nào làm nhiều nhất mỗi ngày tôi phải luộc 2 tạ ốc, thuê mọi người khêu với giá 10.000 đồng/kg. Vào những tháng đầu năm, cuối năm, mỗi tháng có khi phải xuất lên Hà Nội từ 1-2 tấn ốc ruột”.

Một trong những người làm nghề khêu ốc bún lâu năm nhất ở Bình Lục là gia đình chị Đào Thị Hồng, thôn 4, xã Bình Nghĩa. Chị Hồng cho biết: “Tháng 8, tháng 9, tháng 10 là những tháng ốc bún ngon nhất, béo nhất, sẵn nhất nên chị nhập rất nhiều hàng về để khêu. Ốc khêu xong sẽ cho vào các tủ trữ đông để dành đến cuối năm hoặc đầu năm xuất bán. Lúc đó, thị trường Hà Nội tiêu thụ món này nhiều nhất. Nếu không làm thế, không có ốc mà bán vào dịp đó”.

Tiền công trả cho lao động khêu ốc thuê vẫn là 10.000 đồng/kg, nhưng ngày nào nhà chị cũng giao hàng cho hơn 20 hộ dân trong làng làm việc. Số lượng lên tới hàng tấn ốc mỗi ngày. Hiện chị Hồng có tới 4, 5 mối hàng chuyên đổ ốc cho chị. Mỗi ngày đổ từ 2-3 tạ ốc sống.

Yêu cầu của chị đối với các mối hàng là phải giao ốc bún, ngon, không có con, đều đặn. Nếu không đảm bảo yêu cầu nhất định không lấy. Chị Hồng tự rửa ốc sạch sẽ, tự luộc rồi mới phân hàng cho lao động khêu.

“Nhiều năm rồi, chúng tôi phải giữ chữ tín với khách hàng. Họ là những chủ nhà hàng rất lớn ở Hà Nội, họ không thể làm ăn bừa bãi được!” Chị Hồng chia sẻ.