Tôi trả tiền cho con làm việc nhà vì nghĩ đó là cách dạy con ý thức lao động kiếm tiền, không ngờ rằng vì sai lầm này mà con tôi trở thành kẻ thực dụng.
Sai lầm khi trả tiền cho con làm việc nhà
Con trai tôi năm nay nay 8 tuổi. Ngay từ khi con 3 tuổi, tôi đã dạy con ý thức giúp đỡ bố mẹ những việc vặt trong nhà. Tôi kỳ vọng con lớn lên sẽ là người có tự lập, không ỷ lại vào bố mẹ và biết giúp đỡ người khác khi cần. Ở tuổi lên 3, con tôi đã phải tự cất dọn đồ chơi vào hộp sau khi chơi xong, cởi quần áo với sự trợ giúp rất ít từ bố mẹ. Ngoài ra tôi còn phân công con nhiệm vụ xếp bát đũa lên bàn ăn và cất/ lấy những vật dụng giúp bố mẹ trong tầm với của con. Khi con được 4 tuổi, con tiếp tục làm những công việc trên và thêm việc mang bát đũa bẩn ra bồn rửa giúp mẹ.
Đến khi con 6 tuổi, tôi bắt đầu nghĩ đến việc dạy con kiếm tiền, tiêu tiền và quản lý đồng tiền. Tôi học theo cách các bố mẹ khác thường làm đó là trả tiền cho con khi làm việc nhà. Vậy là tôi ra quy định, với mỗi việc nhà con sẽ được “trả lương” 10 nghìn đồng. Nếu việc nặng nhọc hơn và cần nhiều thời gian hơn, con sẽ được gấp đôi là 20 nghìn đồng. Ngoài ra tôi mua cho con một cái hộp, số tiền con nhận được từ làm việc nhà sẽ cất hết vào đó. Nếu con muốn mua thứ gì, có thể mua nếu bố mẹ thấy hợp lý.
Trong khoảng 1 năm đầu, tôi thấy con khá vui vẻ khi làm việc nhà và cả khi nhận được “tiền lương” từ bố mẹ. Con cũng đã thuộc mệnh giá tiền. Mỗi khi cần mua thứ gì cần nhiều tiền hơn, con lại chủ động đề nghị bố mẹ cho làm thêm việc để có nhiều tiền hơn. Tôi khi ấy khá hài lòng vì một mặt mình đỡ vất vả phần nào, mặt khác con đang dần có ý thức làm việc để có được thứ mình muốn.
Nhưng mọi thứ chỉ yên bình trong đúng 1 năm đầu đó, đến khi con tôi khoảng hơn 7 tuổi, những vấn đề bắt đầu xuất hiện và dần trở nên nghiêm trọng. Con tôi bắt đầu đòi hỏi bố mẹ phải “trả lương” nhiều hơn cho những việc nhà vốn dĩ trước đây nó vẫn làm mà không than vãn gì. Có lần còn đòi 50-100 nghìn thì nó mới làm, nếu bố mẹ từ chối, nó cũng tỏ ra bất cần và nói còn bận học. Khi ấy tôi nghĩ có lẽ con đã lớn hơn, nhận thức tốt hơn nên đòi hỏi vậy là đúng, hơn nữa nó cũng bận học. Thế là tôi tăng “tiền lương” cho con trai. “Nó biết đòi hỏi nghĩa là nó đã hiểu được giá trị sức lao động của nó”, tôi đã thầm nghĩ như vậy và vẫn yên tâm cho đến một ngày nó lại đòi bố mẹ phải trả hậu hĩnh hơn.
Tôi đã cố gắng giải thích với con rằng tiền lương cho mỗi việc nhà như vậy là phù hợp, mẹ không thể trả cao hơn, như vậy thì mẹ tự làm cho xong. Nó vẫn với thái độ tỉnh bơ như những lần trước đó và nói một câu khiến tôi tức giận thực sự: “Nếu mẹ không trả tiền, con cũng không bao giờ làm giúp mẹ nữa”.
Câu nói của con không những khiến tôi tức điên lên mà còn khiến tôi tổn thương và đau lòng. Hóa ra nếu thấy có lợi, nó mới giúp đỡ bố mẹ. Hóa ra nó vui vì có tiền, chứ không vui vì đã san sẻ được gánh nặng cùng bố mẹ. Tôi vốn kỳ vọng con biết yêu thương, chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình, vậy mà chỉ vì sai lầm này, tôi đã biến con thành đứa trẻ thực dụng, vô tâm, làm mọi việc chỉ vì tiền.
Tôi lờ mờ hiểu rằng làm việc nhà là trách nhiệm chung của mọi thành viên trong gia đình. Con tôi từ nhỏ làm việc gì cũng được bố mẹ “trả lương” nên đã hình thành thói quen làm vì tiền. Nghĩ đến cảnh mai sau lỡ hai vợ chồng chúng tôi ốm bệnh, già yếu, không có tiền cho con, liệu nó có bỏ rơi chúng tôi không? Hoặc có thể nó cũng sẽ chịu chăm sóc bố mẹ, nhưng phải có “tiền công” trả cho nó. Chỉ nghĩ thoáng qua thôi mà tôi đã thấy lòng đau như cắt.
Tôi đã quá sai lầm khi nghĩ rằng mình thật thông thái vì bên tây người ta cũng trả tiền công làm việc nhà cho con. Nhưng nghĩ sâu xa, bên tây, họ phân chia rõ ràng việc nào của cha mẹ, việc nào của con, việc nào của đứa lớn, việc nào của đứa nhỏ. Còn những việc không được tính là việc nhà như rửa xe thường là việc của cha mẹ, nhưng nếu các con làm thì cha mẹ sẽ trả công cho chúng để lấy tiền tiết kiệm. Tôi đã dạy con “nửa vời” theo cách của bố mẹ tây, để rồi con có quan niệm rằng việc gì cũng phải có “giá” và không có tiền thì không làm. Con tôi không những thực dụng mà còn ích kỷ nữa.
Sau này con lớn lên, ra đời làm gì cũng đòi quyền lợi được trả công, liệu con có chịu tự nguyện đóng góp sức mình, liệu con có được niềm vui khi giúp đỡ người khác, có được sự thỏa mãn khi hoàn thành nghĩa vụ hay con chỉ chăm chăm đến lợi ích cá nhân mình?