Nhiều đứa trẻ cứ thấy mẹ là bám rịt lấy, nhằng nhẵng đòi mẹ bế, chơi cùng… và điều này đôi khi khiến các mẹ rất mệt mỏi. Trẻ bám mẹ sẽ khiến mẹ không thể tập trung làm được việc gì, cứ trao bé cho người khác là bé khóc và có cảm giác con chẳng khác gì cái “đuôi” không thể rời của mẹ.

Không ít người cho rằng trẻ bám mẹ là trẻ hư, chỉ biết ỷ lại, không có tính tự lập hay thiếu ý thức thương mẹ dù hầu hết những đứa trẻ ấy chỉ tầm 1, 2 tuổi. Nhưng đó hoàn toàn là những “cáo buộc” thật sự vô lý và không công bằng với trẻ.

Sự thật là ngược lại.

Sự gắn kết giữa trẻ và người chăm sóc sẽ tạo cho trẻ cảm giác an toàn và luôn được yêu thương. Nhờ thế, con có thể hoàn toàn yên tâm để tập trung vào các hoạt động chơi, khám phá, tưởng tượng, vận động, chú ý, v.v. Nghe thì có vẻ ngược đời, nhưng khi những nhu cầu được bố mẹ lắng nghe và đáp ứng thì trẻ sẽ trở nên độc lập và chủ động hơn.

Con gắn bó với bố mẹ không có nghĩa là con không có tính độc lập. Ngược lại, mối liên hệ bền chặt với bố mẹ là động lực để trẻ dễ dàng phát triển độc lập hơn. Vậy nên, nếu hôm nay em bé của bạn “một bước không đi, một li không rời”, thậm chí là khi bạn cần… đi vệ sinh, thì thay vì than thở, hãy tự hào rằng đối với con, bạn chính là một thiên đường êm ấm.

Sao con bám mẹ thế? Sao ngủ phải có mẹ? Thiếu hơi mẹ thì sao? Mẹ làm hư con rồi!

Để tôi, một bà mẹ đang nuôi con nhỏ, trả lời cho mà nghe.

Con tôi không hư, con bám tôi là vì tôi là niềm vui của con, và ngược lại.

Tôi tắm cho con, tôi thức dậy vào nửa đêm để cho con bú, tôi thay tã cho con, mặc quần áo cho con, chơi với con, hát cho con nghe, đọc truyện cho con…

TÔI HẠNH PHÚC KHI LÀM ĐIỀU ĐÓ, chỉ tôi chứ không phải ai khác.

Con ở trong bụng tôi hơn 9 tháng, cảm nhận nhịp đập và hơi ấm cơ thể tôi từng giờ, từng phút. Nếu con muốn tôi để cảm thấy an toàn, thì tôi sẽ luôn ở đó.

Chẳng có gì sai trái khi một đứa bé luôn bám chặt lấy mẹ nó cả!

Trẻ bám mẹ có được coi là con hư?

Qua những lời giải thích khoa học như trên, có lẽ các mẹ đã hiểu vì sao một đứa trẻ cứ nhõng nhẽo, bám riết lấy mẹ không ngừng mỗi ngày như thế. Bởi mẹ là người trẻ tin tưởng nhất, đặt nhiều kỳ vọng chở che an toàn cho mình nên con mới tìm mẹ để có được sự yêu thương và giúp đỡ. Cho rằng trẻ bám mẹ là hư, con bám mẹ là do mẹ không biết dạy hoàn toàn là những nhận xét vô căn cứ.

Việc được bám mẹ cũng mang lại cho trẻ nhiều lợi ích về mặt tình cảm. Trẻ sẽ cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm và bảo vệ từ mẹ. Từ đó giúp trẻ không còn sợ hãi, có cảm giác tự tin hơn khi làm quen với những điều mới mẻ và sẽ phát triển toàn diện hơn về sau.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác cũng đã chứng minh trẻ càng nhận được sự yêu thương, quan tâm từ mẹ khi còn nhỏ càng nhiều thì lớn lên sẽ dễ trở thành con người bản lĩnh, có khả năng đối phó với các áp lực trong cuộc sống. Tiến sĩ tâm lý Joanna Maselko của Đại học Temple, Mỹ đã theo dõi gần 500 người trong bang Rhode Island để tìm hiểu mối QH giữa tình yêu của người mẹ với khả năng đối phó với các trạng thái tiêu cực của những đứa con. Kết quả cho thấy mức độ biểu hiện tình yêu thương của mẹ khi trẻ nhỏ càng lớn thì lớn lên đứa con càng hiếm khi rơi vào những trạng thái tình cảm tiêu cực như trầm uất, căng thẳng.

Vì vậy, hãy dành thời gian tận hưởng việc được trẻ đeo bám, coi như đó là một trong những niềm hạnh phúc vô bờ bến mà thiên chức làm mẹ mang lại. Bởi khi trẻ khoảng 3 tuổi trở lên, hành vi bám mẹ này sẽ dần tự nhiên mà bị mất đi. Và đến lúc ấy, rất có thể bạn sẽ nhớ khoảng thời gian con bám mẹ như hình với bóng, đi đâu cũng là “cái đuôi”, cái bóng của mẹ.