Thời nay phụ huynh hay bênh con, đôi khi chỉ cần nghe con nói thầy cô thề này, thế kia là họ vào trường ngay để mắng giáo viên. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đâm đơn thưa gửi thầy cô giáo của con lên tới Phòng Giáo dục.

Một buổi sáng, cả trường tôi náo loạn vì một bậc phụ huynh. Đứng trước phòng hội đồng, họ xối xả trách mắng cô giáo chủ nhiệm của con. Họ cho rằng cô chủ nhiệm đang trù úm con mình. Họ không ngừng trách “Vì sao con mình lại bị hạnh kiểm Khá? Rồi họ bảo như thế là rất thiệt thòi cho con mình”. Cứ thế, họ không ngừng trách mắng cô chủ nhiệm của con. Nghe phụ huynh nói, tự nhiên tôi cảm thấy buồn vô cùng.

Cậu học trò của vị phụ huynh này đang học lớp 9. Cháu thông minh nhưng khá hiếu động. Trong lớp cháu rất hay gây gổ với bạn bè. Thỉnh thoảng cháu lại bày trò để gây sự chú ý từ bạn bè. Nhiều lần giáo viên chủ nhiệm (GVCN) nhắc nhở, nhưng cháu vẫn tái phạm. Đã mấy lần giáo viên (GV) phải điện thoại để trao đổi cùng phụ huynh. Thế nhưng lần nào phụ huynh cũng bênh con. Họ luôn cho rằng con mình ngoan, rằng con tôi, tôi hiểu nó mà.

Hai, ba lần như vậy, cô chủ nhiệm đâm chán. Trên lớp cô vẫn nhắc nhở và mong em tập trung vào việc học tập. Chưa bao giờ cô tỏ ý ghét em cả. Điều này thì cả lớp đều rõ mà.

Dẫu rất thương trò nhưng cô vẫn xếp loại em hạnh kiểm Khá. Cô muốn em có dịp nhìn nhận lại mình mà cố gắng. Năm nay, em xếp loại học lực Giỏi nhưng hạnh kiểm chỉ đạt Khá. Vì thế, em không được khen thưởng. Mới chỉ nghe vậy, phụ huynh tức tốc vào trường mắng cô giáo. Chưa dừng ở đó. Phụ huynh còn muốn thưa gửi tới tận Phòng Giáo dục. Nghe vậy, cô chủ nhiệm chỉ biết rớt nước mắt vì buồn.

Sau khi nghe ban giám hiệu giải thích rằng cô xếp loại hành vi đạo đức cho trò như vậy là hoàn toàn đúng. Rồi một số GV khác giải thích thêm. Cuối cùng phụ huynh đành hậm hực ra về.

Thực ra, câu chuyện này không phải là hiếm trong trường học. Phụ huynh thì cứ bênh con. Đôi khi chỉ cần nghe con nói thầy cô thề này, thế kia là họ vào trường ngay để mắng GV. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đâm đơn thưa gửi thầy cô giáo của con lên tới Phòng Giáo dục.

Tôi từng chứng kiến cảnh một đồng nghiệp của mình khóc rất nhiều vì bị phụ huynh thưa gửi. Lí do cô giáo có la rầy vài lời vì em không thuộc bài. Rồi chẳng hiểu sao, em về nói gì mà phụ huynh vô cùng tức giận. Cứ thế, họ vào trường làm ầm ĩ lên đòi thưa gửi cô giáo. Cuối cùng, cô phải nhờ Ban giám hiệu xuống lớp để đối chất với học sinh mới xong. Từ đó, cô chẳng dám nặng lời với trò bao giờ nữa.

Bây giờ, nhiều GV đi dạy chẳng dám phạt học trò đâu. Dường như họ đang buông xuôi học trò. Họ chỉ làm đúng trách nhiệm của mình thôi. Đến giờ thì vào lớp giảng bài, học sinh hư cũng kệ. Con người ta chứ có phải con mình đâu. Làm quá, cuối cùng chỉ mình là người thiệt thòi. Khi gặp chuyện, GV lại là người đơn thương độc mã. Thôi thì cứ né cho lành.

Bản thân là một GV, tôi từng không đồng tình với cách phạt trò của một số GV. Nhiều hình phạt mang tính phản cảm, làm nhục. Tuy nhiên để giáo dục trò, thầy cô vẫn cần có thưởng và có phạt. Cần phạt làm sao để giúp các em nhận ra sai trái mà nên người.

Nhớ thời đi học, chúng tôi vẫn thường bị thầy cô mắng phạt đó thôi. Chưa kể, ba mẹ biết chuyện còn mắng thêm nhiều hơn nữa. Cứ thế rồi chúng tôi cũng nên người. Còn bây giờ, con ít, các em đều là vàng bạc, kim cương cả. Ai đụng con họ, họ sẵn sàng hơn thua tới cùng.

Cha mẹ thương con, bênh con, nên nhiều em thường tỏ thái độ với thầy cô. Nhiều em còn tỏ thái độ thách thức với GV. Ngay cả, khi các em sai, các em vẫn nghĩ mình là người đúng. Cuối cùng chính thầy cô là người phải “sợ” trò.