Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
117 lượt xem

Giấc mơ an cư tuổi 30 thành hiện thực với quan điểm "tiền dù ít nhưng nhà vẫn cần ấm"

Nếu có vài trăm triệu mà vẫn chần chừ và không có kế hoạch tài chính cụ thể, nhiều người trẻ sẽ bỏ lỡ “ngôi nhà hạnh phúc”.

Tuổi 30 – nửa đời người trôi qua – là cái mốc quan trọng toàn diện cả về cuộc sống, công việc và cả việc an cư. Đó là độ tuổi chúng ta trăn trở một mái nhà cho gia đình (an cư) và có thể còn là lo xa muốn tích lũy tài sản cho con cái về sau thông qua giá trị gia tăng của bất động sản (đầu tư).

Tôi xin đưa ra một số cảm nhận cá nhân về việc này. Bài viết có thể còn chủ quan và thiếu sót do tôi chia sẻ thuần túy ở góc độ người mua ở phổ thông – có thu nhập thụ động thuần từ tiếng tin nhắn ting ting báo lương mỗi tháng. Không quá rành rẽ các thuật ngữ chuyên môn, thông tin thị trường mà chỉ quan tâm bài toán giá trị đơn giản 1+1 = 2.

Thoạt đầu, tôi có dành thời gian khá nhiều để tìm hiểu, học hỏi nhằm có kiến thức về bất động sản từ con số không để xác định sản phẩm bất động sản mình sẽ chọn để an cư.

Trước đó, tôi đã trải qua hai mươi mấy năm ở hẻm ba mét khu quận 4, nơi chiều chiều 16h30 được nghe bà con bàn về xổ số hay thỉnh thoảng được chứng kiến những màn “combat” tựa như Trần Hạo Nam của các nhóc xóm lao động.

Nói vậy nhưng tôi lại hài lòng và thấy bình thường về cuộc sống ở nơi đầy tệ nạn và phức tạp như vậy. Tôi có suy nghĩ sau này sẽ cố mua một căn nhà nhỏ 30m2 rồi chồng lầu lên như mọi người.

Tuy nhiên tôi lãng phí quãng thời gian cơn sốt nhà đất 2014 – 2018 cho các thú vui riêng thay vì quan tâm nơi an cư hay tích lũy đầu tư. Tôi tin là nhiều bạn có lẽ cũng như tôi để giờ bắt đầu nghiêm túc tìm nhà an cư thì giá nhà đã “đu dây điện”.

Năm 2018 tôi cũng bắt đầu tìm hiểu về bất động sản và cũng có cảm tình với căn hộ chung cư. Cũng có thể là mình ở nhà phố đã quen nên muốn thay đổi không khí sinh sống và cũng ấn tượng về sự tiện lợi của căn hộ.

Phần nữa với tài chính ban đầu ít ỏi và dự định sử dụng đòn bẩy ngân hàng cùng việc e ngại quy hoạch, tranh chấp, lừa đảo khi giao dịch nhà phố nên tôi nghiêng hẳn và quyết định chọn căn hộ. Tuy vậy tôi vẫn nghiên cứu khá lâu các dự án, các chủ đầu tư cũng như giá bán, vị trí để cân đo đong đếm.

Cũng nhờ ngày xưa lang thang đêm khuya khắp khu nam Sài Gòn và loanh quanh một số nơi bên khu Chợ Lớn, quận 8 mà một số dự án tôi cảm nhận được khó khăn nên đến giờ vẫn chưa mất mát gì.

Đúng thật là mua nhà là duyên. Tôi đi xem vài dự án cả hiện hữu và tương lai nhưng vẫn e ngại giá bán và áp lực trả nợ cũng như một số cảm quan không hài lòng về nơi đó.

Tuy nhiên, khi qua xem dự án mà mình chọn xuống tiền mua thứ cấp thì chỉ qua ba lần là tôi ưng dù bây giờ nghĩ lại cũng hơi khó hiểu sao lại như thế. Tất nhiên tôi không bị hấp dẫn bởi sự lung linh của nhà mẫu và có một khoảng thời gian suy nghĩ nhất định. Tôi thích sự yên tĩnh của căn hộ đó và khoảng cách gần nơi ở hiện tại (khoảng 3km) và nơi làm việc (khoảng 7km) cũng như thuận tiện kết nối các tiện ích.

Do tính chất công việc và cá nhân mà tôi đã gắn bó nơi làm việc này gần 9 năm nên tôi chọn nơi ở gần nơi làm việc chứ không thể theo suy nghĩ nơi làm việc có thể thay đổi, không cần cố định.

Đến nay, dự án vẫn tiến triển tốt nhưng có thể nói mình là con chim phá mồi của group cư dân vì toàn nhìn và nêu lên những vấn đề như: Vị trí còn trong “hóc bà tó” của khu vực, hạ tầng hiện hữu còn nghèo nàn, một số khuất tất của dự án, lo ngại về mật độ, chất lượng bàn giao – vận hành và cả tiềm năng tăng giá khi thị trường biến động hiện nay.

Nói vậy vì dù tôi thuần túy mua để ở nhưng không phải là không quan tâm lời lỗ. Bạn mua một ngôi nhà, căn hộ – Sweet Home hay Ngôi nhà mơ ước của bạn – bạn không muốn nó đứng hoặc mất giá theo thời gian từ lúc mua trên giấy đến khi nhận nhà.

Thực tế cho thấy, các dự án cũ ở Sài Gòn trong quá khứ nếu chất lượng, vị trí, vận hành tốt đều sẽ có các bước tăng giá ấn tượng và đi vào giai đoạn ổn định sau bàn giao. Như vậy, dù mua ở nhưng chúng ta hài lòng về chất lượng sống và cả về lợi nhuận của bất động sản mình nắm giữ.

Đi cùng thời điểm mở bán của các dự án này, mức lương khái quát của nhân viên văn phòng (vị trí bình thường như kế toán, nhân sự marketing và tùy vào công ty nước ngoài hay trong nước) tầm 8 triệu đồng (2014), 10 triệu đồng (2016) và nay là 14 – 16 triệu đồng (2020).

Còn với lao động phổ thông lâu năm, mức lương lần lượt là 8 triệu đồng (2014) 12 triệu đồng (2016) và 18-19 triệu đồng (2020).

Các dự án mở bán giai đoạn trước 2018 đều có sự cộng hưởng từ hồi phục và tăng trưởng kinh tế, sự ấm lên và nóng sốt của thị trường bất động sản cũng như vị trí, nền giá một số dự án còn tốt để an cư.

Các dự án mở bán sau năm 2018 đa số mức tăng giá khá chậm, thậm chí chỉ đi ngang khi các chủ đầu tư đã set mức giá leo thang nhanh hơn mức độ hấp thụ của thị trường.

Các dự án bàn giao trước 2018 sau khi đạt đỉnh giá cũng dần đi vào vùng giá ổn định ít biến động. Cuộc chạy đua về giá căn hộ hiện nay đã thiết lập một nền giá mới mà để hấp thụ có thể sẽ mất tầm 3 năm ở vùng giá loanh quanh 40 triệu đồng mỗi mét vuông.

Quãng thời gian đó để người mua ở có thể tích lũy thêm vốn tự có, để thu nhập thụ động từ tiền lương có thể rút ngắn áp lực cho khoản tiền góp vay mua nhà mỗi tháng.

Cá nhân tôi thấy xu hướng an cư sẽ có nhiều thay đổi đáng kể trong tương lai. Dần dần các khu hẻm nhiều xẹt, hẻm ba mét hoặc hẹp hơn và các khu tệ nạn ở các quận nội thành sẽ dần thay đổi và biến mất.

Các gia đình ở các khu vực này, nếu có điều kiện hoặc bán nhà 30m2, 40m2 để mua nhà rộng hơn ở vùng lân cận trung tâm, vùng ven hoặc chọn mua căn hộ ở khu vực trung tâm cũ tùy theo khả năng tài chính.

Các nhà phố khu vực nội thành rồi sẽ sớm như nước ngoài, có giá trị rất cao mà ai đã bán rồi sẽ không thể mua lại. Căn hộ trung cấp khu vực trung tâm và lân cận (dưới 15 km) sẽ được hấp thụ mạnh vì những mặt tiện lợi của nó cả về giá trị và chất lượng sống, vị trí và mức giá dễ chịu hơn nhà phố.

Vì vậy, cá nhân tôi cảm thấy với vốn tự có ít ỏi tầm vài trăm triệu thì nếu vẫn chần chừ không mua nhà và có kế hoạch an cư từ giờ có lẽ chúng ta sẽ lại lỡ chuyến tàu đến “Ngôi nhà mơ ước”.

Tuy nhiên, dù nhu cầu cần nhà ở là cấp thiết, nhưng cần tư duy và lựa chọn phù hợp túi tiền, vị trí mà vay mua chứ không thể “ngáo đá” bởi những tác động bên ngoài. Đừng ráng vay mượn bất chấp mua những nơi xa tít giá cao trong khi cách quận 1, quận 5 hay các quận tạo công việc thu nhập, di chuyển đi lại 10-12km thì nguồn cung cả sơ và thứ cấp cho vùng giá 2 tỷ vẫn còn khá nhiều.

Chúng ta suy cho cùng tìm nơi an cư là hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và gia đình, đừng để sms nhắc nợ ngân hàng hàng tháng ám ảnh cuộc sống của bạn.

Bài viết cùng chủ đề: