Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
145 lượt xem

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố: Một thế hệ gạt nước mắt giữa phố thị, chênh vênh ở hay về

Ràng buộc bởi nhiều áp lực, nhiều người chênh vênh giữa dòng xe đông đúc: Tiếp tục ở lại thành phố hay về quê với cuộc đời mới?

Vợ chồng ở Sài Gòn tổng thu nhập mỗi tháng gần 25 triệu. Với góc nhìn ở quê, đây là con số thu nhập mơ ước.

Tôi quen một cặp vợ chồng như thế. Nhưng ở phố, tiền thuê nhà, tiền trả góp nếu mua nhà, tiền ăn uống sinh hoạt, nuôi con cái thì tới 30 triệu đồng cũng chẳng thấm vào đâu. Lương tháng nào xào hết tháng đó. Lại nói nhìn ở ngoài họ lúc nào cũng đẹp đẽ, đi ăn ngoài, đi chơi cuối tuần nhưng nhà thì vẫn ở thuê.

Rồi dịp lễ, tết cũng cố đi thuê ôtô tự lái để về quê lấy le với hàng xóm, họ hàng. Trong khi có dịp nhậu chung, anh chồng cũng khá chạnh lòng khi đám bạn ở quê tuy không giàu có gì nhưng cũng có cơ sở làm ăn, buôn bán ổn định. Nhà cửa thì có hết rồi, ai cố thêm tí thì mua được ôtô.

Trong khi mang tiếng ở “xì phố” mà chẳng nên cơm cháo gì. Rồi bây giờ phải muối mặt vay bà con, người thân ở quê mỗi người một ít để mua một căn chung cư trả góp.

Mấy hôm nay, tôi thấy trên mạng có một chủ đề khá thú vị đó là người ở phố hay người ở quê sang hơn. Đại ý, đó là câu chuyện của một số người đang sống và lập nghiệp ở thành phố, mang tiếng ở nơi có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn, nhưng hằng tuần, hàng tháng vẫn nhận đồ đạc, thực phẩm, rau củ tươi ngon từ quê gửi vào.

Có người cho là những người ở quê thường ngày ăn uống cực khổ, chi tiêu dè sẻn, nhưng hào phóng với người thân ở xa. Có con cá tươi, con gà béo, rau củ sạch đều gói ghém gửi vào Sài Gòn cho con cái, anh em.

Nói đâu xa, nhà hàng xóm quê miền Trung của tôi hầu như tháng nào cũng nhận một thùng xốp đầy ắp cá biển, tôm tươi là đặc sản rồi chất vào tủ lạnh ăn dần. Lâu lâu lại thấy gia chủ đăng vài tấm hình đồ ăn chế biến rồi bâng quơ nỗi niềm xa xứ.

Cái câu chuyện tiếp tế lương thực cho người ở thành này là tấm lòng, và cũng là tâm lý muốn nhường của ngon vật lạ cho người phương xa – mà hầu như người ở quê nào cũng có. Vấn đề tôi muốn bàn đến ở đây là có những người sao bao năm bôn ba học hành, lập nghiệp ở thành phố lại nghèo hơn người ở quê. Hay nói chính xác hơn là họ lạc lõng giữa phố thị và quê nhà.

Cách đây hai năm, tôi có viết bài ‘Làm 5 năm vẫn kiếm dưới 15 triệu đồng thì không nên trụ lại Sài Gòn’. Và bây giờ tôi vẫn giữ quan điểm như bài cũ, nếu không thoát được cái bẫy thu nhập trung bình đô thị thì việc mua nhà, mua xe là bất khả thi.

Và các cặp vợ chồng trẻ cần nhanh chóng tìm hướng đi khác, về quê lập nghiệp cũng là một phương án đánh vào thị trường ngách cần lưu tâm. Đừng say mê cái mác người thành phố, hay ham cuộc sống hưởng thụ ở phố ngày làm việc tối chở vợ con đi shopping, ăn hàng uống quán mà khiến mình lạc lõng ở đô thị khi nhìn về quê thấy quá nhiều thứ đổi thay, ai ai cũng khá lên rồi.

Rốt cuộc thì, chúng ta đâu có chọn giữa thành thị hay nông thôn, cũng không phải tiền hay vật chất – ở một nơi sâu thẳm trong hành trình cuộc đời, chúng ta vẫn đang đi tìm những điều sâu xa và ý nghĩa hơn.

Thành thị hay nông thôn chỉ là một lớp vỏ, ôm ấp lấy hoài bão của mỗi người. Chúng ta chẳng bao giờ nói: “Ước mơ của cuộc đời em là được sống ở thành phố” mà chỉ đơn giản “em ước có cuộc sống hạnh phúc”.

Bài viết cùng chủ đề: